|
Ảnh minh họa.
|
Bảo đảm quyền có mức sống thích đáng ở Việt Nam
Là quốc gia thành viên của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Việt Nam cam kết bảo đảm cho mọi người dân các quyền được công nhận trong Công ước, trong đó có quyền về mức sống thích đáng. Phù hợp với Cương lĩnh 1991, và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng, Hiến pháp năm 2013 chế định cụ thể quyền có mức sống thích đáng gồm: quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ (Điều 32); quyền sử dụng đất (Điều 54) quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Điều 35); quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế (Điều 38)... Đồng thời, Điều 57 cũng chế định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền có mức sống thích đáng.
Trên cơ sở đó, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đề ra phương châm bảo đảm quyền có mức sống thích đáng theo hướng: Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “…thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội… Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Đồng thời, “đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”.
Những quyền hiến định và đường lối, chủ trương của Đảng về mức sống thích đáng được thể chế hóa cụ thể trong pháp luật, chính sách về kinh tế và xã hội, như trong Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững...
Công cuộc đổi mới, trước tiên là đổi mới kinh tế, đã từng bước nâng chuẩn nghèo và nâng cao được thu nhập bình quân theo đầu người. Việt Nam đã về đích về giảm nghèo trước 2 năm so với cam kết với quốc tế; là 1 trong 6 quốc gia thực hiện sớm nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo của Liên hiệp quốc (LHQ) giai đoạn 2001-2015.
Ngày 27-1-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng; tiêu chí mức độ thiếu hụt 6 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt 6 dịch vụ xã hội cơ bản gồm 12 chỉ số: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,23% (giảm 0,52% so với năm 2020). Cuối năm 2022, dự kiến tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,2%. Hiện nay, “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Chương trình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm.
Quyết định 90/QĐ-TTg (năm 2022) quy định các chi tiêu cần đạt được đến năm 2025 như sau: (1) Chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm,… (2) Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống dưới 34%. (3) Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%. (4) Chiều thiếu hụt về nhà ở: Tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai... (5) Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. (6) Chiều thiếu hụt về thông tin: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững...
Giải pháp bảo đảm quyền có mức sống thích đáng
Bảo đảm quyền có mức sống thích đáng ở nước ta hiện vẫn còn một số thách thức lớn như: Cơ sở dữ liệu về người nghèo chưa được cập nhật thường xuyên, chưa phản ánh đúng thực tế; việc ban hành số lượng chính sách, chương trình nhiều đã và đang gây ra sự đan xen, chồng chéo về đối tượng thụ hưởng; cách thức, định mức hỗ trợ thiên về bao cấp, chưa thúc đẩy người nghèo nỗ lực tự phát triển… Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và đáp ứng những đòi hỏi mới, cần có những giải pháp sau:
Đổi mới nhận thức về xóa đói giảm nghèo: Không coi xoá đói giảm nghèo là một gánh nặng của phát triển; từ đó nảy sinh quan niệm phiến diện và có khi sai lầm, như “xin - cho”, “bao cấp”… Cách tiếp cận tích cực là: xóa đói giảm nghèo là một cách thức đặc thù của quá trình phát triển bền vững, cho các nhóm yếu thế; từ đó nâng cao được mức sống và bảo đạt được sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.
Đổi mới và thực hiện chuẩn nghèo để không bị rơi xuống mức đói nghèo và sẵn sàng vươn lên mức sống khá giả hay giàu có trong khuôn khổ pháp luật: Theo xu thế chung của thế giới, mức sống không chỉ là đủ ăn mà còn được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội. Trong chuẩn nghèo đa chiều, ngoài tiêu chí về thu nhập, còn bổ sung tiêu chí về mức sống, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở… thông qua việc xây dựng: chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách, chuẩn mức sống trung bình (về thu nhập); chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chưa tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản.
Rà soát dữ liệu về người nghèo và chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với họ nhằm thực thi tốt việc bảo đảm quyền có mức sống thích đáng phù hợp với các vùng miền. Cần rà soát, nắm chính xác cơ sở dữ liệu về người nghèo (số lượng, cơ cấu độ tuổi, dân tộc, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, vùng miền…), đặc biệt phân loại các nguyên nhân dẫn đến nghèo (bệnh tật nan y, thiếu vốn, lười lao động, mất sức lao động…) để đề ra những giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Rà soát chính sách đối với người nghèo, để phân công rõ trách nhiệm của mỗi ngành, đồng thời tăng cường phối hợp của mỗi ngành với địa phương, cơ sở để không bị lúng túng, chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Đối với mỗi chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 2 chương trình “Giảm nghèo bền vững” và “xây dựng nông thôn mới”, cần thể chế hóa cụ thể bằng chủ trương, chính sách, cơ chế, nguồn lực để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; đồng thời xác định quyền hạn, trách nhiệm cho một vài tỉnh, thành có chức năng điều phối liên kết nội vùng.
Chú trọng cải thiện vốn sinh kế của người nghèo. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến nâng cao vốn con người (trình độ học vấn, sức khỏe, kinh nghiệm sản xuất, kỹ năng tay nghề…) để đảm bảo vốn tự nhiên và vốn xã hội của người nghèo. Đồng thời nên có cơ chế thu hút nguồn tiền gửi của người di cư để đầu tư vào phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần thực hiện thành công Chương trình giảm nghèo bền vững ở nông thôn.
Đối với người nghèo, cần có giải pháp “2 trong 1”: vừa cho “con cá”, vừa cho “cần câu” và giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa “con cá” và “cần câu”. Một giải pháp căn cơ là tạo việc làm cho người nghèo thông qua phát triển kinh tế hộ gia đình; đẩy mạnh đào tạo nghề kết hợp tạo việc làm như: Phát triển hệ thống thông tin thị trường việc làm để người nghèo dễ cập nhật; triển khai thực hiện tốt các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cải thiện các nguồn tín dụng và vốn vay ưu đãi...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là tại các vùng khó khăn theo 3 nhóm: (i) Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tham gia trợ giúp xã hội để có thu nhập ổn định; (ii) Chính sách hỗ trợ tiếp cận BHXH, thất nghiệp và y tế; (iii) Chính sách trợ giúp xã hội khi gặp các rủi ro mất việc làm tạm thời hoặc vĩnh viễn nguồn thu nhập và tiếp cận hệ thống dịch vụ xã hội.
Đẩy mạnh “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” để cùng với “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững” đẩy mạnh công tác bảo đảm quyền có mức sống thích đáng cho cư dân nông thôn. Chính quyền cấp cơ sở ở nông thôn cần phát huy tính tích cực của người nghèo trong quá trình ban hành và thực thi chính sách liên quan đến giảm nghèo. Lắng nghe tiếng nói từ chính người nghèo trong hoạch định, thực thi, giám sát xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia của họ phải phù hợp với hoàn cảnh cũng như nhu cầu của họ. Qua đó sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát và quản lý các nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo nhằm xây dựng nông thôn mới có lợi cho họ và tránh thất thoát và tham nhũng.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu hoạch định và thực thi chính sách, chương trình giảm nghèo. Thực tế cho thấy, có một số chính sách, biện pháp quản lý được hoạch định chưa phù hợp với thực tế và gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Vì thế đội ngũ cán bộ làm công tác này cần phải nghiên cứu, tiếp cận thực tiễn; thường xuyên có ý thức tự nâng cao trình độ tác nghiệp và tích cực lắng nghe tiếng nói người dân, nhất là người nghèo. Đồng thời, có biện pháp, chế tài đối với những cán bộ này khi tham mưu chính sách, biện pháp quản lý không phù hợp.
Quyền có mức sống thích đáng được bảo đảm ở các phương diện: quyền thoát nghèo, bảo đảm sinh kế và được cải thiện đời sống để không bị rơi xuống mức đói nghèo và sẵn sàng vươn lên mức sống khá giả hay giàu có trong khuôn khổ pháp luật; quyền được tiếp cận với các nguồn lực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở những địa phương đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS; quyền được tiếp cận với cơ hội sinh kế, nhất là việc làm; quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; quyền được tiếp cận với nhiều hình thức an sinh xã hội (bảo hiểm, trợ giúp, dịch vụ...); quyền được trợ giúp pháp lý; quyền được tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị. |
PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn