Nguy cơ thiếu hụt lao động
Theo khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có 40,52% doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cao hơn 10% so với năm 2020. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là địa bàn có số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động lớn nhất. Hầu hết các ngành hoạt động sản xuất - kinh doanh đều bị ảnh hưởng, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là những ngành thâm dụng lao động, sử dụng lao động phổ thông lớn như: sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, trang phục, da giày và các sản phẩm có liên quan, chế biến gỗ, giường tủ, bàn ghế...
Theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, trong thời gian tổ chức thực hiện “3 tại chỗ,” “1 cung đường - 2 điểm đến” để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn. Đặc biệt có không ít những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, trong khu chế xuất, khu công nghiệp thiệt hại lên tới hàng chục triệu đô-la Mỹ. Nhiều doanh nghiệp khác bắt buộc phải dừng hoạt động do chi phí sản xuất quá lớn, càng sản xuất càng thua lỗ.
Theo báo cáo nhanh của 47 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 16-9 có 2,84 triệu lao động phải ngừng việc, trong đó số lượng lớn tập trung ở các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... Phần lớn lao động phải nghỉ việc do phải cách ly y tế, thiếu việc vì sản xuất đình trệ, tự xin nghỉ việc do không sắp xếp được công việc gia đình (trông con, bố mẹ già yếu...) hoặc tự xin nghỉ việc do tâm lý lo lắng nguy cơ lây nhiễm bệnh vì chưa được tiêm vắc-xin.
Suốt một thời gian phải ngừng sản xuất, hoạt động cầm chừng, số lượng lao động của nhiều doanh nghiệp sản xuất đã giảm 50-70%. Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn, từ các tỉnh kinh tế trọng điểm về các địa phương gia tăng đang tạo thêm áp lực về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực. Thiếu hụt lao động trầm trọng để phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm đang là nỗi lo của không ít doanh nghiệp sản xuất.
Đại diện Cục Việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ - TB & XH) nhận định do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm và chưa có có dấu hiệu chấm dứt nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để chống đỡ cũng như làm sức bật để phục hồi. Trong tình cảnh này, người lao động mất việc kéo dài đã di chuyển ồ ạt về quê, thêm những khó khăn cho thị trường lao động.
Tiếp tục mở rộng đối tượng hỗ trợ
Sau gần 3 tháng thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tích cực, chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19. Tính đến ngày 23-9-2021, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện trên 14,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 17,7 triệu đối tượng (trong đó gồm 379.340 đơn vị sử dụng lao động, trên 17,4 triệu người lao động và các đối tượng khác).
Tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng kinh phí thực hiện các chính sách đạt trên 10.652,5 tỷ đồng (chiếm 58,3% toàn quốc) hỗ trợ đến 10,57 triệu đối tượng (chiếm 58,3% toàn quốc). Riêng TP. Hồ Chí Minh đã chi trên 5.496 tỷ đồng hỗ trợ gần 2,56 triệu đối tượng.
Đồng chí Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ - TB & XH tại TP Hồ Chí Minh cho biết các tỉnh, thành phố phía Nam đều coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, do đó việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 có nhiều thuận lợi. “Đặc biệt, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng đối tượng hỗ trợ đi đôi với việc một mặt chuẩn bị nguồn ngân sách, mặt khác, chú trọng vận động xã hội hóa các nguồn lực thông qua mặt trận Tổ quốc các cấp để đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ người dân, số đối tượng được nhận hỗ trợ ngày càng được phủ rộng hơn”, đồng chí Phạm Anh Thắng cho biết.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP thực tế tại các địa phương và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các đối tượng hưởng chính sách cho thấy tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.
Thứ trưởng Bộ LĐ - TB & XH Lê Văn Thanh đánh giá, một số qui định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, cụ thể một số vướng mắc, khó khăn như: lao động có giao kết hợp đồng lao động trong các hộ kinh doanh chưa được thụ hưởng chính sách; điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng còn chưa phù hợp; điều kiện xác định người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động, chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0, F1 còn chưa bao quát hết...
Để tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện các chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã có Tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021. Theo đó, Bộ đã đề xuất sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.
Lần sửa đổi này tập trung vào chính sách liên quan đến người sử dụng lao động là lược bỏ điều kiện quyết toán thuế và những vướng mắc liên quan đến chính sách cho vay trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất, đơn giản hóa điều kiện, thủ tục đối với chính sách hỗ trợ đào tạo từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều nhất, thuận tiện và nhanh nhất. Dự thảo cũng mở rộng thêm các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc được nhận hỗ trợ tiền mặt.
Đặc biệt, Bộ LĐ - TB & XH cũng bổ sung đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được nhận hỗ trợ hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Đây là nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hiện sinh sống nhờ nguồn trợ cấp xã hội hàng tháng. Với mức trợ cấp từ 360.000-900.000 đồng/tháng mới chỉ đáp ứng một phần các nhu cầu cơ bản, do cuộc sống đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Khi bị bị nhiễm COVID-19 (F0) và phải thực hiện cách ly (F1) thì lại càng khó khăn hơn. Đến nay, cả nước có khoảng 3.600 trường hợp đối tượng F0, F1 là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng.
Tiếp sức bằng hai chính sách hỗ trợ mới
Đợt dịch lần thứ 4 rất khác so với 3 đợt dịch trước, nhiều ca nhiễm bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã ảnh hưởng tác động đến hơn 4 triệu lao động đang làm việc tại khu vực này. Trong khi đó, nhóm lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phần lớn là lao động phổ thông, lao động ngoại tỉnh, thu nhập không cao nên khi ngừng việc, không có thu nhập người lao động gặp nhiều khó khăn.
Trong tháng 9, Chính phủ tiếp tục ban hành 02 nghị quyết quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do COVID-19: Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, mục tiêu của Nghị quyết 105/NQ-CP về là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.
Đến hết năm 2021, Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; đại đa số tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Không chỉ có những chính sách mới dành cho doanh nghiệp, Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của Chính phủ cũng được người lao động rất ngóng chờ vì kinh phí hỗ trợ tiền mặt lớn. Tất cả người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) sẽ được nhận hỗ trợ tiền mặt 1,8-3,3 triệu đồng/người tùy theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ từ chính sách này là 38.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ được thực hiện hỗ trợ tiền mặt cho gần 13 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 8.000 tỷ đồng là số tiền giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% cho 386.000 người sử dụng lao động.
Trong phiên họp thông qua Nghị quyết số 116/NQ-CP, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt khác với qui định của luật hiện hành, tập trung vào các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.
Trước đó tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, doanh nghiệp cũng đã được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đóng từ 0,5% xuống 0%, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Việc tiếp tục bổ sung thêm chính sách miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp sức thêm cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Tất cả những chính sách hỗ trợ mới được ban hành đều là những chính sách chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách và là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên mọi mặt của đời sống xã hội. Các chính sách này vừa hỗ trợ trực tiếp cho người dân đang gặp khó khăn vừa giảm chi phí cho người sử dụng lao động, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Nghị quyết số 116/NQ-CP thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. |
Hồng Kiều