Nét đẹp bản sắc riêng của văn hoá dân tộc Khơ-me Nam Bộ
Văn hoá Khmer

Dân tộc Khơ-me có nền văn hóa phát triển đa dạng, gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng. Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn.

1. Đồng bào Khơ-me Nam Bộ hầu hết theo đạo Phật thuộc hệ phái Nam Tông (Tiểu thừa) không có Ni sư và chỉ thờ một đức Phật duy nhất. Các nơi có người Khơ-me sinh sống đều có chùa. Xưa nay, chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa - xã hội của người Khơ-me. Trong mỗi chùa đều có một vị sư trụ trì đứng đầu được gọi là “Sư cả” chăm lo về văn hóa - giáo pháp; Ban quản trị chùa chăm lo về đời sống và Achard lo về các lễ nghi. Nam thanh niên Khơ-me trước khi trưởng thành đa số đều vào chùa tu học để trau dồi đạo đức và kiến thức. Hiện nay ở Nam Bộ, có 464 ngôi chùa Khơ-me, riêng ở Trà Vinh có 143 ngôi chùa. Chùa là nơi dạy chữ, văn học cổ truyền - đạo làm người, dạy nghề truyền thống và nghệ thuật kiến trúc dân tộc Khơ-me.

Văn học cổ truyền của dân tộc Khơ-me gắn liền với trình độ phát triển lịch sử xã hội tiền nông nghiệp, sự thăng trầm của đất nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhờ có chủ trương của Đảng, chính sách dân tộc, chính sách văn hóa đúng đắn của Nhà nước ta đối với các dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và đối với dân tộc Khơ-me nói riêng, cùng với sự tiếp xúc trực tiếp giữa các dân tộc, công sức của các nhà khoa học, các cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me mà một phần văn hóa dân tộc Khơ-me được khai thác, giới thiệu, sử dụng, bổ sung đáng kể vào kho tàng văn hóa Việt Nam.

Về phương diện khoa học, qua những nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa học, văn học - nghệ thuật, nhất là văn học cổ truyền cho thấy một điều bất ngờ là những yếu tố bản địa, tiêu biểu ở một số chùa Khơ-me cổ có văn bia như: Chùa Sam Bua Răng Xây ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè; chùa Kanh Chông Phnôm Pênh ở thị trấn Tiểu Cần; chùa Chom Bok Meas (Khươn) ở phường 7, thành phố Trà Vinh và văn hóa “Ốc Eo” ở các điểm như: Thoại Sơn (An Giang); Tân Hiệp (Kiên Giang); Vũng Liêm (Vĩnh Long); Vĩnh Lợi (Bạc Liêu); Lưu Cừ II (huyện Trà Cú) và mới gần đây tại chùa Lò Gạch, xã Lương Hòa, huyện châu Thành, tỉnh Trà Vinh...

Các nhà khoa học xã hội và nhân văn lại một lần nữa được bổ sung những tư liệu vào sử học để hoàn thành các bộ sử đích thực của Việt Nam. Qua những di vật trong lòng đất mà hiểu rõ cuộc sống của con người ở vùng đồng bào Khơ-me.

Những điều hấp dẫn đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa lại là những điều mà lớp trẻ hiện nay không còn thích thú. Một số con em người dân tộc Khơ-me theo học ở các trường phổ thông, khi đến tiết học chữ Khơ-me thì bỏ học, chê bai chữ Khơ-me là khó viết, khó đọc... Những ngôn ngữ, tục ngữ, ca dao, chuyện ngụ ngôn, những pho Sát Tra (văn học cổ truyền viết trên lá buồng), những thiết chế văn hóa truyền thống đã trở nên lạc hậu, những kho tàng văn nghệ dân gian, văn học cổ truyền trong đời sống văn hóa hiện nay mai một dần. Thế nhưng, những di vật quý hiếm ấy lại là báu vật quý giá mà chúng ta cần phải lưu giữ.

Muốn lưu giữ được nhưng báu vật quý hiếm ấy, cần tiếp tục làm công tác sưu tầm, nghiên cứu giá trị văn học dân tộc Khơ-me một các có tổ chức, có hệ thống mang tính logic - khoa học.

2. Trong bất cứ thời kỳ chuyển tiếp nào, từ xưa đến nay, từ nhỏ đến lớn chưa từng thấy lúc nào hơn lúc này, con người cần có một thời gian suy ngẫm, thấm thía với những thất bại, vấp váp, sai lầm, rồi mới tìm ra cái đúng. Mới đây, ngày 19-4-2022 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người DTTS tiêu biểu đã khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS, đặc biệt là các dự án, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam”. Ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me cũng cần phải như thế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan nghiên cứu xã hội và nhân văn cần đề ra những biện pháp cụ thể đối với đồng bào Khơ-me Nam Bộ để có kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, khai thác, lưu trữ văn học cổ truyền, giáo dục đồng bào, phát huy bản sắc dân tộc.

Điều quan trọng hơn cả là khôi phục lại vị trí của tiếng mẹ đẻ gắn liền với văn học cổ truyền và chữ viết trong đời sống văn hóa. Người Khơ-me quan niệm rằng “Chữ mất dân tộc tan! Chữ vinh quang dân tộc thịnh!”. Gần đây, có chỉ thị khuyến khích cán bộ người Kinh học tiếng Khơ-me nhưng việc thực hiện chưa được là bao.

Hiện nay có một số nhà nghiên cứu người Kinh không biết chữ Khơ-me mà lại nghiên cứu về ngôn ngữ Khơ-me thông qua các tài liệu bằng tiếng Pháp, Anh, Nga… và tiếp xúc với những người Khơ-me không biết chữ Khơ-me nên đã vô tình bóp méo ngôn ngữ Khơ-me. Mặt khác, còn đưa ra nhận định sai lạc đa số ngôn ngữ Khơ-me đều vay mượn hoặc dịch từ tiếng Việt sang gây phản cảm, thiếu cả lý luận lẫn thực tiễn. Một điều đáng nói nữa là cán bộ người Khơ-me không biết chữ Khơ-me, từ đó thiếu cán bộ gốc người Khơ-me làm công tác nghiên cứu, quản lý văn hóa, giáo dục. Ngôn ngữ còn, văn hóa còn. Làm sống lại tiếng mẹ đẻ gắn liền với văn học cổ truyền trong đời sống văn hóa, sinh hoạt hằng ngày là điều cần thiết.

Chính vì thế, tỉnh Trà Vinh được Trung ương cho thành lập Khoa Ngôn ngữ, văn hóa - nghệ thuật Khơ-me Nam Bộ trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Điều này tạo thêm nhiều thuận lợi cho con em đồng bào theo học bậc cao. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Trà Vinh có Thông báo số 1078-TB/VPTU, ngày 17-9-2013 đồng ý cho xuất bản đặc san Văn nghệ Trà Vinh chữ Khơ-me. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trực tiếp phối hợp với Chi hội Văn nghệ Khơ-me Trà Vinh đề ra kế hoạch xuất bản 4 số/năm. Đây là ấn phẩm mà Chi hội Văn nghệ Khơ-me Trà Vinh đã khao khát từ bấy lâu nay, để thể hiện rõ sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đối với Chi hội Văn nghệ Khơ-me Trà Vinh nói riêng và với đồng bào Khơ-me Trà Vinh cũng như Khơ-me Nam Bộ nói chung.

Đặc san Văn nghệ Trà Vinh là ấn phẩm chữ Khơ-me đầu tiên và duy nhất ở Nam Bộ, đã phát hành tới 143 ngôi chùa Khơ-me trong tỉnh, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp Văn học nghệ thuật tỉnh, Trường Trung cấp Pali - Khơ-me tỉnh, các trường phổ thông dân tộc nội trú và sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Nhiều tác phẩm văn học cổ truyền của dân tộc Khơ-me được đăng tải trên đặc san bao gồm các phong tục lễ nghi, các tuyển tập Ream Kê, đặc biệt là giáo huấn ca như bài “Parasôtra” mà các vị sư sãi tụng ngâm vào mỗi buổi sáng 14 ngày trong dịp lễ Sen Đôn Ta (Vu lan), khuyên răn tất cả mọi người “Hãy tránh xa các điều ác gây thiệt hại cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Dân tộc Khơ-me có nhiều phong tục, lễ nghi và có nền văn hóa - nghệ thuật rất đa dạng và độc đáo. Các chùa lớn thường có giàn nhạc Pun Peesat (ngũ âm), đội trống Chhay Dăm, đội nhạc dây, đội ghe Ngo... Hằng năm, người Khơ-me có nhiều ngày lễ, ngày hội khác nhau. Đặc biệt là 3 dịp lễ hội lớn trong năm như lễ Sen Đôn Ta (Vu lan), lễ hội Óc Om Bốc (Cúng trăng) và tết Chôi Chnăm Thmây (Nguyên Đán), trong đó, vui nhất là lễ hội Óc Om Bốc - cúng trăng, đua ghe Ngo đã trở thành ngày lễ hội lớn vui chung cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất