Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mua bán người
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Gần 200 đại biểu đại diện các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cùng đại diện đến từ các đại sứ quán, các viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và Liên hiệp quốc đã tham gia chuỗi hội thảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Các đơn vị đã tích cực chia sẻ đánh giá về việc triển khai và phối hợp công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong giai đoạn 2021-2023, xác định những lĩnh vực cần thúc đẩy hơn nữa trong kỳ sau của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, các đại biểu tập trung vào những nội dung cần đề xuất trong quá trình sửa đổi luật và đánh giá chính sách trong tương lai.

Trưởng phái đoàn IOM, bà Park Mihyung đã tham gia buổi Hội thảo đánh giá được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo, bà đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, điều đó đã được ghi nhận trong Báo cáo tình hình mua bán người trên thế giới 2023 (Báo cáo TIP) của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bà cũng khẳng định vai trò quan trọng của Bộ LĐ-TBXH cùng các bộ, ngành liên quan, từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tại buổi hội thảo, Bộ LĐ-TBXH thông báo, hiện có 40 tỉnh đã thí điểm áp dụng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, với mong muốn sẽ xác định và hỗ trợ được nhiều nạn nhân bị mua bán, trên cơ sở pháp luật hiện hành và việc triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. 

Từ năm 2017, IOM đã hỗ trợ Bộ LĐ-TBXH và các đối tác tại các địa phương thử nghiệm nhiều mô hình đa dạng nhằm hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán, bao gồm mô hình tái hòa nhập cộng đồng thông qua các nhóm tự lực tại Bắc Giang, Huế và Tây Ninh. Mô hình này đã hỗ trợ thành công 179 nạn nhân. Bên cạnh đó, 550 cá nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của các mô hình tại cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ và chủ động chuyển tuyến để xác định và hỗ trợ nạn nhân, với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ, 5 văn phòng hỗ trợ dịch vụ một điểm đến (OSSO) được thành lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang.

Thông qua việc tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan, công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều cán bộ tuyến đầu và cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội đã được tập huấn về cách thức sử dụng các bộ công cụ được chuẩn hóa và các hướng dẫn trong công tác hỗ trợ và chuyển tuyến, góp phần hỗ trợ được nhiều nạn nhân hơn. Tuy nhiên, khi các thủ đoạn mà những kẻ mua bán người sử dụng ngày càng trở nên tinh vi, đặc biệt là với các hoạt động tuyển mộ trên không gian mạng ngày càng gia tăng, khó phát hiện và khó ngăn chặn hơn, thì số lượng nạn nhân bị mua bán và những người cần được bảo vệ cũng tiếp tục gia tăng. Do vậy, hiện nay, vẫn còn nhiều lĩnh vực cần trao đổi để có thể tăng cường hiệu quả của việc triển khai, cũng như cập nhật kịp thời những chính sách liên quan.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất