Hộ chiếu vắc-xin và những nút thắt mới

Hộ chiếu vắc-xin được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ nhiều nút thắt gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Sự kỳ vọng vào hộ chiếu vắc-xin

Ý tưởng triển khai hộ chiếu vắc-xin là hệ quả tất yếu từ việc điều chế ra vắc-xin phòng COVID-19 cũng như nhu cầu bức thiết của cuộc sống xã hội. Dưới góc độ y tế, các bác sĩ hi vọng, hộ chiếu vắc-xin sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát và ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Như tại Việt Nam, nước được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành công trong công tác đẩy lùi dịch COVID-19, hộ chiếu vắc-xin nếu được triển khai thì công tác tầm soát các nguồn F1, F2 sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Hiện nay, điều kiện tiên quyết để cuộc sống của người dân trên khắp thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường đó chính là việc dỡ bỏ các rào cản phong tỏa đi lại. Cũng giống như thời điểm và mục đích ra đời của cuốn hộ chiếu truyền thống, với tư cách của một tấm thẻ sức khỏe chỉ cấp cho những người đã tiêm chủng đủ liều vắc-xin, những người sở hữu hộ chiếu vắc-xin sẽ đi lại dễ dàng hơn giữa các địa phương trong một nước và giữa các nước do không phải cách ly hay xét nghiệm COVID-19. Nếu một quốc gia đạt ngưỡng “miễn dịch cộng đồng” nhờ tiến hành tiêm phòng trên diện rộng thì rõ ràng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội sẽ là không cần thiết.

Một nghịch lý là chính tại những nước đang sở hữu nguồn vắc-xin phòng COVID-19, nhiều người dân lại không chịu tiêm chủng. Đơn cử như tại Mỹ, mới chỉ có 15,72% và tại Đức là 4,67% người đã tiêm đủ liều, tức là mới đủ điều kiện được cấp hộ chiếu vắc-xin (đây là hai nước sở hữu vắc-xin của hãng Pfizer-BioNTech); con số tương tự tại Anh (nước sở hữu vắc-xin của hãng AstraZeneca) là 5,29%, tại Nga (nước sở hữu vắc-xin Sputnik V) là 2,98% (Our World Data, cập nhật ngày 29-3-2021). Chính quyền các nước này hi vọng việc triển khai thực hiện cấp hộ chiếu vắc-xin sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, giúp khắc phục tình trạng e ngại tiêm chủng của một phần cư dân.

Các hãng hàng không và du lịch có lẽ là những đơn vị mong muốn hộ chiếu vắc-xin mau chóng được triển khai hơn cả. Trên thực tế, hiện tại không một quốc gia nào dám mạo hiểm cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế hay các đoàn tham quan du lịch nhập cảnh. Hộ chiếu vắc-xin được kỳ vọng là sẽ giúp giải tỏa nỗi e ngại không kiểm soát được dịch bệnh của các nhà quản lý, từ đó giúp phá vỡ tình trạng đóng băng của các ngành kinh tế cần có sự giao lưu cao này.

Xét trên nhiều góc độ, do hộ chiếu vắc-xin là một minh chứng về tình trạng sức khỏe cũng như khả năng bảo đảm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 của một quốc gia, nên số lượng hộ chiếu vắc-xin của một quốc gia sẽ tỷ lệ thuận với sự gia tăng lòng tin của cộng động quốc tế, trước hết là của các nhà đầu tư vào quốc gia đó. Từ đó, hộ chiếu vắc-xin cũng cho thấy mức độ an toàn và hợp tác trong cộng đồng quốc tế.

Những nút thắt mới

Tuy hộ chiếu vắc-xin có thể đem đến những cơ hội rất lớn và rõ ràng như vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn các quốc gia vẫn đang trong tình trạng chuẩn bị, lên phương án triển khai hộ chiếu vắc-xin. Điển hình là ngay trong khuôn khổ Hiệp ước Schengen (gồm 26 nước thành viên, trong đó có 22 thành viên EU thỏa thuận về sự tự do đi lại) cũng chưa có sự nhất trí chấp nhận hộ chiếu vắc-xin, mặc dù ý tưởng về hộ chiếu vắc-xin được chính EU khởi xướng đầu tiên. Sở dĩ có nghịch cảnh này là bởi hộ chiếu vắc-xin trong khi giúp tháo gỡ những điểm nghẽn thì đồng thời cũng tạo nên không ít các nút thắt mới.

Sự e dè, thận trọng đối với các loại vắc-xin phòng COVID-19 chính là nút thắt đầu tiên từ quá trình hiện thực hóa hộ chiếu vắc-xin. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa đưa ra được một thống kê chính thức về mức độ tin cậy của các loại vắc-xin. Số lượng không lớn người Nga và Trung Quốc được tiêm chủng vắc-xin Sputnik V và Sinvac cho thấy mức độ tin cậy thấp của hai loại vắc-xin này ở ngay chính quê hương của chúng. Hơn nữa, kể từ tháng 8-2020, thời điểm Nga công bố sản xuất được lô vắc-xin đầu tiên đến nay (ngày 30-3-2021), số lượng người nhiễm (hơn 128 triệu người) và tử vong (hơn 2,8 triệu người) do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng lại càng củng cố thêm sự e dè của cộng đồng quốc tế đối với chất lượng vắc-xin. Điều này càng khiến các nhà quản lý thêm khó khăn trong việc dựa trên loại vắc-xin nào để cấp hộ chiếu vắc-xin.

Dựa trên chủ quyền quốc gia, các nước có thể quyết định chỉ chấp nhận chứng nhận tiêm loại vắc-xin được phép sử dụng trong nước của họ. Sự khác biệt về tiêu chí cấp hộ chiếu vắc-xin tất yếu sẽ làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc. Điển hình là việc Trung Quốc thông báo sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vắc-xin của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Mỹ hiện không có vắc-xin COVID-19 nào do các công ty Trung Quốc sản xuất. Hoặc như vắc-xin của AstraZeneca đang được sử dụng ở 86 quốc gia, nhưng chưa được phê chuẩn sử dụng ở Mỹ. Ngoài ra, vắc-xin được sử dụng ở một số quốc gia có thể không hiệu quả đối với các biến thể SARS-CoV-2 mới xuất hiện trong nước đó hoặc ở nước ngoài. Từ lâu một số nước đã yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm chủng một số bệnh khi nhập cảnh. Tuy nhiên, vắc-xin COVID-19 là một loại vắc-xin mới và không phải tất cả các loại vắc-xin COVID-19 đều được cấp phép sử dụng trên thế giới, do đó việc áp dụng chính sách hộ chiếu vắc-xin rất dễ làm nảy sinh những khúc mắc về đặc quyền đối với các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Hộ chiếu vắc-xin còn có thể dẫn đến tình trạng nhiều quốc gia sẽ tự ý từ chối chấp nhận hộ chiếu vắc-xin không phải do họ cấp. Chính vì thế, đồng nhất được một bộ quy chuẩn để cấp hộ chiếu vắc-xin trên phạm vi toàn cầu thực sự là một nút thắt khó gỡ, nhất là trong bối cảnh nhiều nước đẩy mạnh “ngoại giao vắc-xin” để nâng cao vị thế trong cộng đồng quốc tế.

Một nút thắt cũ nhưng sẽ được hộ chiếu vắc-xin làm mới đó chính là sự gia tăng tình trạng phân biệt đối xử. Tại các xã hội mà sự phân biệt, bất bình đẳng tồn tại lâu dài, dai dẳng thì ngay khi những lô vắc-xin đầu tiên bắt đầu được triển khai cũng là lúc tình trạng này được dịp bùng phát. Hiện tượng phân biệt đầu tiên đến từ chính thực trạng lượng vắc-xin còn đang hạn chế. Ở hầu hết các quốc gia hiện đều đang áp dụng quy chế tiêm phòng có ưu tiên, trước hết là cho các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, những người già có nguy cơ mắc bệnh cao... Thời gian để số còn lại sẽ được tiêm và cấp hộ chiếu vắc-xin vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tại nhiều nước phương Tây, tình trạng người giàu, da trắng được ưu tiên tiêm chủng hơn là điều khó tránh khỏi. Hộ chiếu vắc-xin lại càng tăng thêm các đặc quyền cho nhóm người được tiêm chủng trước này và đó cũng chính là nguồn cơn gây ra làn sóng biểu tình phản đối biểu tình của người da màu. Trong trường hợp áp dụng hộ chiếu vắc-xin ở dạng ứng dụng trên điện thoại thông minh, một số người sẽ không thể sử dụng chúng. Thêm vào đó, hộ chiếu vắc-xin sẽ ghi lại dữ liệu sức khỏe cá nhân, bởi vậy, việc không bảo vệ những thông tin này sẽ tạo ra nguy cơ gian lận, giả mạo, phân biệt đối xử và vi phạm quyền riêng tư.

Trên bình diện quốc tế, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 500 triệu liều vắc-xin được tiêm, tức là mới có 7,2 người được tiêm chủng trong số 100 triệu người dân. Bi đát hơn, số lượng người được tiêm này chủ yếu ở các nước giàu (chiếm chỉ 11% dân số thế giới), có tới hơn 20 quốc gia nghèo nhất chưa được tiêm bất cứ một mũi vắc-xin nào. Theo các chuyên gia, ở nhiều nước thu nhập thấp, khả năng cao là hầu hết người dân sẽ không được tiêm vắc-xin trong nhiều năm. Thực tế này tất sẽ dẫn tới việc chỉ có một số ít được đặc quyền đi lại giữa các nước trong khi hàng tỷ người sẽ không được tiếp cận với ngành hàng không hay du lịch. Điều này sẽ khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng vốn dĩ đã dai dẳng và nhiều người nghèo sẽ bị bỏ lại phía sau.

Một câu hỏi được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm cùng với sự xuất hiện hộ chiếu vắc-xin là liệu hộ chiếu vắc-xin có giúp ngăn chặn đại dịch COVID-19 hay không? Chính sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng, phân biệt trong quá trình tiêm chủng đã khiến khả năng ngăn chặn dịch bệnh của hộ chiếu vắc-xin suy giảm. Chưa cần tính đến vấn nạn hộ chiếu vắc-xin giả chắc chắn sẽ có, chỉ cần số lượng người dân chưa được tiêm phòng quá lớn cũng đủ khiến cho nguy cơ lây nhiễm khó có thể được ngăn chặn.

Số phận của hộ chiếu vắc-xin

Trái với nhiều dự đoán và mong đợi của người dân trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục kéo dài sang năm thứ hai và ngày càng khó lường hơn bởi những biến chủng mới, cũng vì thế mà ngăn chặn dịch bệnh trở nên cấp thiết hơn. Trong bài viết chung được đăng trên các tờ báo lớn toàn cầu ngày 29-3-2021, 24 lãnh đạo thế giới và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập, cần thiết phải thiết lập một hiệp ước toàn cầu đối phó đại dịch COVID-19 nhằm giúp các quốc gia “chia sẻ trách nhiệm, minh bạch và hợp tác trong hệ thống quốc tế cũng như tuân theo các quy tắc và chuẩn mực trong đó”.

Với tinh thần và nhận thức đại dịch COVID-19 chỉ có thể bị đẩy lùi khi cộng đồng quốc tế đạt được sự hợp tác trên quy mô toàn cầu thì hộ chiếu vắc-xin sẽ là cái đích mà các quốc gia sẽ phải hướng tới. Hộ chiếu vắc-xin là minh chứng cho khả năng tiêm phòng của các quốc gia, mức độ hợp tác giữa các nước trong việc phân bổ vắc-xin, khắc phục vấn nạn bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Hộ chiếu vắc-xin chỉ có thể phát huy tối đa công dụng khi nó được cấp phát trong quá trình hợp tác giữa các quốc gia, trước hết là trong việc phân bổ vắc-xin bình đẳng. Như vậy, trong thời gian ngắn tới, nếu có thì hộ chiếu vắc-xin sẽ chỉ có ý nghĩa trong phạm vị hẹp giữa hai nước hoặc một vài quốc gia mà thôi, sẽ cần không ít thời gian để hộ chiếu vắc-xin đạt được sự công nhận rộng rãi.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất