Tại Mát-xcơ-va, ngày 19-12 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến “Vai trò thay đổi của Việt Nam trong thế giới đương đại: Hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII”. Hội thảo do Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Xanh Pê-téc-bua tổ chức, với sự tham gia của hàng loạt học giả có uy tín của Nga, Ca-dắc-xtan, In-đô-nê-xi-a, Triều Tiên, Việt Nam và kéo dài 8 tiếng.
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh tham gia Hội thảo quốc tế trực tuyến. Ảnh: Hồng Quân/TTXVN.
Trong bài phát biểu chào mừng từ đầu cầu Hà Nội, Đại sứ Nga tại Việt Nam Côn-xtan-tanh Vê-niu-cốp đã nêu bật vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) trong lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, với những thành tích đáng ghi nhận như kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm, Việt Nam ngày càng hội nhập và được cộng đồng quốc tế tín nhiệm. Đặc biệt, Việt Nam trở thành một trong số ít các nước duy trì tăng trưởng kinh tế bất chấp đại dịch COVID-19.
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh, Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống chính trị của Việt Nam. Chia sẻ đánh giá của Đại sứ Côn-xtan-tanh Vê-niu-cốp, Đại sứ Việt Nam tại Nga nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt là giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả Nga và quốc tế đã tập trung thảo luận những đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại và chiến lược phát triển của Việt Nam, những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội trong thời gian qua...
Nhiều tham luận đã chỉ ra rằng, bất chấp đại dịch COVID-19, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng gia tăng. Đặc biệt, Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại hoà bình, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới; Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ nồng ấm, hữu nghị truyền thống, luôn coi trọng củng cố, phát triển quan hệ tốt đẹp với nhau.
Nói về “hiện tượng Việt Nam trong đại dịch COVID-19”, Tiến sĩ I-vi-giơ-ni Vla-dốp, lãnh đạo Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông nhận định thành công của Việt Nam nằm ở chỗ Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng chống dịch và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, qua đó nâng cao tín nhiệm của Đảng CSVN.
Trong tham luận của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Vla-đi-mi-a Cô-lô-tốp, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh cho rằng Đại hội lần thứ XIII của Đảng CSVN sẽ diễn ra trong môi trường quốc tế ổn định nhưng đầy khó khăn. Bất chấp những thách thức và phức tạp đang tồn tại của tình hình quốc tế, lịch sử những thập kỷ gần đây cho thấy một cách thuyết phục rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tìm ra một con đường hoàn toàn khôn ngoan, nhưng tối ưu để thoát khỏi những tình huống tưởng như vô vọng khi đất nước đứng trước sự lựa chọn mang tính định mệnh.
Tiến sĩ Cô-lô-tốp đánh giá thành phần mới của BCH Trung ương và Bộ Chính trị trong vòng 5 năm tới sẽ đưa Việt Nam lên con đường phát triển tiên tiến, đòi hỏi phải đảm bảo: 1. Ổn định chính trị trong nước, 2. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, 3. Tính toán rất chính xác về cán cân quyền lực trong chính trị khu vực và toàn cầu. Cũng theo ông Cô-lô-tốp, nhiệm vụ hiện tại cũng không kém phần tham vọng. Việt Nam đương đại có nhiều nguồn lực hơn xưa. Vấn đề chính là nhân sự và hiệu quả quản lý.
Các đại biểu đi đến kết luận rằng Việt Nam đương đại có mọi khả năng để hiện đại hóa toàn diện, phát triển thành công và ổn định, đồng thời khắc phục những trở ngại như tham nhũng, thoái hóa nhân sự và hoạt động của các thế lực thù địch.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, chuyên gia phân tích Va-lê-ri-a Vơ-sai-ni-ơ thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va (MGIMO), cho rằng với các chỉ số kinh tế ổn định, chính sách đối ngoại chủ động và tích cực, đóng góp của Việt Nam trong đời sống chính trị quốc tế, Việt Nam xứng đáng được coi là một “cường quốc tầm trung”, tương tự như một số quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Ma-lai-xi-a.
Nguồn: TTXVN