Những kết quả đáng ghi nhận
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai công tác giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, ngay sau đó các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan cũng ban hành văn bản thực hiện công tác giảm nghèo thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị, hướng dẫn các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở (xã, phường) tổ chức các hoạt động trong chương trình giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến giảm nghèo.
Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo các huyện, thành phố hàng năm căn cứ mục tiêu giảm nghèo của địa phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc thù, khả năng huy động nguồn lực, trong đó chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động được 14.854,97 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và từ các đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Trong đó, huy động từ ngân sách trung ương: 8.744,45 tỷ đồng; Huy động từ ngân sách địa phương: 354,82 tỷ đồng; Nguồn huy động cộng đồng (bao gồm hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổng công ty, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và người dân): 88 tỷ đồng; Cho vay tín dụng: 4.196,5 tỷ đồng; Huy động hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài: 1.471,2 tỷ đồng.
Với việc vận dụng các cơ chế chính sách linh hoạt, đúng pháp luật, quy định và phù hợp với đặc thù của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 29,97%; cuối năm 2020 giảm 18,87% tỷ lệ hộ nghèo (bình quân giảm 3,63%/năm) đạt giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020. Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm từ 65,48% đầu năm 2016 xuống còn 43,14% cuối năm 2020 giảm 22,34% tỷ lệ hộ nghèo (bình quân giảm 4,46%/năm) đạt giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo đến năm 2020. |
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,00%/năm (không đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra 6,80%/năm). Chỉ tiêu GRDP không đạt so với Nghị quyết, là do chịu tác động của dịch COVID-19 nên tốc độ tăng trưởng năm 2020 chỉ đạt 1,82%, thời điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết dự ước tốc độ tăng trưởng của năm 2020 là 6,02% và cả giai đoạn 2016-2020 đạt 6,83%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 20.532 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 33,47 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, toàn tỉnh có 129/129 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã trong đó có 123/129 (95,34%) xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được quanh năm. Tỷ lệ đường huyện được cứng hóa đạt 77,85%. Tỷ lệ đường cấp xã được cứng hóa đạt 50%. Tỷ lệ đường thôn bản có trục giao thông được cứng hóa là 70%. Toàn tỉnh có 129/129 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt 100% số xã, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 90,36%.
Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,2%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,8%, đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2020. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,07%. Số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 70,4% đạt chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020.
Bình quân có 12,27 bác sỹ/vạn dân, đạt chỉ tiêu của Nghị quyết đến năm 2020. Tỷ lệ trẻ em 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt 93,5% năm 2020. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể cân nặng/tuổi) năm 2020 còn 15,9%. Tỷ lệ số xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2020 là 86%. Tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh 55,9%.
Đến nay, toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 33,04% tổng số xã đạt trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, bình quân đào tạo nghề cho 7.960 lao động/năm đạt mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 57%; bình quân mỗi năm đào tạo 9.228 lao động/năm.
Vẫn còn những thách thức
Tuy đã đạt được những mặt tích cực nhưng kết quả giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc còn cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng khoảng cách. Các điều kiện khó khăn hội tụ ở người nghèo nhiều nên khó khắc phục ngay được. Người nghèo, hộ nghèo còn lúng túng để tự lựa chọn phương thức thoát nghèo. Nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trong những năm qua còn thấp, ngân sách tỉnh hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực khác trên địa bàn còn hạn chế. Việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, khó triển khai thực hiện. Một số người dân còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Điện Biên là một tỉnh miền núi, xa các trung tâm kinh tế lớn; kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, mặt khác thiên tai, lũ lụt, gió lốc liên tiếp xảy ra, riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của các cấp, đã tác động trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh và thu nhập của người dân. Nhiều địa bàn xã thôn bản đặc biệt khó khăn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định như di cư tự do, tuyên truyền đạo trái phát luật và các vấn đề xã hội bức xúc như thất nghiệp, tệ nạn, tội phạm ma túy.
Trong giai đoạn 2021-2025, Điện Biên đề ra mục tiêu cụ thể cùng giải pháp thực hiện với lộ trình cho từng thời điểm như: mức tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7,35%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân hằng năm 4% - 4,5%, huyện nghèo giảm 5,5% - 6% trở lên; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đây cũng là một trong những thách thức đặt ra cho cấp ủy chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên trong gian tới đòi hỏi sự bứt phá trong công tác giảm nghèo tại tỉnh.
Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, bằng quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh Điện Biên đã giảm dần qua từng năm; đời sống người dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. |
Thu Uyên