Phát triển thương mại gắn liền với thúc đẩy nhân quyền

PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tầm quan trọng của các FTA thế hệ mới đối với Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh thị trường gay gắt như hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 17 FTA song phương và đa phương; trong đó, 12 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi, 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Các FTA thế hệ mới khẳng định vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Chúng có nhiều tiêu chuẩn về tự do hóa thương mại gắn với nhân quyền rất cao, ngặt nghèo, nhạy cảm đối với một nước đang phát triển như Việt Nam - vốn chưa thể thực hiện ngay được những tiêu chuẩn nhân quyền như các nước phát triển và đang kiên định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong một thế giới nhiều biến động và phân cực mạnh mẽ như hiện nay.

Các FTA thế hệ mới chính là các hiệp định “WTO cộng”, với những nội dung trước đây từng bị bỏ qua, nay lại cần thiết phải chấp nhận, do bối cảnh thương mại quốc tế đã thay đổi như: sản xuất xanh, quyền sở hữu trí tuệ, tự vệ thương mại, minh bạch hóa và chống tham nhũng, giải quyết tranh chấp thương mại… với các cam kết đều cao hơn so với cam kết WTO. Khi thực hiện các FTA thế hệ mới, nền kinh tế có độ mở rất cao, thương mại hai chiều và đầu tư với các đối tác, thực tế đã đóng góp cao hơn vào tăng trưởng kinh tế, tăng cường giải quyết việc làm…

Ngoài ra, các FTA thế hệ mới giúp nâng cao nội lực để ứng phó tốt hơn với tác động tiêu cực của dịch COVID-19, các diễn biến bất lợi trên thế giới (căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột Nga - U-crai-na và những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân chủ, nhân quyền trong quan hệ quốc tế…). Chúng giúp thể hiện và nâng cao sức mạnh mềm (nguồn lao động, phẩm giá con người, nhân quyền, bản sắc văn hóa…), giúp các đối tác quốc tế, đặc biệt các quốc gia phát triển phương Tây hiểu rõ hơn những thành tựu về nhân quyền ở nước ta.

Thông qua đó, các thế lực cực hữu tại các nước phương Tây cũng không còn chống phá Việt Nam quyết liệt về dân chủ, nhân quyền như trước đây. Với nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các tiêu chuẩn của các FTA, Việt Nam đang tích cực nội luật hóa đồng thời cải thiện các quyền về kinh tế - xã hội phù hợp với các điều ước quốc tế bằng cách tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng việc làm, nâng cao các tiêu chuẩn và môi trường lao động, đời sống của người dân phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.  

Nội luật hóa cam kết theo FTA về quyền con người

Ở nước ta, theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016, ngoại trừ Hiến pháp, quy định của điều ước quốc tế sẽ phải được ưu tiên áp dụng so với pháp luật quốc gia. Điều 6 Luật này ghi nhận trách nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ trong việc xem xét và quyết định cách thức thực hiện đối với từng loại điều ước khác nhau; trong đó, chỉ những điều ước nào qui định đã đủ rõ, đủ chi tiết mới tiến hành áp dụng trực tiếp. Tuy vậy, trên thực tế, hầu hết các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều được thực hiện thông qua cách thức nội luật hóa (chuyển hóa điều ước hay áp dụng gián tiếp).

Để nội luật hóa cam kết với các FTA thế hệ mới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12-11-2018 và Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 8-6-2020, trong đó xác định phải nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản luật như: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015...

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hóa CPTPP và EVFTA. Tương tự như các FTA truyền thống, một số cam kết trong FTA thế hệ mới, như cam kết về ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ, cần được hướng dẫn cụ thể bằng các quy định của pháp luật trong nước để có thể áp dụng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trong đó, cần nhấn mạnh kết quả sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 thành Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 với nhiều điểm mới tiếp cận những giá trị phổ quát về nhân quyền, như hợp đồng lao động có lợi cho người lao động, giải quyết tranh chấp lao động bằng đối thoại, tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp...

Ngoài ra, để tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các FTA, gồm cả FTA thế hệ mới, Việt Nam đã đăng ký tham gia 20 công ước về quyền lao động như Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước về chính sách việc làm; Công ước về lao động hàng hải,....

Công tác nội luật hóa các FTA thế hệ mới, trước hết là CPTPP và EVFTA, liên quan rất nhiều, chẳng hạn đến công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và các công dân quốc gia khác (ICSID) hay các hiệp định và cơ chế hợp tác đa phương về bảo vệ môi trường. Đó là những công ước mà Việt Nam chưa tham gia, nhưng chúng thường được dẫn chiếu khi thực hiện các FTA thế hệ mới khác. Đây là một thách thức và do đó đến nay, công tác nội luật hóa các điều ước quốc tế này vẫn còn bị chậm so với thời hạn cam kết.

Những yêu cầu tiên quyết

Cho đến nay, nội luật hóa các điều ước quốc tế, trong đó có các FTA thế hệ mới đã giúp Việt Nam chủ động thực hiện nghĩa vụ thành viên. Do các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng, yêu cầu cao nên khối lượng công việc nội luật hóa lớn; đặt ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhất là cam kết về những nội dung mới, như: lao động và môi trường với nhiều biến động trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Vì vậy, để phát triển thương mại gắn với thúc đẩy nhân quyền cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cùng với tăng cường nội luật hóa các điều ước quốc tế, đồng thời phải củng cố, phát triển, phát huy các nguồn lực địa - chính trị, kinh tế, văn hóa để chủ động, tích cực tham gia “sân chơi” kinh tế toàn cầu. Thách thức trong công tác nội luật hóa như đề cập ở trên cho thấy, việc thực hiện các cam kết về phát triển thương mại, thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam (cũng như các quốc gia khác) chịu sự tác động tổng hòa của nhiều yếu tố chính trị, pháp lý…, trong đó nổi lên yếu tố quản trị quốc gia (good governance).

Các FTA thế hệ mới, mặc dù là các điều ước quốc tế về thương mại mang tính pháp lý, nhưng việc thực thi phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, như: vị trí, uy tín của quốc gia thành viên. Nhiều đối tác quốc tế, như EU thường mềm dẻo, lựa chọn biện pháp trừng phạt thông qua các cơ chế của LHQ và không nhất quán áp dụng các quy định trả đũa đối với những vi phạm các cam kết về nhân quyền, nhất là ở các nhóm quyền quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, phát triển…, khi đối tác có địa vị chính trị - kinh tế mạnh.

Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh xác lập tính hài hòa hóa giữa các qui định của pháp luật quốc gia với các FTA thế hệ mới, Việt Nam đồng thời phải củng cố, phát huy các nguồn lực địa - chính trị, kinh tế, văn hóa… khi tham gia “sân chơi” kinh tế toàn cầu. Chỉ như vậy mới có thể vừa đẩy mạnh phát triển thương mại gắn với thúc đẩy nhân quyền, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền trong hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nắm vững các thể chế bảo đảm quyền con người trong thực hiện các FTA thế hệ mới để phát triển thương mại gắn với thúc đẩy quyền con người. Đó là ba nhóm cơ bản sau: (i) Nhóm các điều khoản sử dụng các điều kiện (conditional labour provisions) để buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện các cam kết. Nếu các quốc gia thành viên không thực hiện cam kết của mình thì họ có thể phải chịu phạt tiền hay bị trả đũa về thương mại. Nhóm này chủ yếu qui định các tiêu chuẩn liên quan đến bảo đảm quyền lao động và sử dụng các điều kiện để khuyến khích các quốc gia tham gia áp dụng hay thực thi các tiêu chuẩn đó. Quốc gia thành viên thực hiện đúng cam kết sẽ nhận được một số ưu đãi hay lợi ích trong hợp tác kỹ thuật. Trái lại, nếu không áp dụng các tiêu chuẩn trong hiệp định, các quốc gia thành viên khác có quyền thực hiện các biện pháp trừng phạt. (ii) Nhóm những điều khoản thực thi mang tính chất khuyến khích (promotional labour provisions): chiếm khoảng 60% tổng số quy định về lao động trong các FTA thế hệ mới. Những điều khoản này đưa ra một khung khổ đối thoại, hợp tác và giám sát lẫn nhau nhằm cải thiện tiêu chuẩn, điều kiện lao động thay vì gắn việc không thực hiện điều khoản về bảo đảm quyền lao động với hậu quả kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Nhóm điều khoản này có thể được thực hiện ở cả hai cấp độ quốc gia và doanh nghiệp, nhằm đối phó với các hành vi vi phạm quyền con người. (iii) Nhóm các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp các vụ việc trong trường hợp hai bên có phát sinh các bất đồng, cho phép sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp đình chỉ hiệp định hoặc áp dụng các biện pháp trả đũa đối với đối tác.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật. Các điều ước quốc tế như FTA, được ký kết đều nhân danh Nhà nước và có phạm vi cam kết rất rộng, gồm cả các quy chế phi thương mại (lao động, môi trường, nhân quyền…). Vai trò của Quốc hội đối với các điều ước quốc tế, trong đó có các FTA thế hệ mới, thể hiện tập trung chủ yếu ở việc phê chuẩn và “nội luật hoá” các cam kết này thành các quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các chủ thể liên quan ở trong nước để các cam kết quốc tế tác động và phát huy hiệu lực thực tế trong phát triển thương mại gắn với thúc đẩy nhân quyền.  Do đó, cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bãi bỏ các quy định pháp luật không còn phù hợp và ban hành những văn bản pháp luật tương thích với các điều ước quốc tế, bảo đảm thực hiện đúng theo luật quốc tế có liên quan đến các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã và sẽ ký kết. Trong đó, phải chú trọng tham gia hay cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật tương thích với những công ước thường được dẫn chiếu khi thực hiện các FTA thế hệ mới, như ICSID… Tiếp tục thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành Trung ương và địa phương với doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác và trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các doanh nghiệp và chính phủ các quốc gia thành viên, với Ủy ban Thương mại quản lý giám sát việc thực hiện CPTPP, EVFTA… và với ILO, tổ chức LHQ, để chủ động ứng phó với các tình huống khó khăn, thách thức mới phát sinh, nhằm thực hiện hiệu lực, hiệu quả quá trình phát triển thương mại gắn với thúc đẩy nhân quyền trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất