Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu trong kế hoạch hóa gia đình


Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam.

Tại đây, UNFPA đã công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022: "Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch".

Báo cáo chỉ rõ con số đáng báo động khi có tới 121 triệu ca mang thai ngoài kế hoạch (gần 50% tổng số ca mang thai hàng năm trên toàn thế giới), đồng thời cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nhân quyền này gây ra những hậu quả rất nặng nề cho xã hội, phụ nữ và trẻ em gái, và sức khỏe toàn cầu. Hơn 60% trường hợp mang thai ngoài kế hoạch sẽ dẫn đến kết cục phá thai và có khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn.

Tỷ lệ tử vong mẹ do việc phá thai không an toàn chiếm 5 - 13% tổng số ca tử vong mẹ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.

Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện vào năm 2021 cho thấy, chỉ có 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống còn 50,3% ở những phụ nữ chưa kết hôn. Vấn đề này dường như còn đang diễn ra cấp bách ở những người chưa có gia đình, những đối tượng có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình ước tính cao hơn 4 lần so với phụ nữ đã lập gia đình.

Liên quan đến khả năng ra quyết định về sinh sản và quan hệ tình dục của phụ nữ, Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 đã chỉ ra rằng trung bình có 84,8% phụ nữ Việt Nam tự quyết định về quan hệ tình dục và 70,4% tự quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ có 42,6% người dân tộc Mông và 61,4% phụ nữ không được đi học có thể tự ra quyết định về quan hệ tình dục. Đối với các quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ có 25,5% trẻ vị thành niên và 54,2% thanh thiếu niên ở độ tuổi 20-24 có thể tự ra quyết định.

Tại sự kiện, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam dành nhiều lời khen ngợi Việt Nam trong việc đạt được rất nhiều thành tựu trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục của người dân, cũng như hiện trạng tử vong mẹ và kế hoạch hóa gia đình.

Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch COVID-19 và việc có thêm những dữ liệu có chất lượng để hiểu được tình hình hiện tại, cũng như giúp các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các kế hoạch tốt hơn sẽ giúp kinh tế của Việt Nam sớm trở lại con đường như thời kỳ trước đại dịch.

Bà Naomi Kitahara cũng nhấn mạnh, hiện Việt Nam không chỉ nên tập trung vào mức trung bình của quốc gia, mà còn tập trung vào những nhóm đặc biệt, những nhóm yếu thế trong dân số, như các nhóm dân tộc thiểu số hiện nay. Hiện nay, tỷ lệ tử vong mẹ trong nhóm này cao gấp 2 đến 3 lần so với mức trung bình của toàn quốc và đặc biệt là những phụ nữ không được học hành, những nhu cầu tránh thai của họ trong nhiều trường hợp chưa được đáp ứng và tỷ lệ bị bạo lực về giới, bạo lực gia đình trong nhóm này tương đối cao.

Ngoài ra, thanh niên cũng là nhóm có thể bị chịu ảnh hưởng nhiều bởi chuyện mang thai ngoài ý muốn, do họ có rất nhiều nhu cầu tránh thai, nhưng không phải chỗ nào nhu cầu đó cũng được đáp ứng. “Tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có cách nhìn chuyên sâu, đi sâu vào những nhóm đang dễ bị tổn thương, đáp ứng những nhu cầu của họ. Làm được như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ rất vững vàng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định.

Tại sự kiện, bà Naomi Kitahara kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo địa phương ưu tiên quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tạo thêm nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc tiếp cận phổ cập các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả và bảo đảm rằng mọi thanh thiếu niên, bao gồm cả trẻ em trai đều nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và biện pháp phòng tránh mang thai ngoài kế hoạch. “Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, hiểu rõ hơn nhu cầu của họ và tăng cường sự bình đẳng cho họ trên mọi lĩnh vực”, bà Naomi Kitah nhấn mạnh.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất