Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn đã có phản hồi về kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học khi nhiều địa phương công bố cấp độ dịch 1, 2.
Quyết định cho học sinh đi học trở lại thuộc thẩm quyền địa phương
Theo đồng chí Hoàng Minh Sơn, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT xin ý kiến Bộ Y tế ban hành Công văn 4726 ngày 15-10 đề nghị UBND các tỉnh căn cứ phân loại đánh giá cấp độ dịch từng địa phương để quyết định việc dạy trực tiếp hay không.
Theo đó, khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại học tập, ví dụ dịch ở cấp độ 1, 2 có thể tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh. “Nhưng việc triển khai cụ thể như thế nào, phụ thuộc đặc điểm, trách nhiệm của chính quyền địa phương thực hiện”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Đồng chí Hoàng Minh Sơn cho biết, đến nay, có 21 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, 18 địa phương kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến qua truyền hình, 24 địa phương vẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Với các địa phương có lượng học sinh lớn, đặc thù như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đều đã có phương án. Như ngày 31-10, UBND TP. Hà Nội có văn bản dự kiến cho học sinh đi học tại các khu vực có cấp độ dịch 1, 2, tuy nhiên, đến hôm nay (6-11) lại có văn bản mới tạm dừng việc đó, chỉ cho học sinh ở huyện Ba Vì đi học trở lại, chứng tỏ diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chúng ta đều mong muốn học sinh có thể đến trường nhưng bên cạnh đó vẫn còn lo lắng tình hình diễn biến dịch. Ngày 1-11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã họp với Bộ trưởng Bộ Y tế và thống nhất nhận định: Việc học sinh trở lại trường không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu để bảo đảm chất lượng, yếu tố tâm lý, đặc biệt với các học sinh lớp nhỏ.
Trong tuần tới, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến để các Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các quận, huyện để trao đổi về giải pháp triển khai chống dịch ở các cơ sở giáo dục khi dạy học trực tiếp, từ đó có hướng dẫn các địa phương.
Hai Bộ sẽ sớm ban hành bổ sung Sổ tay Y tế phòng chống COVID-19 trong các trường học, tổ chức tập huấn các trường toàn quốc về kỹ năng phòng chống COVID-19, để mỗi giáo viên đều có thể là cán bộ y tế trường học.
“Hy vọng trong thời gian tới các địa phương sẽ sớm có quyết định cho học sinh quay lại trường học”, đồng chí Sơn nhấn mạnh.
Về việc triển khai tiêm vắc-xin, theo kế hoạch của Bộ Y tế và các địa phương, Bộ GD&ĐT có đề nghị rõ các địa phương sớm có phương án cho các học sinh lứa tuổi 12-18 sớm được tiêm vắc-xin. Đây là yếu tố nhằm đảm bảo sự an toàn trong phòng, chống dịch với các em khi tới trường.
Bảo đảm an toàn tiêm chủng
Tại buổi Họp báo, trả lời về việc Bộ Y tế có những chấn chỉnh trong công tác tiêm chủng để bảo đảm an toàn nhất đặc biệt trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ nhỏ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về vấn đề tiêm chủng, theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thì có 2 hình thức tiêm chủng. Thứ nhất là tiêm chủng mở rộng thường vào mùng 4,5 hằng tháng, chúng ta vẫn tổ chức đưa trẻ em đến các điểm tiêm chủng để tiêm chủng các loại vắc-xin theo quy định. Thứ hai là tiêm chủng trong công tác phòng, chống dịch. Như việc tiêm chủng khi 4 tỉnh Tây Nguyên xảy ra dịch bạch hầu, Bộ Y tế đã kết hợp với 4 tỉnh này phát động và tiêm chủng vắc-xin phòng bạch hầu, sau một thời gian rất ngắn tình hình dịch bệnh bạch hầu đã được khống chế, kiểm soát tốt.
Theo đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang tổ chức hướng dẫn tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Để bảo đảm an toàn cao nhất trong vấn đề tiêm chủng, chúng ta phải đạt được những yêu cầu cụ thể như sau: (1) có kế hoạch tiêm chủng cụ thể, kể cả tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chống dịch; (2) thường xuyên tập huấn, cập nhật về kỹ thuật tiêm đối với từng loại vắc-xin khác nhau, đặc biệt là vắc-xin phòng bệnh mới nổi, ví dụ như vắc-xin phòng COVID-19; (3) tổ chức khám sàng lọc để loại những trường hợp chống chỉ định, không tổ chức tiêm chủng được; (4) các cơ quan chuyên môn như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm phòng chống dịch bệnh các tỉnh, thành phố hướng dẫn cho các cán bộ làm công tác tiêm chủng, nắm chắc kỹ thuật tiêm cũng như kỹ thuật xử lý phản ứng sau tiêm; (5) cập nhật kết quả tiêm chủng vào sổ tiêm chủng thường xuyên cũng như trên nền tảng công nghệ thông tin như PC COVID; (6) thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, bảo quản và tổ chức tiêm chủng; (7) tuyên truyên để người dân nắm chắc về hiệu quả của vắc-xin cũng như chia sẻ các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin để người dân yên tâm tiêm chủng; (8) cán bộ y tế phải thực hiện tốt các kỹ thuật, hướng dẫn, thực hiện tốt “3 tra, 5 chiếu” trong việc thực hành tổ chức tiêm chủng; (9) làm tốt kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng.
Để làm tốt những yêu cầu trên, lãnh đạo Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các cuộc họp nghe các địa phương, các cơ quan liên quan đến tiêm chủng báo cáo, rút kinh nghiệm từ đó đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Theo đồng chí Tuyên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Trong kế hoạch kiểm tra 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn đã kiểm tra 12/20 tỉnh. Mới đây ngày 5-11, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 9439 hướng dẫn và chỉ đạo rất chi tiết để bảo đảm công tác an toàn tiêm chủng nói chung cũng như tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Đỗ Anh