Không thể lấy các quyền tự do dân chủ bao biện cho nhóm “Báo Sạch”

Luận điệu quy chụp, thiếu thuyết phục

Chiều 28-10, sau hơn 2 ngày xét xử và nghị án, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm "Báo Sạch" tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam. Theo đó, bị cáo Trương Châu Hữu Danh bị kết án 4 năm 6 tháng tù, các bị cáo trong nhóm "Báo Sạch" gồm: Nguyễn Phước Trung Bảo (2 năm tù), Lê Thế Thắng (3 năm tù), Nguyễn Thanh Nhã (2 năm tù) và Đoàn Kiên Giang (3 năm tù) cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".

Ngay sau khi bị kết án, BBC News tiếng Việt đã châm ngòi bằng việc đưa thông tin “Hoa Kỳ nói Việt Nam cần "trả tự do" cho Trương Châu Hữu Danh và nhóm “Báo Sạch””. Bài viết đã dẫn lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho rằng Việt Nam không nên coi truyền thông là "kẻ thù của Nhà nước". Đồng thời nói rằng "Chính phủ nên công nhận các nhà báo công dân và truyền thông độc lập là đồng minh của công tác quản trị Nhà nước tốt".

Cùng ngày, thông cáo của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng đã nêu những luận cứ thiếu khách quan, thể hiện thái độ tiêu cực, sai bản chất về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Bản thông cáo có nêu, Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam kết án các nhà báo thuộc nhóm "Báo Sạch" nhiều năm tù giam vì “lạm dụng tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Lạ lùng thay, ông Ned Price cho rằng, các nhà báo này tập trung vào việc điều tra các báo cáo tham nhũng, điều đương nhiên không phải là một tội. Rồi đứng ra kêu gọi trả tự do cho năm nhà báo và tất cả những người bị bắt giữ không công bằng và cho phép tất cả người dân Việt Nam bày tỏ chính kiến tự do và không sợ bị trừng phạt.

Trước đó, một loạt những tổ chức, cá nhân mang khuynh hướng phản động, bất mãn chính trị, thiếu thiện chí với nhà nước Việt Nam như Việt Tân, RFA, VOA… tung hàng loạt các bài viết đòi lại quyền tự do, công bằng cho nhóm “bè bạn” với giọng điệu hô hào đầy oan ức, bất công “Ước mơ tự do báo chí tan vỡ!” hay “Việt Nam đang bắt giữ các nhà báo độc lập”… Đây là những bài viết mang lớp vỏ bọc đòi “dân chủ nhân quyền” trong khi thực chất, nó là công cụ giúp những thành phần phản động kích động, dụ dỗ, lôi kéo thêm những thành phần chính trị cực đoan, bất mãn tham gia chiến lược “thương vay, khóc mướn” của chúng. Như tổ chức có tên gọi Phóng viên Không biên giới (RSF) đã đứng ra “khóc thuê” đòi trả tự do cho “Báo Sạch” với luận điệu chắc nịch khẳng định, Việt Nam ngăn cản quyền tự do báo chí, hạn chế hoạt động của những kẻ được gọi là “nhà báo tự do” này. Hay cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” cũng núp bóng “bảo vệ nhân quyền” ngày 25-10-2021 ra tuyên bố đầy thách thức kêu gọi trả tự do cho các thành viên nhóm "Báo Sạch". Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 1-11 cũng ra thông cáo có nội dung sai sự thật khi yêu cầu Việt Nam "ngưng đàn áp các nhà báo".

Vẫn giọng điệu “cũ mèm” kêu gọi sự vô tội cho các thành viên “Báo Sạch, phủ nhận mọi thông tin được đề cập trong cáo trạng, quy chụp chính quyền đang “chà đạp” lên cái họ gọi là “tự do ngôn luận” trong khi không đưa ra bất cứ được dẫn chứng vô tội nào. Và đương nhiên ai cũng biết, tổ chức này cũng đã quá quen thuộc khi thường xuyên đưa những thông tin bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch bản chất các vụ việc nhằm chống phá Việt Nam.

