Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phạm trù cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội khoa học, có quan hệ trực tiếp nhất đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đến mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Nụ cười rạng rỡ của nữ công nhân Việt Nam.
Sứ mệnh lịch sử không thể đảo ngượcC.Mác đã khẳng định, giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột vùng lên đấu tranh, từng bước xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ áp bức, bóc lột xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ về giai cấp công nhân như: giai cấp vô sản hiện đại, giai cấp công nhân hiện đại, giai cấp công nhân đại công nghiệp…
Dù có nhiều tên gọi khác nhau, theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen giai cấp công nhân vẫn chỉ mang hai thuộc tính cơ bản: Là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hóa cao; Là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột về giá trị thặng dư. Thuộc tính thứ hai này nói lên một trong những đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân dưới chế độ tư bản chủ nghĩa nên C.Mác và Ph.Ăng-ghen còn gọi giai cấp công nhân là giai cấp vô sản. Trong Tuyên ngôn các ông cũng đã chỉ rõ: Giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo và tổ chức quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, phương tiện thông tin các thế lực thù địch vin vào sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô; vin vào sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, của sản xuất hiện đại để phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản, qua đó phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ cố tình lập luận rằng, C.Mác đã gắn cho giai cấp công nhân cái sứ mệnh mà nó không có. Ngày nay, công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa không còn bị bóc lột nữa; giai cấp công nhân đã được trung lưu hóa, địa vị của họ đã có sự thay đổi căn bản, nên không còn sứ mệnh lịch sử. Chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, trở thành tư bản nhân dân; nó không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê… Thực chất những luận điểm đó là sự biện hộ cho địa vị thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản, cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở phủ nhận vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, phủ nhận lịch sử khách quan của giai cấp công nhân cũng như bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản và tính tất yếu thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.
Vai trò của giảng dạy lý luận chính trị trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" nói chung, chống các luận điệu sai trái về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nói riêng, công tác giảng dạy lý luận chính trị, nhất là đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng. Giảng viên lý luận chính trị là người trực tiếp và chủ yếu giảng dạy, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho người học, giúp cho người học hình thành niềm tin khoa học, từng bước tạo lập, rèn luyện, củng cố phẩm chất và năng lực chính trị, bồi đắp khả năng nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều. Quá trình giảng dạy đồng thời là quá trình phân tích, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch có liên quan ở từng môn học, từng chuyên đề, qua đó, người học có đủ sức đề kháng với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch về bản chất công nhân của Đảng cũng như sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Giảng viên lý luận chính trị cũng là một trong những “binh chủng” trực tiếp tham gia nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận chính trị, làm sáng rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên con đường xây dựng xã hội mới; là người có khả năng và thường xuyên tham gia tiếp cận, nhận diện sâu rộng, kịp thời các thông tin, luận điệu, từ đó chia sẻ, viết bài, bình luận phản biện và đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch hiện nay, nhất là trên không gian mạng.
Nhiệm vụ đặt ra
Để đấu tranh có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và khẳng định bản chất công nhân của Đảng; khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay, việc giảng dạy lý luận chính trị trong các học viện, nhà trường cần quan tâm một số nhiệm vụ sau:
Một là, quán triệt và thực hiện tốt các yêu cầu của công tác giảng dạy lý luận chính trị như: sát thực tiễn, sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo và sát với đối tượng người học. Đặc biệt coi trọng định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho người học. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phương tiện cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy.
Hai là, thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có chính sách quan tâm, động viên cả vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và phong cách làm việc năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ba là, bản thân mỗi giảng viên lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cần thật sự gương mẫu về nhận thức, bản lĩnh chính trị, có lòng trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới; luôn tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, đề cao trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ và khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nói riêng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung.
Trần Thị Ngọc Minh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền