Quyền bình đẳng vắc-xin vì miễn dịch cộng đồng


Việt Nam đang quyết tâm đến đầu năm 2022, 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Để tích lũy của người dân không vô nghĩa

Theo dữ liệu mới nhất được cập nhật tại Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, tính đến ngày 18-8-2021, toàn quốc đã tiêm được trên 15,5 triệu liều vắc-xin COVID-19, trong đó TP. Hà Nội đã tiêm hơn 1,75 triệu mũi (hơn 25% dân số Hà Nội từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 mũi vắc-xin COVID-19). Tỷ lệ này ở TP.HCM là hơn 51%, Long An 21%, Bình Dương là hơn 19%, Vĩnh Long 18%, Cần Thơ 16,05%. Hiện cả nước có hơn 1,4 triệu người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19.

Trong chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 từ nay đến hết năm 2021 và sang đầu năm 2022, Việt Nam đang vấp phải những khó khăn không hề nhỏ. Đó là việc không dễ mua được vắc-xin do nhu cầu toàn cầu quá cao trong khi nguồn cung có giới hạn; trong nước hiện vẫn chưa sản xuất được vắc-xin nội địa. Các hãng lớn như Pfizer mới chỉ đàm phán với các chính phủ, không chấp nhận nhập lẻ qua các công ty nhỏ.

Trong khi đó, vắc-xin lại có nhiều loại khác nhau, nhu cầu các nhóm tiêm cũng khác nhau. Vắc-xin là loại dược phẩm đặc biệt, bảo quản đặc biệt, phân phối đặc biệt và sử dụng cũng đặc biệt. Việc ngay lập tức tổ chức các điểm tiêm không khó nhưng công tác theo dõi, xử trí phản ứng bất lợi sau tiêm và đảm bảo an toàn tiêm chủng phải do đội ngũ có chuyên môn thực hiện. Điều đáng lo nhất là khi tỉ lệ tiêm chủng đạt cao, dịch bệnh giảm, sẽ xuất hiện nhiều nhóm bài trừ vắc-xin và tạo nên ngưỡng bão hòa của nhu cầu vắc-xin, điều này đã gặp ở hầu hết các quốc gia thể hiện qua việc tỉ lệ tiêm chủng chưa vượt qua nổi ngưỡng 60%.

Thực tế triển khai vắc-xin tại Việt Nam cho thấy, hiệu quả của vắc-xin đạt được là rất cao, đặc biệt trong dự phòng các biến thể nặng và nhập viện, lên đến trên 90%. Hiện tại chưa có trường hợp nào tiêm đủ hai mũi vắc-xin tại Việt Nam mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, không có vắc-xin nào bảo đảm việc không bị lây nhiễm bệnh. Về cơ bản, vắc-xin đã thể hiện được giá trị bảo vệ, phòng cả thể nặng cũng như hạn chế lây nhiễm thứ phát. Đó chính là cơ sở cho việc mở cửa sau này khi cộng đồng đạt độ bao phủ cao với vắc-xin.

Mặt khác, dù đang hết sức tích cực trong chống dịch, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế mà để điều này khả thi thì vũ khí vắc-xin là không thể thiếu, đặc biệt là để bảo vệ các nhóm yếu thế, nhóm lao động, dân nghèo trong khi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội còn hạn chế và COVID-19 có thể cướp đi cuộc sống còn khó khăn của họ, biến những giá trị tiết kiệm, tích lũy của họ nhiều năm liên tục thành không còn gì cả.

Yếu tố bảo đảm cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Chính bởi các vấn đề trên, chiến lược vắc-xin cho Việt Nam phải bảo đảm được các nội dung chủ chốt sau:

Thứ nhất, tăng cường hoạt động “ngoại giao vắc-xin” song song với việc phát triển vắc-xin nội địa. Kinh nghiệm từ công tác kiểm soát và khống chế những bệnh có thể phòng bằng vắc-xin từ trước đến nay cho thấy, chỉ khi bảo đảm nguồn cung về vắc-xin một cách ổn định và chủ động về vắc-xin thì mới có thể khống chế và kiểm soát bệnh một cách triệt để. Những bước đi nhanh và mạnh trong thời gian qua của các công ty vắc-xin trong nước đã thể hiện trách nhiệm của họ trong việc sớm có được sản phẩm hiệu quả cao của Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cho người dân trong nước. Tuy vậy, việc phát triển vắc-xin cũng như nhập khẩu phải bảo đảm cân bằng và có kế hoạch, tránh tình trạng thừa vắc-xin như một số nước phương Tây đang gặp phải. Khi bão hòa nhu cầu, vắc-xin lại phải đem đi cho các nước khác vì thời hạn sử dụng của vắc-xin thường ngắn.   

Cần giải phóng vắc-xin nhanh chóng thông qua việc triển khai tiêm phòng nhanh nhất qua cả kênh công lập và tư nhân với nhiều phương thức triển khai. Hiện nay, với sự vào cuộc của khối các bệnh viện thì việc triển khai 2-3 triệu liều tiêm mỗi ngày không phải quá khó. Tuy nhiên vấn đề bảo đảm an toàn tiêm chủng cũng như phân luồng đối tượng hiện nay đặt các cơ quan chuyên môn và quản lý vào một bài toán khó. Việc ban hành bộ tiêu chí về điểm tiêm an toàn cũng như kiện toàn mạng lưới cấp cứu chuyên môn cao tới tận tuyến huyện là việc cần sớm được thực hiện.

Thứ hai, ưu tiên tiêm phòng cho các nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao. Đây là những nhóm người mà đặc điểm nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều người và có thể bị lây nhiễm cũng như là nguồn lây nhiễm nguy hiểm. Các khu vực có dịch cũng là nơi cần ưu tiên tiêm phòng tuy nhiên chiến lược thông minh là tiêm chủng bao vây khu vực đang dịch thay vì tiêm tại nơi đang xác định dịch bùng phát bởi vắc-xin không có tác dụng điều trị. Như vậy, việc xác định vùng đặc biệt nguy cơ, vùng đệm, vùng an toàn là vô cùng quan trọng trước khi lập kế hoạch tiêm chủng tại vùng dịch.

Ưu tiên tiêm phòng cho các nhóm dễ bị tử vong và diễn biến nặng nếu mắc COVID-19. Các nhóm lao động thiết yếu, người lao động chính, các nhóm dân số hoặc khu vực có đóng góp kinh tế lớn cũng cần được ưu tiên tiêm phòng nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh trong khu vực nhà máy, hạn chế tối đa sự đứt gãy của các chuỗi sản xuất.

Thứ ba, tạo nhu cầu, đẩy mạnh sự tham gia và truyền thông cộng đồng. Thực tế là nhu cầu được tiêm vắc-xin trong giai đoạn dịch đang bùng phát là rất cao. Hiện tượng tranh giành để được tiêm trước đã xuất hiện ở một số điểm tiêm. Tại Việt Nam, việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tiêm chủng có cả các lực lượng vũ trang giúp bảo đảm phân phối an toàn vắc-xin và bảo đảm an toàn trong triển khai chiến dịch. Tuy nhiên, vào nửa sau của chiến dịch khi tỉ lệ tiêm đã cao thì công tác truyền thông cũng hết sức quan trọng để không để lại khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng do vấn đề từ chối vắc-xin.

Với sự hình thành Quỹ vắc-xin, đây là cơ sở để người dân được tiêm miễn phí và bảo đảm sự công bằng, bình đẳng và an sinh xã hội trong bối cảnh COVID-19. Hiện nay, cơ sở dữ liệu về sức khỏe và dân cư hiện chưa được hoàn thiện nên thông tin về đăng ký và phân bổ vắc-xin chưa được tối ưu hoá. Điều này cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị đặc biệt là bảo hiểm y tế và công nghệ thông tin. Tuy nhiên việc tồn tại quá nhiều phần mềm cũng như thiếu sự chia sẻ dữ liệu gốc về dân cư sẽ là những tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới. Với những nỗ lực như hiện tại, chiến lược tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam sẽ bảo đảm số liều tiêm và tiến độ, tuy nhiên chúng ta cần sự linh hoạt để điều chỉnh các quyết định kịp thời dựa trên tình hình thực tiễn.

Thứ tư, các chuỗi cung ứng vắc-xin cũng cần kiện toàn. Hiện tại, hệ thống dây chuyền lạnh của tiêm chủng mở rộng cũng đã cũ, số lượng tủ lạnh trên 10 năm tuổi khá nhiều. Nhiều tỉnh vẫn có tâm lý lệ thuộc vào sự cung cấp của chương trình quốc gia dẫn tới sự thiếu chủ động trong hệ thống bảo quản vắc-xin. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tiêm chủng khi số lượng vắc-xin chuyển về tỉnh còn bao gồm cả vắc-xin dùng trong tiêm chủng thông thường. Không phải vì tập trung quá mức vào tiêm vắc-xin COVID-19 mà quên đi hoạt động tiêm chủng thường xuyên để bảo vệ đối tượng trẻ em trước những bệnh lý nguy hiểm của trẻ nhỏ. Chính những bệnh lý nguy hiểm này nếu thiếu đi vắc-xin phòng bệnh sẽ tạo ra tình trạng "dịch chồng dịch" dẫn tới rối loạn hệ thống y tế.

Cuối cùng, để có sự thành công của chiến dịch tiêm chủng, sự đồng thuận và ủng hộ từ toàn thể người dân là điều kiện tiên quyết. Ngoài việc bảo đảm 5K, việc cung cấp thông tin chuẩn xác về tình trạng sức khỏe và đối tượng tiêm chủng giúp cho các cơ quan chức năng tính toán và lập kế hoạch sát nhất cho chiến dịch. Khi đến lượt đi tiêm, tuân thủ đúng các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch và thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà theo đúng hướng dẫn cũng là những đóng góp cho sự thành công chung của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất