Câu chuyện Quốc hội chuyên nghiệp

Những điểm mới của bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh tại Phiên họp Quốc hội ngày 3-11-2020 do không trung thực khai báo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn ĐBQH là bài học đắt giá cho Quốc hội khóa XIV. Việc bãi nhiệm ĐBQH do vi phạm tiêu chuẩn quốc tịch đặt ra vấn đề về tính đại diện của ĐBQH, về trách nhiệm giải trình của đại biểu trước cử tri. Nếu ĐBQH cũng đồng thời là công dân quốc gia khác thì khó đáp ứng được tiêu chuẩn trung thành, chỉ đấu tranh cho quyền lợi của người dân Việt Nam. Theo quy định tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015, ĐBQH phải là công dân Việt Nam, đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử ĐBQH, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành ĐBQH và được Ủy ban thẩm tra tư cách ĐBQH xác định đủ tư cách làm ĐBQH. Vụ việc của ông Phạm Phú Quốc cùng với một số vụ việc ĐBQH có hai quốc tịch trước đây thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) đã bổ sung vào một tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" (Khoản 1a, Điều 22).

Đây là một điểm mới quan trọng trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV lần này. Người ứng cử khi nộp hồ sơ ứng cử phải ghi rõ “Chỉ có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”. Trường hợp đang có cả quốc tịch nước khác hoặc đang làm thủ tục xin gia nhập quốc tịch nước khác thì ghi rõ thông tin về các quốc tịch đang có hoặc đang xin gia nhập.

Điểm mới thứ hai của cuộc bẩu cử ĐBQH lần này là số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách được tăng lên là 40% (tăng 5%), quy định tại Khoản 2, Điều 23 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020. Theo các quy định này, ngày 11-1-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1185/NQ-UBTVQH14 dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV, trong đó các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (ĐBQH hoạt động chuyên trách ở trung ương) được phân bổ 133 đại biểu (26,6%); ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH 67 đại biểu (13,4%) (đối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 ĐBQH hoạt động chuyên trách).

Các điểm mới này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đồng thời là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp. Các quy định này có tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử trong việc rà soát hồ sơ ứng cử ĐBQH, công tác quy hoạch, lựa chọn và bố trí nhân sự để lựa chọn được những đại biểu có trình độ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách cần kỹ lưỡng hơn. Hướng tới mục tiêu lựa chọn người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách ở địa phương phải bảo đảm chất lượng, có khả năng đóng góp vào hoạt động của Quốc hội. Người ứng cử ĐBQH đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung thì còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách và khả năng tổ chức công việc; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với công tác Quốc hội. Người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách nói chung phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Công tác đại biểu không có chuyện "xếp ghế"

Khi đặt tiêu chuẩn khắt khe hơn hơn đối với ĐBQH khóa tới thì công tác đại biểu càng phải được tiến hành chặt chẽ và minh bạch. Tại phiên thảo luận sáng 26-3-2021, kỳ họp thứ 11, khi thảo luận về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, một số đại biểu đã thẳng thắn nêu quan điểm không được biến Quốc hội thành “căn phòng kín” để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực. Nhiều đại biểu cũng nêu vấn đề cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực. Quốc hội cần phát huy quyền lực nhân dân để đào tạo cán bộ cho đất nước. Những ý kiến bên lề Quốc hội hay trên các diễn đàn khác cũng băn khoăn việc có hay không chuyện “xếp ghế”, “chia chác quyền lực” ngay từ trước khi bước vào phòng kín, đó chính là công tác bầu cử ĐBQH. Có thể nói, đây là băn khoăn chính đáng không chỉ của cử tri mà của toàn thể nhân dân khi cầm lá phiếu ủy quyền cho một đại biểu đại diện mình, nói tiếng nói của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Hiện nay, theo các quy định của pháp luật về bầu cử thì quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH được khái quát trong 8 bước như  sau: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH; (2) Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH; (3) Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH; (4) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử ĐBQH; (5) Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của ĐBQH, căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ đại biểu để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH; (6) Tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử cư trú và cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử; (7) Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH; (8) Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước.

Quy trình này được áp dụng từ lâu và về cơ bản đã được thực hiện theo hướng nhằm tạo điều kiện rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, tạo điều kiện cho nhân dân (cử tri) tham gia xây dựng chính quyền, tham gia lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ngay từ khâu lựa chọn ứng cử viên. Quan điểm chung của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ trong Chị thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV là giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Người trong danh sách chính thức những người ứng cử thì ai trúng cử cũng xứng đáng đại diện cho cử tri tham gia Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân.

Ngoài ra, kiểm soát quyền lực và minh bạch trong công tác bầu cử còn thể hiện số lượng người tự ứng cử và tổng số người ứng cử trong cả nước. Tự ứng cử ĐBQH không phải là vấn đề mới, ngay từ Quốc hội khoá đầu tiên khi nước nhà mới giành được độc lập, vấn đề này đã được đặt ra và thực hiện trên thực tế. Chính trong quá trình vận động bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Tổng tuyển cử là một dịp để cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có đức, có tài để ra gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân đều có quyền bầu cử". Luật Bầu cử ĐBQH và hội đồng nhân dân hoàn toàn không có phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XII có 30 người tự ứng cử trong danh sách chính thức và có một người trúng cử. Khóa XIII có 4 người tự ứng cử trúng cử ĐBQH. Quốc hội khóa XIV, cả nước có 870 người trong danh sách chính thức (197 người do Trung ương giới thiệu; 662 người do cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu; 11 người tự ứng cử). Số người tự ứng cử trúng cử có 2 người là ông Nguyễn Anh Trí ứng cử ở Hà Nội và ông Phạm Quang Dũng ứng cử ở Nam Định. Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV lần này, tính đến ngày 19-3-2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH. Tổng số người ứng cử ĐBQH là 1.085 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 804 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số ĐBQH được bầu. 

Trong quá trình tăng cường và mở rộng dân chủ trên mỗi lĩnh vực đời sống xã hội thì bầu cử và ứng cử là một quyền cơ bản về chính trị của công dân cũng rất cần được dân chủ nhiều hơn, thực chất hơn. Cả xã hội đang phấn đấu thực hiện dân chủ nên nhiều người quan niệm về dân chủ cũng khác nhau. Cũng có một số người lợi dụng dân chủ để mưu cầu quyền lợi riêng; thậm chí người có quan điểm sai trái cũng tự ứng cử để hòng cất tiếng nói lạc điệu trong cơ quan quyền lực nhà nước tối cao. Cũng có ít người từ động cơ không chính đáng, muốn thông qua cuộc bầu cử để thử thách, kiểm tra trách nhiệm của những người, những tổ chức phụ trách bầu cử. Chính vì thế lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình vừa là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân; là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chuẩn bị tốt nhất cho một Quốc hội chuyên nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1185/NQ-UBTVQH14 dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV, trong đó các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương) được phân bổ 133 đại biểu (26,6%); ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH 67 đại biểu (13,4%) (đối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 ĐBQH hoạt động chuyên trách).


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất