|
Những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Ảnh minh hoạ
|
Quyền tham chính của người khuyết tật trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam
Theo Điều 1 Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD) của Liên hiệp quốc, người khuyết tật (NKT) được hiểu là “những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”. Đây là lần đầu tiên có một định nghĩa về NKT được xác định trong luật nhân quyền quốc tế. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của NKT.
Khác với quan niệm trên, Chính phủ Việt Nam chú trọng đến các điều kiện y tế trong định nghĩa và cách tiếp cận với NKT. Theo Điều 2 của Luật Người khuyết tật năm 2010, NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Theo đó, định nghĩa về NKT trong pháp luật Việt Nam chỉ dừng ở các khiếm khuyết trên góc độ y tế mà không đề cập các khó khăn mà NKT gặp phải khi tiếp cận các dịch vụ công hay khi tham gia các hoạt động xã hội.
Quyền tham chính có thể được hiểu là quyền tham gia vào các hoạt động khác nhau của đời sống chính trị như: quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia vào các cơ quan, tổ chức nhà nước… Quyền tham chính là một trong các quyền dân sự, chính trị cơ bản của con người và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Quyền này gắn bó chặt chẽ với các quyền con người khác như nhánh quyền dân sự, chính trị mà tiêu biểu là quyền lập hội và hội họp hòa bình, quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền đối với giáo dục và quyền tiếp cận thông tin... Quyền tham chính được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia.
Quyền tham gia chính trị và đời sống công (quyền tham chính) được đề cập đến trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR). Theo đó, mọi người đều có quyền tham gia bình đẳng vào các công việc công, các tiến trình bầu cử dân chủ, bao gồm quyền bầu cử và được bầu cử, và quyền tiếp cận các dịch vụ công.
Điều 29 Công ước CRPD quy định rõ về quyền của NKT trong tham chính, bao gồm quyền tham gia vào đời sống chính trị và công cộng mà không bị phân biệt đối xử, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên bảo đảm các quyền đó.
Trong vòng 10 năm từ 2006 - 2016 kể từ khi CRPD ra đời, đã có 14 quốc gia có chính trị gia là NKT đại diện trong các cơ quan dân cử, bao gồm: Argentina, Ba Lan, Ca-na-da, Ecuador, Estonia, Fiji, Hungary, Mỹ, New Zealand, San Marino, Scotland, Sri Lanka, Thái Lan, Úc. Riêng tại Mỹ, theo thống kê do Đại học Rutgers công bố, 10.3% nghị sĩ ở các cấp tại Mỹ - khoảng 3.800 người là NKT. Tỉ lệ này được đánh giá là vẫn thấp hơn 5% so với tỉ lệ NKT nói chung tại Mỹ.
Ở Việt Nam, Điều 27 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 quy định rõ: “Mọi công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 18 tuổi trở lên có quyền đi bầu cử và mọi công dân đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân”. Đồng thời, Điều 28 và 29 Hiến pháp 2013 cũng ghi nhận: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”; “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Có thể nói, các quy định này đã tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm cho công dân nói chung và NKT nói riêng được thực sự tham gia quản lý Nhà nước và Quốc hội.
Ngoài ra, quyền tham chính của NKT còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật tiếp công dân năm 2013, Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2018…
Trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, quyền của NKT không chỉ được quan tâm ở mức độ bảo đảm cho họ có được mức sống tối thiểu và được chăm sóc về y tế mà việc chăm lo đến quyền của NKT chính là việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho NKT được bình đẳng các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội. Mà điều kiện tiên quyết, mang tính chất tiền đề là bảo đảm quyền tham chính của NKT để họ có tiếng nói tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Thực trạng quyền tham chính của người khuyết tật Việt Nam
Tính đến ngày 1-12-2022, Việt Nam có hơn 7 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%; khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của NKT đã từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, kể từ khi Luật Người Khuyết tật năm 2010 được ban hành và có hiệu lực thì NKT Việt Nam đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực ở tất cả mọi phía. Song, việc bảo đảm quyền tham chính của NKT trên thực tế vẫn còn một số rào cản như sau:
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp chưa có quy định về tỉ lệ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân là NKT. Đó có thể là lý do trong hồ sơ đăng ký thông tin đại biểu Quốc hội, không có đề mục thông tin nào về khuyết tật.
Thứ hai, truyền thông, giáo dục nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm đầy đủ đại diện của cộng đồng NKT trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp chưa cao. Trong một đánh giá nhanh của chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam thực hiện vào năm 2021, có 98,2% số NKT được hỏi mong muốn có đại diện NKT ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, có khoảng 44% NKT sẵn sàng tự ứng cử. Bởi họ cho rằng đại diện NKT sẽ lên tiếng thay mặt cho họ để bảo vệ quyền của NKT, mong muốn đại diện của mình sẽ hành động hướng đến sự bình đẳng cho NKT. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên có đại biểu là NKT, do họ tin rằng NKT khó đảm bảo yêu cầu về sức khỏe cũng như sẽ gặp thách thức về nhiều mặt, như hạn chế di chuyển và các nhu cầu tiếp cận khác, kiến thức và giáo dục không đầy đủ, kỹ năng xã hội hạn chế…
Thứ ba, thách thức NKT gặp phải trong quá trình tự ứng cử. NKT gặp khó khăn trong việc chứng minh năng lực và sức khỏe khi các ứng viên là NKT nhằm đáp ứng đủ tiêu chí, bảo đảm điều kiện thực hiện tốt vai trò của người đại biểu. Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu và có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân. Đây là khó khăn rất lớn đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao và sự cố gắng, nỗ lực của chính những NKT là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.
Thứ tư, vai trò của các tổ chức NKT trong việc thúc đẩy cơ hội tham gia chính trị của NKT chưa thực sự mạnh mẽ. Đối với NKT đã sẵn sàng tự ứng cử, họ cần được trang bị kiến thức về hệ thống pháp luật và quy trình ứng cử, nâng cao kỹ năng về vận động bầu cử và được các hội/nhóm của NKT đề cử và cùng tham gia trong quá trình vận động bầu cử, được hỗ trợ về cải tạo tiếp cận để quá trình đi vận động, bầu cử và làm việc sẽ dễ dàng hơn.
Bảo đảm tốt hơn quyền tham chính của người khuyết tật tại Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, các tổ chức vì NKT cần vận động để điều chỉnh, bổ sung quy định trong Luật Bầu cử về “tỉ lệ tối thiểu 1% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu hội đồng nhân dân là người khuyết tật”.
Thứ hai, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo đầy đủ đại diện của cộng đồng NKT trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, vì không ai khác có thể hiểu và nêu các vấn đề liên quan đến khuyết tật tốt hơn chính NKT. Từ việc thay đổi nhận thức chung, cộng đồng và xã hội sẽ tôn trọng và ủng hộ sự tham gia của NKT trong lĩnh vực chính trị. Qua đó, vai trò lãnh đạo và quản lý của NKT sẽ được phát huy.
Thứ ba, cần bồi dưỡng, xây dựng năng lực cho các ứng viên là NKT nhằm đáp ứng đủ tiêu chí, bảo đảm điều kiện thực hiện tốt vai trò của người đại biểu. Để trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đòi hỏi NKT cần phải chuẩn bị rất kỹ các kiến thức về hệ thống pháp luật, chính sách, kinh nghiệm chính trị, hiểu biết xã hội, kỹ năng vận động bầu cử… NKT trước hết nên tự ứng cử từ cấp thấp nhất trong hội đồng nhân dân để dần trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao khả năng chính trị, năng lực bản thân, tích lũy kinh nghiệm.
Thứ tư, các tổ chức NKT cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy cơ hội tham gia chính trị của NKT bằng cách xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho những NKT có đủ phẩm chất, khả năng để trở thành đại biểu.
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, NKT ở Việt Nam có thể đưa những kinh nghiệm và quan điểm của họ vào quá trình ra quyết định. Không ai có thể hiểu và nêu các vấn đề về NKT tốt hơn chính NKT. Do đó, để các chính sách về NKT bảo vệ đầy đủ các quyền của NKT nói chung, quyền tham chính của NKT nói riêng được quy định trong ICCPR, CRPD và Luật Người Khuyết tật, đại diện của NKT cần có tiếng nói trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, đưa ra và xây dựng các chuẩn mực pháp lý nhằm bảo đảm quyền tham chính của NKT là nghĩa vụ mỗi quốc gia phải bảo đảm thực hiện.
TS. Đỗ Quí Hoàng, Giảng viên Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Giảng viên Khoa Đào tạo Đại học, Học viện Toà án