Ốt-xtrây-li-a hợp tác với Việt Nam tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới
Đại sứ Andrew Goledzinowski. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Andrew Goledzinowski. Ảnh: TTXVN.

Trong bài viết Đại sứ Andrew Goledzinowski đề cập, trong hợp tác song phương Việt Nam - Ốt-xtrây-li-a, từ năm 2010, hai nước đã bắt đầu khám phá các lĩnh vực có cùng lợi ích chung nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hợp tác phát triển.

Ở thời điểm đó, Việt Nam xếp hạng 72 trên 134 quốc gia trong Báo cáo khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2010 và được xếp hạng 33 về cơ hội và sự tham gia làm kinh tế của phụ nữ. Đây là điều ấn tượng đối với một quốc gia vừa thoát khỏi nghèo đói và chiến tranh, phản ánh văn hóa hỗ trợ dịch chuyển kinh tế và thu nhập độc lập của phụ nữ. Đến năm 2015, Việt Nam đã thành công trong việc giảm 2/3 tỷ lệ tử vong khi sinh và được coi là câu chuyện thành công toàn cầu về bình đẳng giới trong khả năng tiếp cận phổ cập giáo dục cơ bản, ngay cả trong so sánh với những nước có mức thu nhập cao hơn. Ốt-xtrây-li-a xếp hạng 23 trong số 134 quốc gia trong báo cáo năm 2010. Quan hệ đối tác về bình đẳng giới đã có một nền tảng chung tốt đẹp.

Hợp tác sớm tập trung vào quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của phụ nữ. Ốt-xtrây-li-a hỗ trợ cho tổ chức MSI Reproductive Choices trong việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đến các huyện nông thôn và kết nối phụ nữ nông thôn biết đến thông tin, sản phẩm liên quan tới sức khỏe sinh sản, tình dục. Phòng khám của MSI được thành lập bên trong các nhà máy để công nhân nữ có thể tiếp cận. Ốt-xtrây-li-a đồng thời cũng hỗ trợ tổ chức CARE International các dự án tài chính vi mô và tạo thu nhập nhằm nâng cao sinh kế của phụ nữ nông thôn, giúp họ thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực.

Trong thập kỷ này, chương trình Học bổng Ốt-xtrây-li-a Awards hàng đầu của Ốt-xtrây-li-a đã hoạt động để khuyến khích phụ nữ Việt Nam đăng ký cơ hội học tập tại Ốt-xtrây-li-a. Sau các nhóm toàn nam giới ở những năm đầu, đến năm 2014, số lượng nữ giới được nhận học bổng đã vượt qua nam giới, kể từ đó điều này vẫn được tiếp tục. Quan hệ đối tác giáo dục của Ốt-xtrây-li-a với Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo phụ nữ (GeLEAD) tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng phát triển nhằm thiết kế chương trình ngoại khóa, hỗ trợ phụ nữ tham gia các chương trình lãnh đạo.

Việc ban hành Chiến lược Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Ốt-xtrây-li-a năm 2016 đã nâng cao quan hệ hợp tác về bình đẳng giới. Các dự án về bình đẳng giới của hai nước trở nên lớn hơn về quy mô và phạm vi tiếp cận, đồng thời các mối quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với Vụ Bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác.

Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết, sự hợp tác của hai nước trải rộng trên nhiều chủ đề chính sách và khoảng cách giới. Quan hệ đối tác ban đầu của chúng ta về bạo lực trên cơ sở giới bao gồm sự hợp tác của Đại học Flinders với Ngôi nhà Bình yên ở Hà Nội cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Phụ nữ để xây dựng các kỹ năng tập trung vào đối tượng được nhắm đến, hỗ trợ phục hồi tổn thương cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực. Chương trình đã kích hoạt thảo luận về vấn đề thành kiến và đổ lỗi cho nạn nhân, ngay cả giữa các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Ốt-xtrây-li-a tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Tổng cục Thống kê thông qua Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) để có các dữ liệu quan trọng về tỷ lệ bạo lực, vấn đề hạn chế trong việc tìm kiếm hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực và vấn đề bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật ngày càng gia tăng.

Hiện nay, Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a đang tiếp tục hỗ trợ Liên hiệp quốc trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong bài viết, Đại sứ Andrew Goledzinowski viết: "Ốt-xtrây-li-a ủng hộ Việt Nam sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, bao gồm cả hỗ trợ chuyến thăm trao đổi tới Ốt-xtrây-li-a để gặp gỡ các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và các nhà hoạch định chính sách vào năm 2022. Luật này đã được thông qua vào tháng 10 năm ngoái, với số phiếu ủng hộ cao nhất so với bất kỳ đạo luật nào trong năm đó".

Theo Đại sứ Andrew Goledzinowski, Việt Nam được công nhận về khả năng dịch chuyển kinh tế của phụ nữ, vì vậy tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ của quan hệ đối tác giữa hai nước.

“Chúng tôi ủng hộ nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất và phát triển thị trường, đặc biệt là trong nông nghiệp và du lịch ở các tỉnh Lào Cai và Sơn La, đồng thời tháo gỡ các rào cản của họ đối với thông tin, mạng lưới và công nghệ. Chúng tôi có sáng kiến đầu tư có tác động giới để tạo kênh tài chính cho các công ty do phụ nữ làm chủ và chúng tôi làm việc với các công ty trong nước và công ty đa quốc gia tiên phong trong các hoạt động khuyến khích sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ tại nơi làm việc (dẫn đến tăng lợi nhuận) và thay đổi các chuẩn mực xã hội để hỗ trợ cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế với vị thế ngang bằng với đàn ông”, Đại sứ chia sẻ và cho biết hiện phía Ốt-xtrây-li-a đang làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các nội dung liên quan đến sửa Luật Bình đẳng giới, trong đó việc xác định và công nhận bản dạng giới và các quyền không phân biệt giới là một vấn đề chính sách được ưu tiên thảo luận.

Đại sứ Andrew Goledzinowski nhấn mạnh, Ốt-xtrây-li-a cùng với Việt Nam, hiện đang quan tâm đến các khía cạnh về giới trong các chương trình nghị sự ưu tiên cao như biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, số hóa và đổi mới sáng tạo, các hiệp định thương mại và kinh doanh có trách nhiệm. Bằng cách nêu bật những tác động về giới trong các lựa chọn chính sách trong các lĩnh vực này, các quyết định có thể mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội tốt hơn và bảo vệ trước những tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam trên khắp cả nước. Hỗ trợ bình đẳng giới giúp tăng cường sự thịnh vượng và ổn định của đất nước. Điều này cũng khẳng định phẩm giá, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả sự đa dạng của họ.

Đại sứ khẳng định, Ốt-xtrây-li-a rất vinh dự được hợp tác với Việt Nam để tiếp tục hành trình thúc đẩy bình đẳng giới và hướng tới chặng đường tiến đến bình đẳng của hai đất nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất