Ngày 29-12-2020, tại tỉnh Bạc Liêu, Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền khu vực phía nam đã diễn ra. Đây là Hội nghị cuối cùng trong chuỗi 3 hội nghị tập huấn tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam do Văn phòng Thường trực về Nhân quyền tổ chức với sự tham dự của hơn 100 đại biểu của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền 19 tỉnh, thành phố phía nam.
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Về phía tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự và phát biểu.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá cao thành tích của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương thời gian qua trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách bảo đảm quyền con người và đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá đất nước. Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định việc nâng cao nhận thức về nhân quyền là một nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá trong nâng cao chất lượng công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền, vì vậy Hội nghị tập huấn sẽ cập nhật thông tin, tình hình thực tiễn, trang bị kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền, đồng thời là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực hiện công tác nhân quyền tại cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết với vị trí chiến lược quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bạc Liêu đã và đang thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm và phát huy quyền con người. Hội nghị là dịp tốt để Ban Chỉ đạo Nhân quyền các tỉnh, thành phía nam, trong đó có Bạc Liêu trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác nhân quyền.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe báo cáo viên từ Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc trình bày các chuyên đề về một số vấn đề nóng hiện nay như: dân chủ và nhân quyền trong quan hệ quốc tế và công tác đối ngoại; bảo đảm và đấu tranh với hoạt động lợi dụng quyền con người trên không gian mạng; quyền của đồng bào dân tộc thiểu số; công tác quản lý nhà nước đối với hiện tượng tôn giáo mới trong giai đoạn hiện nay.
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, Chánh Văn phòng Thường trựcBan Chỉ đạo về Nhân quyền phát biểu tại Hội nghị.
Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ đã trình bày chuyên đề về tình hình nhân quyền trong tình hình mới, cập nhật những diễn biến mới về hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền thời gian gần đây; đồng thời nêu một số định hướng, giải pháp để cần tập trung triển khai thời gian tới trên cả hai mặt bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền.
Ngoài các bài trình bày, Hội nghị cung cấp thêm thông tin, tài liệu về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta quyền con người; bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền trong trường hợp hạn chế quyền; đối ngoại nhân dân về nhân quyền; cam kết về lao động của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và EVFTA…
Tại Hội nghị, đại biểu của một số Ban Chỉ đạo Nhân quyền tại các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương… đã trao đổi về kinh nghiệm trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, giải quyết nhu cầu của người dân và đấu tranh, xử lý các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, những điểm nóng tại cơ sở liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền. Các đại biểu tham dự Hội nghị khẳng định việc tổ chức tập huấn công tác nhân quyền hằng năm là việc làm cấp thiết, thiết thực cho các Ban Chỉ đạo về Nhân quyền địa phương.
Bế mạc Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn hy vọng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các tỉnh, thành phố khu vực phía nam sẽ vận dụng hiệu quả các kiến thức, thông tin cũng như các kinh nghiệm thực tiễn trong nâng cao chất lượng công tác nhân quyền. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn cũng đề nghị Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các địa phường tiếp tục quán triệt thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng trong hoàn thiện pháp luật chính sách về quyền con người; khắc phục sơ hở thiếu sót trong bảo đảm quyền con nguời, quyền công dân; tăng cường công tác tuyên truyền về thành tựu quyền con người và đấu tranh, phản bác thông tin xuyên tạc. Trên cơ sở Hội nghị lần này, Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương cần tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai công tác nhân quyền đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
PV