Thực trạng và nguyên nhân của lao động trẻ em
Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế và theo luật pháp quốc tế, lao động trẻ em chỉ bao gồm những công việc nào không thể chấp nhận được với trẻ, cụ thể là những công việc mà gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ; hay những công việc mà ảnh hưởng đến việc học tập hay vui chơi, giải trí cần thiết của trẻ. Những công việc gây tổn hại hay nguy hiểm cho trẻ em ở mức độ cao được gọi là những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (worst forms of child labour) - đây là những hình thức lao động trẻ em bị pháp luật quốc tế cấm tuyệt đối và yêu cầu các quốc gia phải có hành động ngay lập tức để ngăn chặn, xoá bỏ. Đó là bởi lao động trẻ em vi phạm các quyền của trẻ em không bị bóc lột sức lao động; quyền được học tập, vui chơi, giải trí; quyền được bảo vệ khỏi bị xâm hại và những hoàn cảnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần của trẻ em mà đã được ghi nhận trong Công ước về quyền trẻ em của LHQ năm 1989.
Ở Việt Nam, pháp luật cũng chưa nêu định nghĩa cụ thể về lao động trẻ em, nhưng đã chỉ có những quy định phòng ngừa và cấm tình trạng này. Cụ thể, Điều 26 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Bộ luật Lao động 2019 (các Điều 143, 144) cũng xác định một nguyên tắc là cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên (lao động dưới 18 tuổi) làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ (theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành). Lao động trẻ em là vấn đề toàn cầu, xuất hiện ở mọi khu vực và mọi quốc gia, chỉ khác nhau về mức độ. Theo ước tính, hiện tại cứ 1/6 trẻ em trên thế giới thì có một em tham gia các hoạt động kinh tế. Báo cáo gần đây nhất của ILO công bố năm tháng 6-2021 cho biết, con số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng 4 năm qua và hàng triệu trẻ em khác đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch COVID-19.
Tại châu Phi hạ Sahara, tình trạng dân số tăng, khủng hoảng liên tục tái diễn, nghèo đói cùng cực và thiếu các chế độ an sinh xã hội khiến lao động trẻ em tăng thêm 16,6 triệu trẻ. Ngay cả với những khu vực đã có những bước tiến từ năm 2016 như châu Á và Thái Bình Dương và châu Mỹ Latin và Caribe, COVID-19 cũng đang đe dọa đến những tiến bộ này. Báo cáo cũng cảnh báo rằng, trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu. Những cú sốc về kinh tế và trường học bị đóng cửa do đại dịch COVID-19 đồng nghĩa với việc những lao động trẻ em có thể phải làm việc trong thời gian dài hơn hay với điều kiện làm việc tồi tệ hơn, bên cạnh đó, rất nhiều em khác có thể sẽ bị buộc làm việc trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khi các gia đình thuộc diện dễ bị tổn thương phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và thu nhập.
Trong đó, châu Phi có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất (chiếm 19,6% số lao động trẻ em trên thế giới). Số liệu tương ứng khu vực châu Mỹ là 5,3%, các nước Ả-rập 2,9%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương 7,4%, khu vực châu Âu và Trung Á 4,7%. Tỷ lệ lao động trẻ em nam là 58%, lao động trẻ em nữ 42%. Xét về độ tuổi, 48% lao động trẻ em nằm trong độ tuổi 5-11, 28% trong độ tuổi 12-14, 24% trong độ tuổi 15-17. Xét về lĩnh vực, đa số lao động trẻ em làm việc trong khu vực nông nghiệp (chiếm 70,9% tổng số trẻ em lao động của thế giới), sau đó là đến khu vực dịch vụ (17,2%) và khu vực công nghiệp (11,9%).
Trong giai đoạn 2000-2016, số lượng lao động trẻ em giảm 94 triệu, nhờ vào sự cam kết quốc tế ngày càng cao với việc xóa bỏ lao động trẻ em, thể hiện ở số lượng ngày càng tăng các quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập các công ước số 138 và 182 của ILO. Tuy nhiên, theo báo cáo “Lao động trẻ em: Ước tính toàn cầu năm 2020, xu hướng và con đường phía trước” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố trước Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12-6 vừa qua, con số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng bốn năm qua, và hàng triệu trẻ em khác đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch COVID-19.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao động trẻ em, trong đó có thể phân chia thành những “nguyên nhân bên trong” - yếu tố gia đình và “nguyên nhân bên ngoài” - tác động từ điều kiện kinh tế, xã hội. Trong những nguyên nhân trên, đói nghèo và thất học là những nguyên nhân hàng đầu của lao động trẻ em, mặc dù không phải là nguyên nhân duy nhất.
Trong mấy thập niên vừa qua đã hình thành một hệ thống điều ước quốc tế rất toàn diện về phòng ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em, trong đó bao gồm Công ước về quyền trẻ em của LHQ, các Công ước của ILO số 138 (về tuổi lao động tối thiểu), số 182 (về xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất), số 29 (về xoá bỏ lao động cưỡng bức). Những công ước này đều là những điều ước cơ bản của ILO, được tích hợp vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có hiệu lực ràng buộc rất mạnh với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, không chỉ từ góc độ tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền, mà còn từ góc độ tuân thủ các quy tắc thương mại trong quá trình hội nhập quốc tế.
|
Tác hại của lao động trẻ em
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng lao động trẻ em không chỉ có tác động tiêu cực đến đời sống và sự phát triển của bản thân trẻ, mà còn đến gia đình, cộng đồng và quốc gia.
Tác động tiêu cực của lao động trẻ em với quốc gia thể hiện ở chỗ nó cản trở sự phát triển, hạn chế sự cạnh tranh của đất nước. Điều này là do trẻ em khi phải lao động sớm sẽ không được giáo dục và đào tạo những kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cần thiết để giúp các em có thể đảm nhiệm những công việc trong nền kinh tế ngày càng đòi hỏi người lao động phải có tri thức. Trong bối cảnh kinh tế tri thức hiện nay, lực lượng lao động trình độ thấp sẽ tạo ra những trở ngại lớn với sự phát triển của quốc gia. Lao động trẻ em ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, khiến cho năng lực cạnh tranh của quốc gia giảm sút khi tham gia vào nền kinh tế đã toàn cầu hoá.
Tác động tiêu cực của lao động trẻ em với gia đình trẻ thể hiện ở chỗ khi gia đình cho hoặc bắt buộc con cái nghỉ học để đi làm sớm, các em sẽ khó hoặc không thể đảm nhiệm những công việc mà đòi hỏi tri thức và kỹ năng cao. Hầu hết các em sẽ bị “trói buộc” vào những công việc giản đơn, các nghề nghiệp lao động phổ thông, có thu nhập thấp và bấp bênh. Vì thế, gia đình có thể sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo, kém phát triển về lâu dài.
Đối với chính bản thân trẻ em, tác động tiêu cực của lao động trẻ em thể hiện ở những điểm sau:
Về thể chất: Do còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, sức khỏe và sự dẻo dai còn hạn chế, trẻ em dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro về thể chất hơn người lớn khi làm việc. Ví dụ, trẻ em lao động có thể bị tai nạn dẫn tới bị thương, bị chết hoặc tàn tật. Trẻ em làm việc trong những điều kiện lao động không bảo đảm có thể phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài.
Về tâm lý, trong một số trường hợp, hậu quả tâm lý gây ra cho trẻ em lao động có thể bao gồm: chậm phát triển về trí tuệ, thiếu tự tin, khó hòa nhập xã hội; gặp khó khăn trong việc tạo lập các mối quan hệ, suy giảm lòng tự tôn; có thái độ bạo lực hoặc tâm trạng trầm cảm, lo lắng, thậm chí có ý định tự hủy hoại bản thân...
Về nhận thức, trong nhiều trường hợp, khả năng nhận thức của trẻ em bị ảnh hưởng do công việc mà trẻ phải làm, ví dụ như suy giảm năng lực nhận thức, giao tiếp và thực hành - những yếu tố cốt yếu để thích nghi xã hội và có cuộc sống tốt đẹp.
Về giáo dục, lao động nặng nhọc hoặc nhiều thời gian có thể khiến trẻ em phải bỏ học sớm hoặc giảm khả năng tiếp thu trong quá trình học tập. Tuy nhiên, phổ biến hơn là lao động tước đi của trẻ em thời gian cần thiết cho việc học tập và vì vậy thành tích học tập của các em sút giảm, kỹ năng học tập yếu, bị thụt lùi so với bạn bè, bị bỏ mặc hoặc gặp khó khăn khi hòa nhập với bạn học.
Lao động trẻ em là một thực trạng diễn ra ở mọi quốc gia trên thế giới, chỉ khác nhau về mức độ. Lao động trẻ em phá hoại tương lai của trẻ em, gia đình, cộng đồng và đất nước, trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn hại tất cả các quyền trẻ em được pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia bảo vệ, vì thế cần phòng ngừa và xoá bỏ tình trạng đó. Xóa bỏ lao động trẻ em không có nghĩa là cấm trẻ em tham gia làm việc dưới mọi hình thức, mà chỉ là cấm việc khai thác, bóc lột, lạm dụng sức lao động của trẻ em. Để xoá bỏ tình trạng lao động trẻ em, cần loại bỏ những yếu tố là nguyên nhân đẩy trẻ em vào vòng xoáy phải làm việc từ sớm hoặc phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, trong đó đặc biệt là tình trạng đói nghèo và thất học. Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục, lâu dài, có sự tham gia của nhiều chủ thể, từ nhà nước, cộng đồng, cho đến gia đình, các bậc cha mẹ và bản thân trẻ em.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thuật ngữ “lao động trẻ em” (child labour) để chỉ các công việc làm cho trẻ em và người chưa thành niên mất đi tuổi thơ, cơ hội phát triển và phẩm giá và có hại tới sự phát triển thể chất và tinh thần của các em. Cụ thể, đó là các công việc: nguy hiểm và có hại cho trẻ em về mặt tinh thần, thể chất, đạo đức; làm ảnh hưởng tới việc học của trẻ em; tước bỏ cơ hội đi học của trẻ em; làm cho trẻ em phải nghỉ học sớm; làm cho trẻ em phải cố gắng để vừa đi học vừa làm các công việc nặng nhọc đòi hỏi nhiều thời gian. |
Trong mấy thập niên vừa qua đã hình thành một hệ thống điều ước quốc tế rất toàn diện về phòng ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em, trong đó bao gồm Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (LHQ), các Công ước của ILO số 138 (về tuổi lao động tối thiểu), số 182 (về xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất), số 29 (về xoá bỏ lao động cưỡng bức). Những công ước này đều là những điều ước cơ bản của ILO, được tích hợp vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có hiệu lực ràng buộc rất mạnh với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, không chỉ từ góc độ tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền, mà còn từ góc độ tuân thủ các quy tắc thương mại trong quá trình hội nhập quốc tế. |
Trong mấy thập niên vừa qua đã hình thành một hệ thống điều ước quốc tế rất toàn diện về phòng ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em, trong đó bao gồm Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (LHQ), các Công ước của ILO số 138 (về tuổi lao động tối thiểu), số 182 (về xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất), số 29 (về xoá bỏ lao động cưỡng bức). Những công ước này đều là những điều ước cơ bản của ILO, được tích hợp vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có hiệu lực ràng buộc rất mạnh với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, không chỉ từ góc độ tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền, mà còn từ góc độ tuân thủ các quy tắc thương mại trong quá trình hội nhập quốc tế. |
PGS, TS. Vũ Công Giao