Thông qua cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hừng đông” (NXB Văn Học, năm 2020) nói về nhà cách mạng lỗi lạc Phan Đăng Lưu, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã nêu cao thông điệp rằng, đã đứng vào hàng ngũ của Đảng thì phải là những con người đàng hoàng, gương mẫu, biết hy sinh cho đất nước, biết xả thân vì Nhân dân.
PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (thứ 2 từ phải sang) tham gia Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ V - năm 2020.
Từ thành công của kịch bản văn học “Hừng Đông” với hai phiên bản nghệ thuật, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Hừng Đông” như một “món quà” ý nghĩa chào mừng Đại hội XIII của Đảng. “Hừng Đông” là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử về nhà cách mạng lỗi lạc Phan Đăng Lưu (5-5-1902 - 28-8-1941) - một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và Nhân dân ta - đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, sinh trưởng trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học... Dưới ngòi bút tài hoa của PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu đã hiện lên đầy sinh động, chân thực, trách nhiệm trong từng giai đoạn lịch sử gắn liền với sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo nhưng cũng nhiều gian khổ, hy sinh từ lúc ông tốt nghiệp trường Canh Nông của Pháp, quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia các hội yêu nước và sau đó trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta.
Thông qua nhân vật chính Phan Đăng Lưu, tác giả đã tái hiện lại công cuộc đấu tranh sục sôi của Đảng và Nhân dân ta mà ở đó người đọc bắt gặp những nhà cách mạng, những trí thức lớn của dân tộc, như: “Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Chí Diểu… và đặc biệt dù không trực tiếp được gặp Bác Hồ nhưng thông qua một số tài liệu, sách báo của Bác gửi về từ nước ngoài, Phan Đăng Lưu như đã tìm thấy chân lý soi sáng con đường đi của mình. Phan Đăng Lưu cũng là một trong những người tiên phong dùng báo chí làm “vũ khí” đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đó là việc ông cho ra đời các tờ báo Sông Hương tục bản, báo Dân, báo Dân Tiến (là các cơ quan của Xứ ủy Trung kỳ) và đặc biệt khi bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột ông vẫn cùng các đồng chí trong tù sáng lập và phát hành tờ báo Đoản Dê tù báo. Sinh thời, đồng chí Tố Hữu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) thường coi Phan Đăng Lưu là người thầy cả về chính trị lẫn thơ văn. Trong bài thơ “Quê mẹ”, Tố Hữu nhắc đến Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu với tình cảm sâu nặng: “Con lớn lên con tìm cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa con còn Đảng/ Dìu dắt khi con chửa biết gì”.
Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại khó của văn học, bởi đã là lịch sử thì luôn yêu cầu các nhân vật, sự kiện phải thật chân thật, khách quan và nhất là đây lại là nhân vật lịch sử nằm trong văn cảnh cao hơn là thân phận của dân tộc, thân phận của Đảng. Tuy nhiên, với sự nghiên cứu sâu sát, kỹ lưỡng, cẩn trọng, với sự ngưỡng mộ dành cho một nhà cách mạng lỗi lạc, một người đồng hương Yên Thành (Nghệ An) kính mến, tác giả đã thành công trong việc đi sâu khai thác nội tâm nhân vật cùng với việc hư cấu nhân vật phụ để tạo sức hấp dẫn và làm nổi bật nhân vật chính. Dù là cuốn tiểu thuyết lịch sử nhưng tác phẩm vẫn mang hơi thở của đời sống, đề cập đến vấn đề “nóng” của cuộc sống đương đại. Nhất là trong phần cuối của tác phẩm, tác giả đã nhắc đến lũ chuột, đến “con chuột cơ hội” với những từ ngữ giàu sức gợi ngầm ý như nhắc đến một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng: “Chính Phan Đăng Lưu từng nói rằng, đừng coi thường lũ chuột. Chúng bé, nhưng trong bóng tối chúng dễ sinh sôi và có thể làm mọi trò bẩn thỉu để có miếng ăn. Chúng cũng sẵn sàng cắn phá mọi thứ tài sản to lớn mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của người ta mới tích lũy được. Lũ chuột cũng có thể làm hỏng việc lớn”.
Cuốn sách ra đời trong một thời điểm hết sức quan trọng khi Đảng ta đang quyết tâm “tuyên chiến” với tham nhũng, lãng phí, đang không ngừng xây dựng, chỉnh đốn không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn về đạo đức và nhất là Đảng ta đang chuẩn bị bước vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nơi sẽ chọn ra những cán bộ đủ đức, đủ tài tham gia vào Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, vậy thì “tấm gương sống”, “ngọn đuốc sống” như Phan Đăng Lưu thật có ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền biết chừng nào.
Bìa cuốn sách "Hừng đông" của PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ.
Là một cán bộ cấp chiến lược (khóa XII) của Đảng, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ đã trút bầu mọi trăn trở, day dứt và trách nhiệm của mình với vận mệnh của Đảng qua từng con chữ với niềm hy vọng Đảng ta sẽ thật trong sạch, vững mạnh, Đảng sẽ có những cán bộ thực sự là công bộc của Nhân dân để viết tiếp những trang sử hào hùng của Đảng, của dân tộc trong bối cảnh mới. Trong lịch sử hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng ta đã có những nhà lãnh đạo kiệt xuất dẫn đường chỉ lối đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ thành công, đưa đất nước Việt Nam đến với nền hòa bình, độc lập, thống nhất, tiến lên CNXH, đưa Nhân dân Việt Nam đến với “quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” và Phan Đăng Lưu chính là một trong số ấy. Trong mọi thời kỳ cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu, không vì lợi ích riêng, dám xả thân, dám hy sinh và nếu bộ máy của Đảng hiện nay có nhiều đồng chí như nhà cách mạng Phan Đăng Lưu sẽ làm cho Đảng ta luôn vững mạnh, thực hiện được sứ mệnh cao cả mà Nhân dân giao phó.
Trong mỗi chúng ta ai cũng có phần bóng tối và phần hừng đông. Phần bóng tối là những toan tính, lợi ích cá nhân, còn phần hừng đông chính là tinh thần xả thân, biết nghĩ về đất nước, về Nhân dân. Và với việc “dựng” lại cuộc đời, sự nghiệp của nhà cách mạng lỗi lạc Phan Đăng Lưu, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đồng chí là Lãnh đạo của Đảng trong khoảng 10 năm đầu từ khi có Đảng, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đã khơi dậy khát vọng Việt Nam trong mỗi người trẻ, trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Ngô Khiêm