Người chuyển giới hiện nay đã và đang phải đối mặt với nhiều định kiến xã hội. Việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng cho người có nhận diện giới khác giới tính sinh học hiện có được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn hay không. Tuy nhiên, chuyển giới là một vấn đề pháp lý - xã hội gắn liền với quyền nhân thân của con người nên việc thừa nhận quyền này từ lâu đã gây ra những tranh luận trái chiều ở các quốc gia. Từ việc phân tích nội dung các quy định về quyền chuyển đổi giới tính trong các văn kiện quốc tế về quyền con người đã chỉ ra mức độ ràng buộc và mức độ đáp ứng của các quy định này trong việc bảo đảm quyền của người chuyển giới trong giai đoạn hiện nay.
|
Vấn đề công nhận và đảm bảo quyền của người chuyển giới vẫn đang có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau tại nhiều quốc gia.
|
Chuyển đổi giới tính và vấn đề về quyền của người chuyển giới
Chuyển giới là người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học hiện có của mình. Chuyển đổi giới tính là người chuyển giới được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc người chuyển giới đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính. Kể cả khi có hoặc không thực hiện phẫu thuật, việc đổi tên (gồm cả tên đệm, từ nam sang nữ, từ nữ sang nam) và giới tính trong giấy tờ tuỳ thân thường rất được người chuyển đổi giới tính quan tâm. Điều này là bởi tên và giới tính trong giấy tờ tùy thân là những dấu hiệu cụ thể về mặt xã hội cho thấy giới tính thực hoặc mong muốn về sự thừa nhận giới tính thực của họ. Thêm vào đó, trong trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới, việc này còn là điều kiện giúp họ tránh những rắc rối trong cuộc sống khi có sự mâu thuẫn giữa bản dạng giới mới và tên gọi cùng giới tính trong giấy tờ tuỳ thân.
Người chuyển đổi giới tính còn phải đối mặt với những định kiến của cộng đồng đồng tính nam và đồng tính nữ do bị cho là nguyên nhân gây ra những kỳ thị trong xã hội với cộng đồng LGBTQ+ nói chung. Nhiều người đồng tính cho rằng, những người chuyển đổi giới tính ăn mặc khác với giới tính sinh học của mình (ví dụ như nam mặc giả gái) làm cho xã hội nghĩ người đồng tính nam là thích giả gái và thích phẫu thuật chuyển giới.
Thêm nữa, báo chí truyền thông thường nhầm lẫn về khái niệm cho rằng chuyển giới và đồng tính là giống nhau, khiến cộng đồng người đồng tính muốn xa lánh cộng đồng chuyển giới. Những người chuyển đổi giới tính sinh hoạt lẫn trong cộng đồng người đồng tính thường bị tẩy chay nếu họ thể hiện mình rõ ràng. Một khi quyết định sống thật với bản thân, thể hiện mình khác với giới tính sinh học, người chuyển đổi giới tính bắt đầu quá trình đầy khó khăn và thách thức trong những mối quan hệ với gia đình, trong việc tìm kiếm người yêu và chấp nhận họ, trong việc đối mặt với kỳ thị xã hội và bất bình đẳng, kiếm tìm công ăn việc làm, và rủi ro về sức khỏe.
Bảo đảm quyền chuyển giới là cơ sở góp phần tôn trọng quyền tự quyết, tạo điều kiện cho người có nhận diện giới khác giới tính sinh học hiện có được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn. Tuy nhiên, chuyển giới là một vấn đề pháp lý - xã hội gắn liền với quyền nhân thân của con người chính vì vậy việc thừa nhận quyền này từ lâu đã gây ra những tranh luận trái chiều ở các quốc gia.
Xu hướng thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính với tư cách là quyền con người
Trong những năm gần đây, vấn đề “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới” ngày càng được thảo luận một cách rộng rãi, cùng với đó là vấn đề quyền của những người LGBTQ+ cũng ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong pháp luật quốc tế, hiện nay quyền của người chuyển đổi giới tính được ghi nhận chung trong các văn kiện về quyền của cộng đồng LGBTQ+.
Ngay trong Lời nói đầu của Hiến chương LHQ (1945) đã khẳng định các quyền cơ bản, phẩm chất và giá trị của con người là bình đẳng, không có bất kì sự phân biệt nào. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR, 1948) tiếp tục khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng về quyền và được bảo vệ về nhân phẩm (Điều 1), tất cả thành viên trong gia đình nhân loại đều được hưởng quyền và tự do cơ bản mà không có sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, dòng dõi, hay tất cả những hoàn cảnh khác (Điều 2). Nguyên tắc không phân biệt tiếp tục được ghi nhận trong hai công ước cơ bản về quyền con người là Công ước quốc tế về Quyền chính trị và dân sự 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về Quyền văn hóa, xã hội và kinh tế 1966 (ICESCR). Theo nguyên tắc này, các quốc gia thành viên LHQ phải tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người mà không có bất kì sự phân biệt đối xử và kỳ thị nào, trong đó bao gồm yếu tố “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới”.
Điều 26 của ICCPR nghiêm cấm phân biệt đối xử và bảo vệ bình đẳng cho tất cả mọi người bao gồm cả người chuyển giới. Điều 9 của ICCPR đã giải thích rằng quyền tự do dành cho "tất cả mọi người". Điều 12 của ICESCR được hiểu là công nhận quyền được chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới là một nhóm dễ bị tổn thương cần có sự bảo vệ tích cực của Nhà nước. Tương tự, Ủy ban về Công ước chống tra tấn yêu cầu các biện pháp đặc biệt để bảo vệ người chuyển giới khỏi bị tra tấn theo Điều 2, cũng như cung cấp các cơ chế khắc phục hiệu quả cho các nạn nhân chuyển giới bị tra tấn theo Điều 14 của Công ước.
Trên cơ sở các văn kiện quốc tế về quyền con người, những văn kiện đề cập trực tiếp đến quyền của cộng đồng LGBTQ+ nói chung và quyền của người chuyển đổi giới tính nói riêng đã được thông qua, tiêu biểu là: Tuyên bố về Xu hướng tính dục và quyền con người, được Ủy ban Nhân quyền LHQ thông qua vào tháng 3-2005; Tuyên bố chung về những vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua vào tháng 12-2006; Tuyên bố chung về quyền con người, xu hướng tính dục và bản dạng giới được Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 18-12-2008; Tuyên bố chung về việc chấm dứt các hành động bạo lực và vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới được Hội đồng Nhân quyền thông qua vào tháng 3-2011; Nghị quyết về “Quyền con người, xu hướng tính dục và bản dạng giới” được Hội đồng Nhân quyền thông qua tháng 6-2011; Bộ Quy tắc Yogyakarta về xu hướng tính dục và bản dạng giới, được Hội đồng Nhân quyền thông qua vào ngày 26-3-2007. Nghị quyết về “Quyền con người, xu hướng tính dục và bản dạng giới” được Hội đồng Nhân quyền thông qua vào tháng 10-2014.
Liên quan trực tiếp đến quyền chuyển giới, Uỷ ban Nhân quyền LHQ đã thúc đẩy các quốc gia “thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính được thay đổi giới tính của họ bằng cách cho phép cung cấp cho họ giấy chứng sinh mới”. Cao uỷ nhân quyền LHQ cũng khuyến nghị các quốc gia cần: “hỗ trợ thực thi quyền được thừa nhận về mặt pháp lý giới tính mà họ muốn của người chuyển đổi giới tính và cung cấp những giấy tờ nhân thân chứng tỏ giới tính và tên gọi mà họ mong muốn..”.
Ngày 30-6-2016, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết 32/2 về Bảo vệ khỏi bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới, theo đó bổ nhiệm một Chuyên gia độc lập với nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Việt Nam là một trong những nước bỏ phiếu “thuận” cho nghị quyết này.
Tuy nhiên, Điều 29 của Tuyên ngôn lại cho phép hạn chế: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. Điều này hoàn toàn có thể dẫn tới việc hạn chế quyền của người chuyển giới. Thực tế, những người chuyển giới hiện nay được đối xử như thế nào phụ thuộc và quan niệm xã hội của mỗi quốc gia, vì thế những quốc gia có thể sử dụng điều khoản này để tiếp tục cản trở những người chuyển giới khỏi việc đạt được quyền bình đẳng của họ.
Năm 2017, OHCHR đã đưa ra Tuyên bố cho rằng những người LGBTQ+ được bảo vệ theo Hiến chương LHQ, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và không yêu cầu tạo ra các nghĩa vụ cụ thể mới. Tuy nhiên, việc các quyền LGBTQ+ được ghi nhận bằng cách giải thích các Công ước là không thể tiếp cận và chậm chạp phủ nhận các nhóm thiểu số giới tính và giới tính không được công nhận rõ ràng về quyền và phẩm giá của họ. Do đó, nó cướp đi tiếng nói của họ trong quá trình xây dựng luật pháp quốc tế, liên tục bị gạt bỏ với câu hỏi: quyền LGBTQ+ có phải là quyền con người theo luật quốc tế không?
|
Hội thảo “Quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới trong tố tụng hình sự: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” vào tháng 11-2022.
|
Pháp luật quốc tế đã có sự phát triển khá mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Mặc dù vậy các văn kiện quốc tế về nhân quyền chưa có quy định riêng về quyền được chuyển đổi giới tính. Quyền chuyển đổi giới tính nói chung, quyền chuyển đổi giới tính nói riêng được ghi nhận hàm chứa trong một số quyền con người khác trong đó đặc biệt là các quyền được thừa nhận trước pháp luật, quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử, các quyền về an ninh cá nhân... Trong thực tế, quyền được chuyển đổi giới tính và các quyền liên quan như thay đổi giấy tờ tuỳ thân để có tên và giới tính mới đã được các tổ chức quốc tế và cơ quan nhân quyền LHQ thừa nhận. Tuy nhiên, các nghị quyết và nguyên tắc trên vẫn chỉ là những Tuyên bố và Tuyên bố cam kết giải quyết các quyền của LGBTQ+ nói chung.
Các văn kiện này thường mang tính chất khuyến nghị ít mang tính chất pháp lý bắt buộc. Các công ước quốc tế về quyền con người tạo ra nghĩa vụ bắt buộc cho các Quốc gia không đề cập rõ ràng đến những người LGBTQ+ và những đặc điểm nhận dạng này sau đó đã được giải thích theo hướng mở rộng. Phạm vi bảo vệ được giải thích bao hàm cả cộng đồng LGBTQ+. Tuy nhiên, điều này được đánh giá là chậm chạp và thiếu tính rõ ràng trong việc bảo đảm quyền của người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBTQ+ nói chung. Thực tế, những người chuyển giới hiện nay được đối xử như thế nào phụ thuộc và quan niệm xã hội của mỗi quốc gia, vì thế những quốc gia vẫn có thể sử dụng điều khoản này để tiếp tục cản trở những người chuyển giới khỏi việc đạt được quyền bình đẳng của họ.
TS. Mạc Thị Hoài Thương