Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là đầu tư cho phát triển, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cần Thơ là một trong những điểm sáng trong thúc đẩy vai trò của đồng bào DTTS, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
|
Hệ thống giao thông trên địa bàn Thới Xuân (Cần Thơ) từng bước hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: Báo Cần Thơ.
|
Tích cực và chủ động trong xây dựng Nông thôn mới
Thành phố Cần Thơ có 27 thành phần DTTS sinh sống với 9.895 hộ với 38.028 người, chiếm tỉ lệ 3,04% trên tổng dân số toàn thành phố. Trong tổng dân số DTTS, đồng bào dân tộc Khơ-me có 6.198 hộ với 23.691 người, chiếm 62,3%; đồng bào dân tộc Hoa có 3.542 hộ với 13.956 người, chiếm 36,7%; đồng bào các DTTS còn lại có 155 hộ với 381 người, chiếm khoảng 1%.
Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và các văn bản hướng dẫn về xây dựng NTM của Trung ương. Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Điển hình như Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 6-7-2022 của UBND thành phố về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Từ khi thực hiện công cuộc xây dựng NTM đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố luôn tích cực và chủ động tuyên truyền về các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Đặc biệt, việc tuyên truyền, triển khai chính sách đối với đồng bào DTTS gắn với công tác vận động xây dựng NTM được thực hiện theo cả chiều rộng và chiều sâu đến tận các hộ DTTS. Theo đó, hình thức tuyên truyền, vận động ngày càng phong phú, đa dạng như tuyên truyền thông qua những người có uy tín, bản tin công tác dân tộc và tài liệu song ngữ (Việt - Khmer; Việt - Hoa)….
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong xây dựng NTM nói riêng dẫn đến những chuyển biến mạnh mẽ thành hành động và đạt được một số kết quả nổi bật như: Đồng bào DTTS ngày càng phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong xây dựng NTM; Các cộng đồng DTTS ngày càng gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình hợp tác sản xuất trong nông nghiệp; Đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố ngày càng thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động lễ hội, cưới hỏi, tang lễ, tích cực xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; Đồng bào DTTS tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình; Phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hiện nay chỉ còn 113 hộ (chiếm 1,14% trên tổng số hộ DTTS trên địa bàn thành phố). Theo kết quả thực hiện năm 2022, trên địa bàn thành phố có 2 xã thuộc vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn xã NTM nâng cao là xã Thới Xuân và xã Thới Đông thuộc huyện Cờ Đỏ.
Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào DTTS sinh sống. Hiện nay, 100% các xã vùng đồng bào DTTS của thành phố đã có đường cho xe ô tô đến trung tâm xã; 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng điện an toàn; tỉ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7%; 100% hộ đồng bào DTTS tiếp cận được đài phát thanh và xem truyền hình, tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt…
Trong phát triển kinh tế nông thôn, trên địa bàn thành phố hình thành nhiều mô hình hợp tác trong sản xuất nông nghiệp với đa dạng hình thức như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề. Trong đó, một số mô hình kinh tế của đồng bào DTTS tiêu biểu, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Cờ Đỏ như: mô hình đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ-me tại thị trấn Cờ Đỏ, mô hình làm cơm rượu tại xã Trung Thạnh… Đặc biệt là mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với ý thức phát triển kinh tế hộ gia đình” tại xã Thới Đông, đây là mô hình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo xây dựng, triển khai trong đồng bào dân tộc Khơ-me… Thông qua quá trình hợp tác sản xuất, thu nhập người dân nông thôn nói chung và đồng bào DTTS nói riêng ngày càng được nâng cao rõ rệt. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 64 triệu/người/năm, các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt trên 70,4 triệu/người/năm. Theo đó, có đến 33/36 xã đạt và vượt tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Với quan điểm người dân là chủ thể trung tâm trong xây dựng NTM nên đồng bào DTTS cũng là một chủ thể rất quan trọng trong tạo lập, phát triển và duy trì các kết quả, thành tựu xây dựng NTM. Theo đó, để đồng bào DTTS có điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc xây dựng NTM, cần triển khai hiệu quả một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao tính dân chủ, tạo điều kiện tối đa cho đồng bào DTTS phát huy vai trò chủ thể “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đối với những vấn đề thiết thực, liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM tại địa phương.
Thứ hai, thực hiện vận động hiệu quả đồng bào DTTS đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế; gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua xây dựng NTM trong đồng bào DTTS với việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và công tác giảm nghèo bền vững, bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Thứ ba, phát huy vai trò phối hợp, hỗ trợ người nông dân, nhân dân nông thôn và đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM. Trong đó, đặc biệt chú trọng vai trò của các doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết sản xuất; vai trò của các nhà khoa học trong nghiên cứu, tư vấn về qui trình sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; vai trò của Nhà nước trong tạo lập hành lang pháp lí và kết nối giữa các bên.
Có thể khẳng định, đồng bào DTTS đã có những đóng góp đáng kể vào thành tựu trong quá trình xây dựng NTM của Cần Thơ. Công cuộc xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đặc biệt là vùng có đông đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo tiền đề cho việc khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể đích thực của đồng bào DTTS trong việc tự nguyện hưởng ứng, tích cực tham gia và đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn thành phố.
Đinh Tấn Phong
Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