Những cuộc đời mới của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Nhà thờ nguyện khang trang của Hội thánh Tin Lành buôn Pu xã E Knuec.

Thoát nghèo để xóa bỏ hủ tục          

Một trong những tin vui từ đồng chí Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc thông tin với Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và phóng viên các cơ quan báo chí khu vực miền Nam, Tây Nguyên về tìm hiểu chính sách cho đồng bào DTTS ở địa phương, là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã liên tục giảm, hiện còn 5,54% (giảm 11,96% so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào DTTS chiếm 4,16% (giảm 7,34%), tỷ lệ hộ cận nghèo là người đồng bào DTTS chiếm 2,02% (giảm 0,44%). Các chính sách Nhà nước đầu tư trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Păk được triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định, theo kế hoạch và nguồn cấp, bao gồm Chương trình 135, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; triển khai các chương trình về giảm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã, thị trấn. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 45,30 triệu đồng/người/năm. Với 23 dân tộc cùng sinh sống, mảnh đất này trong những năm gần đây nổi lên là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Đắk Lắk...

Sầu riêng của Krông Păk đang được làm các thủ tục đăng ký thương hiệu, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. “Rất tiếc là Đoàn về khi mùa sầu riêng vừa kết thúc, không thì đi tới vườn nhà nào cũng ngào ngạt hương sầu chín”, bác Y Guk Bkrông, mục sư nhiệm chức của điểm nhóm Tin lành buôn Puân A, ông chủ của 150 gốc sầu riêng, một trong những người có uy tín trong đồng bào DTTS ở buôn Puân A, xã Ea Phê, nói vui với chúng tôi bằng tiếng dân tộc Ê Đê. Câu chuyện của bác Y Guk Bkrông, người đàn ông có nước da nâu bánh mật đặc trưng của đồng bào ở cao nguyên đầy nắng và gió đã cuốn hút chúng tôi khi ông say mê nói về kỹ thuật trồng cây sầu riêng cũng như kỹ thuật trồng xen canh cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái để mang lại sản lượng và chất lượng cung cấp ra thị trường cả trong và ngoài nước. Chúng tôi cảm nhận niềm vui dâng đầy trong mắt khi ông chia sẻ ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Puân A đã vươn lên thoát nghèo. Những bước chân lặng lẽ của vị mục sư nhiệm chức này đã bền bỉ tới vận động từng nhà, tới thăm từng rẫy cà phê bị chết khô, tuyên tuyền để đồng bào chịu học, chịu nghe cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện về phổ biến cách trồng và chăm sóc; đưa giống cây sầu riêng về nhân giống... Những vườn cây xen canh, những vườn sầu riêng đặc sản cơm vàng, hạt lép cùng nhiều vườn hoa trái khác đã hồi sinh, buôn Puân A của ông vì thế mà nhộn nhịp, rộn ràng vào mùa thu hoạch.

Cũng trong dòng chảy cảm xúc đầy nhiệt huyết của những người gắn bó với đồng bào DTTS ở xã Ea Phê, bác Lương Văn Sáng lại mang đến cho chúng tôi cái nhìn lạc quan về đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng ở thôn 6. Người dân tộc Nùng chủ yếu di cư từ miền Bắc vào Tây Nguyên làm ăn kinh tế, đã được Đảng, Nhà nước quan tâm dành nhiều chính sách ưu đãi để bảo đảm cuộc sống. Bác Sáng cho biết, đồng bào Nùng trước đây được chia đất sản xuất, đất ở, những năm gần đây còn được Nhà nước cho vay vốn phát triển sản xuất, được Nhà nước làm đường, điện, trường học đến tận từng thôn. “Đến nay, đời sống kinh tế của bà con phát triển vượt bậc so với 5 năm trước đây. Nhiều hộ sản xuất - kinh doanh giỏi lắm, còn biết trồng nấm xuất bán đi khắp nơi”, bác Sáng tổng kết bằng chính trải nghiệm của người được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn suốt nhiều năm qua. Sự chuyển biến đó có con số rất cụ thể, bác Sáng đọc vanh vách tỉ lệ hộ nghèo trong thôn còn 2,5%, đây là những hộ được chính quyền xã và huyện đang tạo điều kiện để được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ mỗi gia đình một cặp bò và phổ biến kỹ thuật nuôi trồng để sớm thoát nghèo. “Hiện nay, con em đồng bào đi học không phải đóng học phí, được mua bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh thông thường không phải mất tiền. Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, đồng bào được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật liệu xây dựng, có trường học khang trang”, bác Sáng hồ hởi khoe.  

Rời quân ngũ về với cộng đồng đồng bào Nùng ở thôn 6 từ những năm 1990, đến giờ chẵn 30 năm, ông vẫn đi thăm hỏi bà con đều đặn, đi để nắm bắt hoàn cảnh của từng nhà, để biết bà con đang nghĩ gì, đang thiếu gì và đang cần gì để kịp thời phản ánh với chính quyền địa phương, để có những hỗ trợ phù hợp và cần thiết nhất. Như một nhân chứng - người chép sử của đồng bào Nùng ở thôn 6, ông mừng ra mặt, cho là mình may mắn được chứng kiến những thay đổi từng ngày của đồng bào. Nhờ kinh tế khấm khá lên mà những hủ tục lạc hậu trong đồng bào Tày, Nùng đã dần được loại bỏ. Nhất là lệ thách cưới, trong đám hỏi, nhà trai phải chuẩn bị 1 tạ heo, tiền mặt lên tới vài chục triệu và 100 cái bánh dầy. Còn khi có đám tang, nếu bố hoặc mẹ mất, mỗi người con phải thịt một con heo để cúng. Giờ thì những hủ tục này không còn nữa, đám cưới đã được thực hiện theo nếp sống mới, đám tang cũng không còn rình rang như trước.

Thôn 6 có tới 95-97% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật trồng đa canh đã giúp nhiều gia đình đồng bào DTTS như ông Y Ngăm Ayun ở buôn Pan B hay ông Y Bin Byă, buôn Jung, xã Ea Yông vươn lên trở thành những hộ làm kinh tế giỏi của địa phương, mỗi năm thu nhập bình quân 300 triệu đồng. Ông Y Ngăm Ayun còn là Bí thư Chi bộ buôn Pan B với 11 đảng viên là đồng bào DTTS. Ba người con đều đỗ đại học và có việc làm ổn định. Buôn Pan B của ông nhiều năm liền giữ danh hiệu “Buôn văn hóa”, hơn 80% hộ dân có nhà kiên cố, trẻ em được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường.          



Anh Y Như Ayun, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo ở buôn Ea Su, xã Ea Phê đang phấn khởi kể với các nhà báo về những ngày tháng vất vả thoát nghèo của gia đình mình.

Nếu như buôn Puân A của bác Y Guk Bkrông, thôn 6 của bác Lương Văn Sáng hay là những buôn Pan B của ông Y Ngăm Ayun là những buôn hình thành từ lâu, được đầu tư điện, đường, trường, trạm khang trang thì ở buôn Ea Su, buôn mới hình thành khi thực hiện dãn dân năm 2008, vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi tìm đến nhà của anh Y Như Ayun, sinh năm 1986, người đã vượt khó vươn lên thoát nghèo được 2 năm nay. Vợ chồng anh Y Như Ayun vào định cư ở buôn mới thành lập với hai bàn tay trắng, được địa phương cấp cho 5 sào ruộng để sản xuất. Những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, vườn cà phê đầu tiên của hai vợ chồng bị bão phá sạch. Sau đó, anh được hỗ trợ vay vốn, được đi học hỏi mô hình trồng xen canh, hai vợ chồng đã áp dụng thành công trên 2,5 sào ruộng trồng xen canh cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái; 2,5 sào ruộng còn lại chuyên trồng cây ăn trái, thu nhập bình quân  mỗi năm đạt 50 triệu đồng. Đứng giữa vườn cà phê sai trĩu trịt, anh Y Như Ayun chỉ cho chúng tôi căn nhà bằng ván gỗ sát vườn. Đấy là căn nhà thuở ban đầu anh chị dựng lên để có chỗ sinh hoạt. Giờ thì hai vợ chồng đã dựng được căn nhà kiên cố, một phần được hỗ trợ theo Chương trình 167, một phần kinh phí do anh chị tự bỏ ra. Cuộc sống thực sự đã sang một trang mới. Niềm vui lại vỡ òa!

Sinh hoạt tôn giáo luôn cởi mở
           

Nhà thờ nguyện của đồng bào theo đạo Tin lành ở Hội thánh Tin lành buôn Pu vừa được xây mới khang trang, rộng rãi. Nếu không tận mắt chứng kiến, khó có thể tin rằng ở vùng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Păk lại có được khung cảnh nhà thờ nguyện như ở đô thị lớn như vậy.

Mục sư Phan Tấn Phúc, Quản nhiệm Chi hội Phước An, kiêm nhiệm Hội thánh Tin lành buôn Pu, thành viên của Ban Đại diện Tin lành tỉnh Đắk Lắk không giấu được xúc động khi kể lại quá trình được chính quyền địa phương tạo điều kiện để Hội thánh xây dựng nhà thờ nguyện, đáp ứng mong mỏi của hơn 800 tín đồ đạo Tin lành là người đồng bào dân tộc Ê Đê ở xã Ea Knuec. Khi có được sự ủng hộ của địa phương, nhà thờ nguyện đã nhanh chóng được xây dựng bằng sự đóng góp gần 2.000 ngày công của bà con, tín hữu hội thánh. Giờ thì cứ đều đặn vào ngày chủ nhật hằng tuần, 802 tín hữu đều đặn đến điểm, nhóm sinh hoạt. Mỗi buổi sinh hoạt dường như là sự giải tỏa sau một tuần lao động, bà con tín đồ mang theo cả gia đình, có nhiều bà mẹ Ê Đê địu con trên lưng, còn những cô bé, cậu bé lớn hơn cũng ngoan ngoãn ngồi cầu nguyện. Những buổi sinh hoạt như vậy, mục sư Phan Tấn Phúc thường lồng ghép phổ biến tình hình ở buôn, các chủ trương, quy định mới của xã, của huyện, của tỉnh để bà con ai cũng nắm được. Chính vì thế mà tình hình an ninh, trật tự ở vùng đồng bào dân tộc Ê Đê nơi đây trong suốt nhiều năm được duy trì, không có trộm cướp, rượu chè, đua xe.

“Điểm nhóm Tin lành buôn Pu thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam có hiến chương, nội quy, quy chế hoạt động đem lại sự vui thỏa, niềm tin kính chúa. Đời sống tâm linh được quan tâm, đời sống tinh thần thoải mái, kinh tế vì thế phát triển. Các thanh niên trong Hội Thánh được dạy dỗ rất nghiêm. Dù năm vừa qua chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Hội Thánh không có người nào bị lây nhiễm”, mục sư Phan Tấn Phúc tự hào cho biết.


Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực về Nhân quyền cùng phóng viên khu vực miền Nam, Tây Nguyên thăm thực tế mô hình làm kinh tế giỏi ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lắk.


Những năm gần đây, đồng bào Ê Đê tại xã Ea Knuec đã được phổ biến, hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, chuyển sang phát triển cây ăn trái như cây sầu riêng, cây bơ, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể. Khí thế xây dựng nông thôn mới, gắn đạo và đời cũng là mạch nguồn chung khi chúng tôi được gặp và tiếp xúc với các tín đồ đạo Tin lành ở buôn Phê, xã Ea Phê. Mục sư Y Nhiam Nie Trei cũng hồ hởi cho biết, với trên 1.000 tín đồ sinh hoạt thường xuyên, đều đặn, chấp hành và tuân thủ pháp luật tốt, bà con theo Đạo Tin lành ở buôn Phê cũng chuyển đổi trồng cây sầu riêng, nhiều nhà đã cho thu hoạch, có hiệu suất kinh tế cao. “Niềm vui của Hội Thánh chúng tôi là các tín đồ biết bảo ban nhau, cùng nhau học nghề, làm nghề, cùng nhau sản xuất để phát triển; làm gì chúng tôi cũng trao đổi, xin phép UNBD xã và huyện. Vì thế mà mọi việc đều rất suôn sẻ, bà con theo Đạo Tin lành được sinh hoạt tôn giáo, nâng cao đời sống tinh thần nên an tâm lao động, sản xuất, không phát sinh tệ nạn xã hội”, mục sư Y Nhiam Nie Trei cho hay.           

Với 4 tôn giáo chính là đạo Tin lành, đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Cao Đài, hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện Krông Păk trong nhiều năm qua được UBND tỉnh Đăk Lăk ghi nhận và tạo điều kiện sinh hoạt nền nếp. Các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phát huy tinh thần gắn đạo với đời, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và phong trào do địa phương phát động.

Có được kết quả ấy là nhờ sự vận dụng có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn và các chương trình hỗ trợ, tập huấn về nông nghiệp. Chính quyền cơ sở gần dân, gần đồng bào, lắng nghe nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ đã tạo nên một diện mạo mới trong đồng bào DTTS. Một nếp nghĩ mới đã được hình thành từ những đổi thay trên mỗi buôn, sóc ở vùng đất cao nguyên này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất