|
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân trong vụ việc. Ảnh: CAO NGUYÊN.
|
Sự đồng lòng giúp sức của người dân
Cả nước vẫn bàng hoàng, đau thương và chưa hết chấn động trước vụ việc đẫm máu diễn ra rạng sáng ngày 11-6-2023. Súng, dao, bom xăng, lựu đạn là những hung khí mà hơn 40 đối tượng hung hãn sử dụng để tấn công trụ sở UBND xã và phòng làm việc của Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lăk. Chúng đã đốt phá hai trụ sở UBND xã và sát hại 4 chiến sỹ công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân vô tội. Ngoài ra còn có 3 người dân bị bắt làm con tin, 1 người đã tự giải thoát, 2 người còn lại được giải thoát sau đó.
Theo thông tin của Bộ Công an, nhóm người bị bắt là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên; số này tham gia họ thuộc một tổ chức vũ trang đòi ly khai có trụ sở tại Mỹ. Ngày 16-6, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an nhận định: vụ việc này phát sinh do “một số đối tượng FULRO lưu vong kích động một số người DTTS. Họ “chia rẽ người Kinh với DTTS, nhằm gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài”.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do LHQ tổ chức tại Niu Óoc (Mỹ) ngày 20-6-2023, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) cho biết, trong số những người bị bắt có “đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công”. Đến ngày 1-7, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố 90 bị can về các tội danh: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Không tố giác tội phạm” và “Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép”; đồng thời, tiến hành truy nã đặc biệt 5 đối tượng và tiếp tục truy tìm số đạn dược, vũ khí bị các đối tượng che giấu. Đến nay, tình hình an ninh tại Đắk Lắk trở lại bình thường
Khi nói về quá trình truy bắt những kẻ khủng bố, lãnh đạo Bộ Công an cho biết: "Nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân địa phương thì lực lượng công an khó có thể bắt giữ được hầu hết đối tượng khủng bố một cách nhanh chóng, an toàn, kịp thời như vậy. Với niềm tin vào Đảng, vào sức mạnh chính nghĩa, người dân Tây Nguyên đã chung tay cùng lực lượng chức năng vây bắt tội phạm, hay sẻ chia những hộp cơm đến với lực lượng bảo vệ chốt chặn, quyên góp, hỗ trợ gia đình nạn nhân. Trên khắp các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok…, những clip, hình ảnh người dân cùng chung tay hỗ trợ lực lượng chức năng được chia sẻ và nhận được sự đồng tình ủng hộ, lan toả mạnh mẽ tình đoàn kết quân dân".
Những kẻ khoác áo, mang danh đấu tranh “dân chủ”, “nhân quyền” cho Việt Nam
Trái với sự phẫn nộ của người dân cả nước, sự đau lòng của người dân địa phương, thì những kẻ luôn nhân danh, khoác áo “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” triệt để lợi dụng vụ việc để xuyên tạc, bóp méo bản chất, nguyên nhân vụ việc; bôi lem hình ảnh của lực lượng Công an, chính quyền các cấp; công kích, chống phá đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước với đồng bào DTTS ở Tây Nguyên; ca ngợi những kẻ khủng bố; kích động, cổ xúy bạo lực.
Một số tổ chức, cá nhân cực đoan, phản động trong và ngoài nước, ra sức xuyên tạc nguyên nhân phát sinh vụ việc là do bị áp bức, cưỡng chế thu hồi đất đai hay do “xung đột sắc tộc”, mâu thuẫn “đối kháng” trong xã hội. Họ kích động, vu cáo chính quyền có chủ trương đàn áp, diệt chủng “người Thượng” bằng cách sử dụng người dân tộc Kinh “cướp đất” và “đàn áp” “sau cuộc khởi nghĩa Tây Nguyên vừa xảy ra, chính quyền sẽ cho dân từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tràn ngập Tây Nguyên để phá đức tin của “đồng bào Thượng” về hệ phái Tin lành Đề Ga và nhà cửa, đất đai của họ”, “Bộ Công an đưa công an chính quy về xã mục đích để cai trị người dân”, “Chính quyền sử dụng chuyên chính vô sản để đàn áp dân lành”…
Họ thổi phồng, bóp méo bản chất vụ việc hòng gây hoang mang cho đồng bào với luận điệu “lực lượng khởi nghĩa có khoảng 1.000 thành viên”; vu cáo lực lượng Công an “vây bắt đồng bào Thượng tại Đắk Lắk một cách bừa bãi, khống chế và đánh họ chỉ vì họ mặc quần áo rằn ri”, “những đồng bào Thượng bị công an tạm giữ được đăng lên mạng bêu riếu như là những tội phạm”, “Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh bị đe dọa và sống trong sợ hãi”.
Họ bịa đặt chính quyền chỉ đạo truyền thông tung tin giả về vụ việc nhóm đối tượng tấn công UBND xã nhằm hợp thức hóa việc bắt giam người dân phản đối quyết định thu hồi đất; vu cáo thông tin trên báo chí “khoét sâu hận thù trong dân”. Họ xuyên tạc cơ quan chức năng “truy cùng, tận diệt” và “ép cung” buộc “người Thượng” Tây Nguyên nhận tội; việc xử phạt những cá nhân đăng tải, tán phát tin giả, tin sai sự thật là hành động “bịt miệng người dân”, đổ lỗi do không có luật biểu tình, không cho biểu tình khiến cho những uẩn ức trong dân chúng không có nơi để tỏ bày hoặc do những thành phần ôn hòa đã bị bắt hết,… Đáng chú ý, tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS” tán phát thông tin xuyên tạc chính quyền Việt Nam “dàn dựng” vụ việc; sử dụng một “nhóm người” để tấn công trụ sở chính quyền và kết tội những người là “tàn dư” của FULRO sau đó “lấy cớ đàn áp” cộng đồng người Tây Nguyên.
Cuối cùng, họ kêu gọi LHQ và Mỹ can thiệp vào tình hình nội bộ của Việt Nam, vào cuộc điều tra “vi phạm” nhân quyền tại Tây Nguyên, có biện pháp bảo vệ người Thượng ở Tây Nguyên.
Qua đó, cho thấy rõ, những thành phần chống phá Đảng, Nhà nước đã bất chấp thủ đoạn để bịa đặt, xuyên tạc vụ việc hòng thực hiện mưu đồ chống phá sự ổn định của Nhà nước ta, dân tộc ta. Tuy nhiên, bất nhân, vô đạo đức nhất là số “nhà dân chủ” trên mạng xã hội ngay sau khi vụ việc xảy ra. Thay vì đau buồn trước những mất mát mà các nạn nhân, của chính người dân địa phương, họ ăn mừng, phấn khích như thể bắt được một cơ hội mới.
Một ví dụ tiêu biểu là Hoàng Dũng, một gương mặt “dân chủ” hiện đang sống tại Mỹ khi dùng từ “thịt” để diễn tả hành động của các đối tượng đối với 2 cán bộ chính quyền và 4 chiến sĩ Công an. Ngôn từ hằn học, hả hê, coi thường sinh mạng con người mà Hoàng Dũng sử dụng đã cho thấy bản chất của cái gọi là “nhà hoạt động nhân quyền”, “đấu tranh bất bạo động”.
Một số kẻ nhân danh “bảo vệ nhân quyền” để kích động chia rẽ hận thù giữa đồng bào DTTS Tây Nguyên với người dân tộc Kinh thì tìm cách thanh minh, rửa tội cho kẻ khủng bố như tài khoản “Nhật Ký Yêu Nước” bịa đặt “nếu người Kinh bao nhiêu năm không đối xử tồi tệ, như là lực lượng thực dân, trên đất Tây Nguyên, với người DTTS bản địa, thì không lấy đâu ra mấy người thù hận, để ngoại bang lợi dụng.
Nhiều gương mặt chống chế độ trên mạng xã hội Facebook còn đi xa hơn, khi tìm cách kích động dư luận, nhằm tạo mồi lửa bạo động từ Đắk Lắk lan ra cả nước. Chẳng hạn, tài khoản “Lê Thanh Nghĩa” (TP. Hồ Chí Minh) ăn mừng: “Đầu tàu Đắk Lắk đã chuyển bánh, Đắk Lắk mãi đỉnh”. Tài khoản “Khanh Nguyen” (Nguyễn Tuấn Khanh, TP. Hồ Chí Minh) bình luận: “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian”. Tài khoản “Nguyễn Văn Đài” (tại Đức) hô hào: “Tây Nguyên nổi dậy! Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ… toàn dân xuống đường!”. Tài khoản “Lương Trường Sơn” (TP. Hồ Chí Minh) dọa dẫm: “Một khi toàn dân mà mặc quần áo rằn ri thì lũ quan tham nhũng coi chừng “bố tao là ai” ngay”. Tài khoản “Nguyễn Hữu Vinh” (TP. Hồ Chí Minh) phấn khích: “Ngọn lửa cao nguyên”; “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, “Nếu gặp CIDG thì đừng nói 2 trụ sở Công an, mà 10 cái cũng bị diệt gọn gàng êm thấm”.
CIDG là tên viết tắt của “Lực lượng Dân sự Chiến đấu” (Civilian Irregular Defense Group), một chương trình của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm huấn luyện người DTTS trên Tây Nguyên thành vũ khí chống Cộng. Qua cách dùng từ của Nguyễn Hữu Vinh, có thể thấy các thành phần chống Nhà nước Việt Nam đang muốn biến “người Thượng” thành con tốt của những kẻ chống đối và ngoại quốc trong ván cờ lật đổ chế độ - tương tự như những gì chúng đã làm trước năm 1975. Và khi làm vậy, chúng đã bóp méo cả bản chất vụ việc lẫn dụng ý của những thành phần khủng bố hôm 11-6 - những người chỉ muốn cướp vũ khí, chứ không hề muốn lật đổ Nhà nước Việt Nam. Sau nhiều lần thất bại trong việc lật đổ chế độ bằng “cách mạng đường phố”, chúng đang kích động người DTTS đổ máu nhằm thực hiện mục đích của mình. Với những tính toán này, những đối tượng chống đối, phản động chẳng khác gì một đám kền kền ăn xác thối, sinh trưởng nhờ bạo lực và chiến tranh, điều mà cả nhân loại lên án.
Trong khi các gương mặt vừa nêu luôn vỗ ngực tự xưng là “yêu nước”, “đấu tranh cho nhân quyền”, hành động của chúng chỉ cho thấy điều ngược lại. Những người biết quý trọng nhân quyền sẽ không ăn mừng trước cái chết của người khác, hay hô hào bạo động và khủng bố vũ trang. Những người yêu nước sẽ không kích động mâu thuẫn giữa các dân tộc, hay muốn giao một địa bàn trọng yếu như Tây Nguyên vào quyền can thiệp của nước ngoài.
Lời khẳng định của Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, vụ tấn công vào trụ sở chính quyền ngày 11-6-2023 là “hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính" cho thấy rõ hành vi phạm tội của số đối tượng tham gia vụ tấn công. Việc ca ngợi, cổ xúy cho những kẻ khủng bố của số người tự vỗ ngực gọi mình là “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” đã gián tiếp mang bản chất của tội phạm khủng bố. Dù có cố tình che đậy thì bản chất của họ đã lộ rõ".
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do LHQ tổ chức tại Niu Óoc (Mỹ) ngày 20-6-2023, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) cho biết, vụ tấn công vào trụ sở chính quyền ngày 11-6-2023 là “… là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính", “trong số những người bị bắt có “đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công”.
|
Tất Đạt