|
Việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân đã từng bước được xã hội hóa, nâng cao hiệu quả giáo dục. Ảnh: dạy nghề cho phạm nhân tại trại tạm giam số 1 Hà Nội.
|
Để chuẩn bị tốt cho việc tái hòa nhập cộng đồng, tạo thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống mới, ổn định, việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân đã từng bước được xã hội hóa, nâng cao hiệu quả giáo dục, cải tạo phạm nhân, bảo đảm quyền con người cho họ, góp phần bảo đảm an ninh con người bởi phạm nhân vẫn là công dân Việt Nam.
Bảo đảm các quy định của pháp luật
Mô hình thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam không vi phạm các Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức, thể hiện qua 3 yếu tố: (1) Phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Công ước số 29 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đó là “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc không bao gồm bất kỳ công việc hoặc dịch vụ nào mà một người được yêu cầu phải làm theo phán quyết của Tòa án với điều kiện là công việc hoặc dịch vụ đó phải được tiến hành dưới sự giám sát và quản lý của nhà chức trách, và người đó không bị thuê mướn, hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của các cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân”; (2) Phạm nhân tự nguyện tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam (thông qua hình thức có đơn tự nguyện được tham gia lao động, học nghề) và được trả phần công lao động.
Hiện nay, các trại giam do Bộ Công an quản lý 150.036 phạm nhân. Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31-7-1998 phê duyệt Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đã xác định một trong những nội dung của chương trình là: “Nâng cao hiệu quả công tác giam giữ, giáo dục cải tạo người phạm tội, tổ chức dạy nghề, mở rộng mô hình các trung tâm dạy nghề cho phạm nhân và xúc tiến việc làm cho họ sau khi mãn hạn tù nhằm giúp người phạm tội mau chóng tái hoà nhập cộng đồng xã hội”. Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 29-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam. Theo đó, tổng số tiền đầu tư cho Đề án từ năm 2008 đến 2022 là hơn 500 tỷ đồng.
Trên thực tế, nhiều trại giam đã có những thành công nhất định trong việc dạy nghề cho phạm nhân như: Trại giam Phú Sơn 4 có trung tâm dạy nghề gồm rất nhiều loại nghề cơ khí, nguội, rèn, mộc cao cấp, mộc dân dụng, sản xuất gạch bông ốp lát, khâu bóng, làm thảm len… Các phạm nhân cũng được phân loại theo vùng thành thị và nông thôn để được học nghề phù hợp với từng hoàn cảnh của phạm nhân khi ra trại. Trại giam Thủ Đức đã đầu tư 12 xưởng lao động và tổ chức dạy các nghề như mộc, may mặc, xây dựng, chế biến nông sản… Qua khảo sát đánh giá, nhiều phạm nhân hết án ra tù hoặc được đặc xá về đã phát huy tốt tay nghề được học trong trại, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, hạn chế tái phạm.
Tuy nhiên, việc dạy nghề, hướng nghiệp cho các phạm nhân còn bộc lộ những hạn chế. Số phạm nhân có nơi cư trú trước khi phạm tội chủ yếu ở các đô thị, nhưng các nghề đào tạo chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, thủ công, mỹ nghệ… Do vậy, nhiều phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về đô thị không thể áp dụng nghề đã học. Ví dụ, Trại giam An Phước chỉ dạy những nghề như bóc tách hạt điều, khai thác cao su và một số nghề phổ thông khác, mà phần lớn phạm nhân lại có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác. Vì vậy, khi hoà nhập cộng đồng ít có điều kiện phát huy tay nghề.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân và tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề, Bộ Công an đã có Công văn số 2471/BCA-C81 ngày 18-8-2011 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc được liên kết với các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp của địa phương đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cho phạm nhân trong nhà xưởng, tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề. Các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tình hình an ninh, trật tự ổn định, được chính quyền địa phương đồng ý và các công trình bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân thì được hợp tác với trại giam tổ chức lao động cho phạm nhân. Hình thức này phù hợp với xu hướng xã hội hóa một số công việc thi hành án được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Cần những nỗ lực mới
Tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định thành lập các khu lao động, dạy nghề, hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trên đất trại giam quản lý. Qua khảo sát các loại hình ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế…, yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài, nên các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).
Do vậy, việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu này, nhiều trại giam không có khả năng tạo ra việc làm, công nghệ mà phải tìm kiếm hợp tác với tổ chức, cá nhân để bố trí việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan.
Thể chế hóa yêu cầu của Đảng, ngày 16-6-2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Nghị quyết được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép trại giam được hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, là căn cứ để thống nhất triển khai tại một số trại giam thuộc Bộ Công an. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15.
Để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, lựa chọn mô hình thí điểm gồm các nội dung sau: (1) Lựa chọn trại giam thực hiện thí điểm; (2) Tiêu chí lựa chọn tổ chức hợp tác với trại giam để thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; (3) Lựa chọn tổ chức hợp tác với trại giam để thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; (4) Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; (5) Cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; (6) Chế độ, chính sách, nghĩa vụ đối với phạm nhân khi lao động, học nghề ngoài trại giam
Thứ hai, xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn khi tổ chức thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: (1) Bảo đảm cơ sở vật chất để tổ chức các ngành nghề lao động, hướng nghiệp, dạy nghề phục vụ công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân trong phạm vi trại giam; (2) Bảo đảm cán bộ, chiến sĩ của trại giam đáp ứng đủ các điều kiện để bố trí quản lý, giám sát phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam, không làm phát sinh thêm biên chế cán bộ và tổ chức bộ máy mới; (3) Bảo đảm số lượng phạm nhân để hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; (4) Bảo đảm an ninh, an toàn khi tổ chức thực hiện thí điểm.
Thứ ba, tổ chức thực hiện hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, tập trung vào lựa chọn 3 vấn đề cốt lõi: (1) Lựa chọn doanh nghiệp để hợp tác: Doanh nghiệp không thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức là người nước ngoài; không liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hay có vốn đầu tư của nước ngoài; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, tài liệu chứng minh quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp đối với đất và tài sản gắn liền với đất; (2) Lựa chọn địa điểm khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam (dự kiến có khoảng cách đến địa điểm đóng quân gần nhất thuộc trại giam không quá 50km); (3) Lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, dạy nghề ngoài trại giam, phải bảo đảm các điều kiện tại khoản 2, Điều 6, Nghị định 09/2023/NĐ-CP. Không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam đối với những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 4, Điều 1 Nghị quyết số 54/2022/QH15.
Thứ tư, thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 09. Mọi chế độ của phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam được bảo đảm như chế độ của phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành của Bộ Công an và Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
Việc thực hiện Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội; đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, góp phần bảo đảm an ninh con người Việt Nam trong tình hình mới.