Nằm trong khuôn khổ phần họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện sẽ được trình ra Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF-29) do Quốc hội Hàn Quốc chủ trì tổ chức vào tháng 12 tới, chiều 8-11, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà làm Trưởng đoàn đã tham gia cuộc họp Nhóm thảo luận dự thảo Nghị quyết liên quan đến nội dung nghị sự của Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF-29 do Quốc hội Hàn Quốc chủ trì theo hình thức trực tuyến.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà (ngồi giữa) làm Trưởng đoàn tham gia cuộc họp.
Theo đó, phần họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện sẽ được trình ra APPF-29 sẽ kéo dài từ ngày 8 đến 19-11 với các cuộc họp thảo luận về các dự thảo văn kiện liên quan đến: Vấn đề chính trị và an ninh; nội dung nghị sự của Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF-29; chủ đề hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các vấn đề kinh tế và thương mại; Thông cáo chung APPF-29.
Tại phần họp trực tuyến, Việt Nam đồng bảo trợ 4 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối, đồng bảo trợ cùng với Hàn Quốc, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Phi-lí-pin; Nghị quyết về tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại, đồng bảo trợ cùng Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga; Nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ, đồng bảo trợ cùng Hàn Quốc, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Liên bang Nga; Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi hậu đại dịch, đồng bảo trợ cùng Hàn Quốc, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Liên bang Nga.
Tham gia góp ý vào các dự thảo nghị quyết, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam khuyến nghị cần nhấn mạnh tác động mạnh mẽ và những thách thức mới mà phụ nữ phải đối mặt trên mọi lĩnh vực do tác động của đại dịch COVID-19; Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác phòng chống dịch và các nỗ lực phục hồi hậu đại dịch; Nâng cao sự đại diện và tham gia của nữ nghị sỹ nhằm thúc đẩy sự lãnh đạo và tham gia của phụ nữ trong các quá trình quyết định của nghị viện đặc biệt là các kế hoạch phục hồi hậu COVID-19; Các văn bản luật liên quan đến ứng phó với đại dịch COVID-19 có tính đến bảo đảm về giới; Sự giám sát của Chính phủ trong đại dịch từ góc độ giới. Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi các nghị viện thành viên APPF tăng cường hợp tác, ủng hộ mục tiêu phân phối vắc-xin công bằng, đảm bảo phụ nữ và trẻ em được tiếp cận với vắc-xin một cách bình đẳng và an toàn.
Ngoài ra, Việt Nam khuyến nghị tăng cường triển khai mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới, mục tiêu số 16 về hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ bằng việc tạo thuận lợi cho sự tham gia của phụ nữ vào các cơ chế quốc gia và khu vực để giải quyết các cuộc xung đột, xây dựng hòa bình, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em. Mặt khác, cần thúc đẩy nghị viện tập trung vào các chính sách và chiến lược phục hồi có đảm bảo về giới bao gồm ủng hộ, khởi xướng các hoạt động, thảo luận và ban hành kế hoạch đổi mới pháp luật nhằm thực hiện chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF mới được chính thức thông qua tại Hội nghị APPF-26 tại Việt Nam vào năm 2018, cho thấy ngày càng có nhiều sự quan tâm đối với vai trò của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới trong hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và APPF.
Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 có những tác động làm sâu sắc hơn vấn đề bất bình đẳng giới, phụ nữ khó có cơ hội tham gia vào các cơ chế quyết định chính sách về hòa bình, an ninh. Đại dịch đã làm hạn chế vị thế chính trị, xã hội, kinh tế và việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế của phụ nữ. Trong những năm qua, APPF cũng đã có một số nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, nhưng chưa có nội dung nào liên quan đến chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Trên cơ sở dự kiến chương trình nghị sự của Hội nghị Nữ Nghị sỹ APPF về các giải pháp bảo đảm ứng phó khủng hoảng COVID-19 có tính đến yếu tố giới; đạt được bình đẳng giới thông qua việc nâng cao sự tham gia và sự đại diện của phụ nữ, Đoàn Việt Nam đề xuất dự thảo Nghị quyết thúc đẩy vai trò của nghị viện trong vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19
Trước đó, Việt Nam đã đề xuất dự thảo Nghị quyết “Phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19”. Đây là vấn đề được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, đồng thời thể hiện sự tiếp nối và kết nối với các sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
PV