Pháp luật quốc tế về lao động cưỡng bức
Công ước 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc được Hội nghị toàn thể của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua ngày 28-6-1930 và đến nay đã có 175 nước phê chuẩn. Ngày 29-1-2007, Việt Nam đã gia nhập Công ước này. Công ước 29 chính thức ghi nhận khái niệm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (gọi tắt là lao động cưỡng bức). Theo khoản 1 Điều 2 Công ước, cụm từ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc là: “Tất cả các công việc hay dịch vụ mà một người thực hiện dưới sự đe doạ phải chịu một hình phạt và vì hình phạt này người đó không tự nguyện làm việc”.
Từ định nghĩa trên ta thấy, bất kỳ một người nào đó đều có thể trở thành chủ thể của lao động cưỡng bức khi họ thực hiện một công việc hay một dịch vụ nhất định, bất kể họ là nam giới hay nữ giới, trẻ nhỏ hay người già; họ có thể là người có hay không có chuyên môn đối với công việc, dịch vụ đó... Theo Công ước 29, một hoạt động lao động được coi là lao động cưỡng bức khi gồm tiêu chí sau: Thứ nhất, một người thực hiện một công việc hoặc một dịch vụ cho người khác; Thứ hai, người này không tự nguyện thực hiện công việc hoặc dịch vụ đó; Thứ ba, người thực hiện công việc hoặc dịch vụ đó bị đe doạ (bản thân họ hoặc thân nhân của họ) sẽ phải chịu một hình phạt nào đó nếu không tiến hành công việc hoặc dịch vụ đó.
Tuy nhiên, trong Công ước này, thuật ngữ “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” không bao gồm 5 trường hợp cụ thể sau đây (5 trường hợp “ngoại lệ”): Mọi công việc hoặc dịch vụ buộc phải làm theo các đạo luật về nghĩa vụ quân sự bắt buộc và trong những công việc có tính chất quân sự thuần tuý; Mọi công việc hoặc dịch vụ thuộc những nghĩa vụ công dân bình thường của các công dân trong một nước tự quản hoàn toàn; Mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người buộc phải làm do một quyết định của toà án, với điều kiện là công việc hoặc dịch vụ đó phải tiến hành dưới sự giám sát và kiểm tra của những cơ quan công quyền và người đó không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của những tư nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân; Mọi công việc hoặc dịch vụ buộc phải làm trong những trường hợp khẩn cấp…; Những công việc của thôn, xã vì lợi ích trực tiếp của tập thể và do những thành viên của tập thể đó thực hiện…
Bên cạnh đó, một nền tảng khác của ILO là Công ước 105, được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 25-6-1957; đã có 173 nước phê chuẩn. Quốc hội khoá XIV của Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn gia nhập Công ước 105 tại Kỳ họp thứ 9 ngày 8-6-2020. Công ước 105 chứa đựng những quy định thể hiện cam kết mạnh mẽ về việc xoá bỏ ngay lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc: Mọi nước thành viên của ILO phê chuẩn Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó. Mọi thành viên của ILO phê chuẩn Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của lao động cưỡng bức. Điều này thể hiện hành động mạnh mẽ và dứt khoát hơn của cộng đồng quốc tế đối với việc xoá bỏ lao động cưỡng bức.
Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”; “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội” (Điều 14, 15); Đồng thời quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm”; “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động” (Điều 35, Điều 57).
Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội” (Điều 3).
Theo chuyên gia của ILO tại Việt Nam, phạm nhân là những người có quyết định thi hành án của tòa án; việc lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời, họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân. Lao động của phạm nhân là trường hợp ngoại lệ, không bị coi là lao động cưỡng bức theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 2 của Công ước số 29. |
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có đề cập các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, trong đó có quyền được lao động, học tập, học nghề và nghĩa vụ: Chấp hành bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình thi hành án hình sự và các quyết định khác của các cơ quan khác có thẩm quyền; Chấp hành nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án; Chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân; Lao động, học tập, học nghề theo quy định. Điều 30, 32 Luật này cũng có các quy định cụ thể về lao động của phạm nhân. Cụ thể: “Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt”; “Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khoẻ và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hoà nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời gian lao động của phạm nhân không quá 8 giờ trong 1 ngày và 5 ngày trong 1 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật…; “Phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động”; “Phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tuỳ mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động”; “Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây: a) Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khoẻ lao động và được y tế trại giam xác nhận; b) Phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế; c) Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; d) Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động”.
Với quy định trên thì bất cứ phạm nhân nào, là công dân Việt nam hay người nước ngoài, thân phận và địa vị pháp lý của họ ra sao đều buộc phải chấp hành án trong các cơ sở giam giữ phải lao động, học tập, học nghề để trở thành người có ích cho xã hội... Nói cách khác, lao động vừa là quyền, đồng thời là nghĩa vụ của phạm nhân trong quá trình chấp hành bản án của toà án tại các cơ sở giam giữ.
Không có lao động cưỡng bức
Việc lao động của phạm nhân trong trại giam ở Việt Nam được thực hiện bởi Luật Thi hành án hình sự, xuất phát từ phán quyết của toà án (phạm nhân là người bị toà án tuyên là có tội, phải chịu hình phạt và phải thi hành quyết định thi hành án của toà án), đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân... Do vậy, có thể khẳng định lao động của phạm nhân là một trong năm trường hợp “ngoại lệ”, không bị coi là lao động cưỡng bức theo hai Công ước 29 và 105 của ILO.
Lao động của phạm nhân trong trại giam ở Việt Nam cũng đồng thời là một trong các trường hợp “ngoại lệ” được quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 16-12-1966, có hiệu lực từ ngày 23-3-1976. Điều 8 Phần III Công ước nêu: Thuật ngữ “lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức” không bao gồm bất kỳ công việc hoặc sự phục vụ nào mà thông thường đòi hỏi một người bị giam giữ theo quyết định hợp pháp của toà án hoặc một người khi được trả tự do có điều kiện phải làm... (ở những nước còn áp dụng hình phạt tù kèm lao động).
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi việc lao động của các phạm nhân trong trại giam không phải là hoạt động nhằm mục đích kinh doanh mà là hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề. Với phương châm trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân góp phần cải tạo những tư tưởng ăn bám, lười lao động, không biết tôn trọng các sản phẩm lao động, thành những người biết trân trọng giá trị lao động chân chính, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật trong lao động. Đồng thời, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong trại giam còn giúp cho phạm nhân rèn luyện được sức khoẻ, có được định hướng nghề nghiệp, kỹ năng và thói quen lao động, giúp họ sau khi ra trại có thể tìm kiếm việc làm, sớm tái hoà nhập cộng động, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình, không tái vi phạm pháp luật.
Khoản 4, Khoản 6, Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về hai trong các nguyên tắc thi hành án hình sự: “Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án”; “Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo”. |
Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng có quy định về việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ đi các chi phí hợp lý, được sử dụng để: Bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập Quỹ hoà nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động,...
Thống kê tại Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, trong thời gian 10 năm qua (từ năm 2010 đến năm 2019), các trại giam đã tự tổ chức và phối hợp với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị để tổ chức lao động, dạy và truyền nghề cho phạm nhân (đã tổ chức thành công 6.757 lớp dạy, truyền nghề cho 368.183 phạm nhân; cấp chứng chỉ nghề cho 31.044 phạm nhân). Cũng trong vòng 10 năm qua, các trại giam đã trích từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân: 436.380.000.000 đồng để chi thưởng và chi bổ sung mức ăn cho phạm nhân; 109.914.000.000 đồng hỗ trợ phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng; 138.141.000.000 đồng chi tổ chức đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho phạm nhân,...
Việc tổ chức lao động cho phạm nhân xuất phát từ chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta vì chính lợi ích của của phạm nhân, hướng đến mục đích giúp họ cải tạo, hướng thiện. Đồng thời, lao động cũng là cách thức để tạo động lực cho phạm nhân rèn luyện sức khỏe, có nghề nghiệp để có tâm thế chủ động tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Từ cả góc độ pháp lý và thực tiễn, cần khẳng định rõ ở Việt Nam không có lao động cưỡng bức trong trại giam.
Nguyễn Văn Điều
Phó Trưởng phòng, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an