Có thể nhận thấy, một phiên toà được xét xử công khai, chứng cứ rõ ràng, tranh tụng dân chủ nhưng lại bị những nhà tự xưng dân chủ nhân quyền ra sức phủ nhận, cố gắng “bẻ lái” dư luận bằng những luận điệu viển vông, vô căn cứ. Thực tế cho thấy, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng cho rằng, việc truy tố các bị cáo là không oan sai vì có nhiều bài viết đã xâm phạm đến các cá nhân, tổ chức. Ngay cả bản thân các bị cáo cũng đã thừa nhận mọi hành vi sai phạm của mình và tỏ ra ăn năn, hối lỗi trước vành móng ngựa. Họ tích cực phối hợp với cơ quan điều tra và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Không thể đặt quyền tự do ngôn luận lên trên pháp luật

Đặt câu hỏi, nhóm “Báo Sạch” có oan không? Có vô tội không? Có đang bị “dẫm đạp” lên quyền tự do ngôn luận như những người “anh em” đang ra sức “kêu gào” đòi quyền tự do thay hay không? Câu trả lời đã quá rõ ràng  “KHÔNG”.

Lật lại quá khứ, với khẩu hiệu “Độc lập với nguồn tin - Kiểm chứng thông tin - Trung lập với chính trị” nghe hết sức văn minh nhưng nhóm “Báo Sạch” lại hoạt động chẳng hề sạch. Họ đã lợi dụng cái họ coi là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tung tin xấu độc, sai sự thật, chưa hề được kiểm chứng hòng hạ bệ, bôi nhọ danh dự của nhiều cá nhân, tổ chức; tuyên truyền những thông tin sai lệch chống Đảng, Nhà nước. Chính điều này đã được “Danh cùng cộng sự” cúi đầu thừa nhận khi đứng trước vành móng ngựa.

Hầu hết bài được viết, đăng tải lên tài khoản cá nhân của Trương Châu Hữu Danh và Fanpage “Báo Sạch”, Group “Làm Báo Sạch”… do Danh và đồng phạm lập ra đều núp dưới danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, đi sâu khai thác mặt trái của xã hội cùng những vấn đề “nóng” đang tồn tại ở các địa phương, trong đó có Cần Thơ. Nhiều bài viết, video thiếu thông tin kiểm chứng, gây hoang mang dư luận mà chính cá nhân các bị cáo thừa nhận đã làm xâm phạm đến quyền lợi của tổ chức, xúc phạm uy tính, danh dự của một số cán bộ lãnh đạo Trung ương và nhiều địa phương, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Bị cáo Trương Châu Hữu Danh đã thừa nhận 31 bài viết phản ánh liên quan đến Cần Thơ là sai sự thật. Chưa kể đến, 51 bài viết của Trương Châu Hữu Danh trên mạng xã hội Facebook đều vi phạm pháp luật, vi phạm các hành vi bị cấm và không chấp hành đúng quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo Nghị định 72/3013 của Chính phủ.

Vậy mà những luận điệu của “những nhà quan sát” hải ngoại vẫn một mực kêu gọi sự vô tội cho hành vi “không sạch” của “Báo Sạch”. Có thể dễ dàng nhận thấy, tựu chung những quan điểm gọi là “khóc thuê” này đều đi theo một mô tuýp chung là lợi dụng việc kêu gọi đòi trả tự do cho nhóm “Báo Sạch” để quy chụp Việt Nam đang mất tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Trên thực tế, ngược lại dòng lịch sử, ngay sau khi nước ta giành được độc lập chủ quyền sau Cách mạng Tháng 8-1945, quyền tự do ngôn luận đã được khẳng định ngay tại Điều 10, Hiến pháp đầu tiên năm 1946, sau đó được tiếp tục ghi nhận trong Điều 25, Hiến pháp năm 1959; Điều 67, Hiến pháp 1980. Đặc biệt, tại Điều 69, Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp thời kỳ đổi mới quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin”.

Đặc biệt, trước đó, ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh về chế độ báo chí, trong đó nêu rõ việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí, ngăn cấm kẻ lợi dụng báo chí làm hại sự nghiệp chung. Sắc lệnh Báo chí năm 1956 đã khẳng định và đánh dấu thắng lợi về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, của nhân dân Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới của nền báo chí nước nhà. Năm 1957, Quốc hội đã lấy Sắc lệnh này làm Luật Báo chí đầu tiên của chế độ ta.

Hiện nay, Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam được quy định rất cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan khi Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Bên cạnh đó, thời gian qua, báo chí Việt Nam có sự phát triển hết sức mạnh mẽ. Có hợp lý hay không khi Việt Nam đang bị mất tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có tới 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập với việc hàng ngày sáng tạo các tác phẩm báo chí đa dạng ở các thể loại và hình thức.

Hiện nay, người dân Việt Nam đang tiếp xúc với hầu hết các nền tảng mạng xã hội hiện hành như Facebook, Twitter, Instagram, Tiktok,…Theo báo cáo của We are Social, tính đến đầu năm 2021, Việt Nam có 68,72 triệu người tiếp cận với in-tơ-nét và có tới 72 triệu tài khoản mạng xã hội hoạt động. Con số này dự đoán sẽ tăng lên đáng kể khi năm 2021, đứng trước đại dịch COVID-19, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam có bước tiến nhanh chóng và thần kỳ hơn bao giờ hết. Giờ đây, mọi người dân đều có thể trở thành những nhà báo, họ có thể tự do thể hiện chứng kiến, quan điểm cá nhân của mình trên mạng xã hội, nhưng họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin họ cung cấp.

Vậy thử hỏi những bằng chứng ở trên đã đủ thuyết phục để đáp trả lại luận điệu Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hay chưa?

Luật Báo chí 2016 có quy định rõ, báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những phạm trù thuộc lĩnh vực nhân quyền. Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) nêu rõ, khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng chính đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội.

Luật pháp của các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều đề cập đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp luật chứ không phải tự do tuỳ tiện, quá giới hạn, vô chính phủ như luận điệu các “nhà dân chủ nhân quyền tự xưng” đang cổ xuý.

Vậy nên không có lý gì mà quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đặt ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, để các cá nhân, tổ chức lợi dụng nó, tự biên tự diễn trong khuôn khổ “luật rừng” của mình.

Đối chiếu với các quy định quốc tế, thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Điều này được minh chứng rõ nhất thông qua việc Việt Nam luôn nỗ lực nghiêm túc thực hiện cam kết, nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Trong đó, đặc biệt coi trọng Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Thành tựu của Việt Nam về công tác nhân quyền tiếp tục được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao tại cuộc Hội thảo quốc tế về xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc do Bộ Ngoại giao phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 14-7-2021 với sự tham dự của hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế.

Luận điểm cho rằng, Trương Châu Hữu Danh là một nhà báo tự do, nhà báo độc lập, Danh cùng đồng phạm chỉ đang thực hiện thiên chức của “những người làm báo” lại trở thành bằng chứng tố cáo sự cổ xuý vô căn cứ của những nhà dân chủ nhân quyền. Bởi thực tế, Danh từng làm việc tại các báo, tạp chí trong quá khứ, tuy nhiên đến tháng 6-2019, Danh bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo do có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thể hiện rõ quan điểm những thành viên của nhóm “Báo Sạch” không thể được coi là những nhà báo. Thông tin về việc này đã được báo chí đưa tin công khai. Quá trình điều tra, xét xử được diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài hành vi bị xét xử theo vụ án này, bị cáo đã từng bị tước thẻ nhà báo từ nhiều năm trước vì có hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng đến cơ quan, doanh nghiệp và người dân. 

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013, các văn bản pháp luật liên quan và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Cũng như tại các quốc gia khác, tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền con người để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Vậy nên thiết nghĩ, các quan điểm đang đứng ra bảo vệ đòi trả lại công bằng cho nhóm “Báo Sạch”, quy chụp Việt Nam vi phạm tự do nhân quyền, tự do ngôn luận cần phải suy xét lại. Hãy đưa ra cái nhìn khách quan, toàn diện, công bằng chứ không phải những bình luận vô căn cứ, sai lệch, gây nhiễu dư luận như hiện tại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất