Người nghèo được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19

Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc xin. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc-xin COVID-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc-xin COVID-19.

Theo Bộ Y tế, để đạt mục tiêu này và trong bối cảnh vắc-xin về Việt Nam với số lượng lớn trong thời gian tới, chúng ta cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành.

Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế. Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động).

Mở rộng thành 16 nhóm đối tượng tiêm chủng vắc xin

Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc-xin COVID-19 trong năm 2021. Hết quý I/2022, trên 70% dân số được tiêm vắc xin. Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.

Trong Kế hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ: Đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Cụ thể gồm 16 nhóm đối tượng, trong đó có “Cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...); lực lượng công an; quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)…;

Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;

Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc-xin cho Bộ Y tế...”.

Như vậy, nếu trước đây theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, có 8 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin như nhân viên y tế, cán bộ phòng chống dịch, bộ đội, công an, cán bộ sân bay, giáo viên... thì nay đối tượng mở rộng hơn, cụ thể người lao động tự do đã được đưa vào danh sách.

4 nhóm tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vắc-xin

Phạm vi triển khai của chiến dịch tiêm vắc-xin là trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố gồm: (1) Các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch; (2) Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; (3) Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; (4) Các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc-xin theo từng đợt cung ứng vắc-xin theo thứ tự ưu tiên.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất