|
Hội nghị tập huấn kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh
|
Tiếp cận công lý - quyền cơ bản của con người
Công lý là một khái niệm xuất hiện sớm trong chiều dài lịch sử của nhân loại. Đây là một trong những giá trị cốt lõi, nền tảng để thực hiện quản lý xã hội vì lợi ích của nhân dân. Công lý trước hết là sự tôn trọng tự do, các quyền cá nhân, con người và phẩm giá con người như những mục đích tự thân. Ở mỗi khu vực địa lý, văn hóa, lịch sử và pháp luật khác nhau, khái niệm này có sự khác nhau nhất định.
Trong cuốn từ điển Luật Black, “công lý” là “sự công bằng và hợp lý, với ba ý niệm cơ bản: sự nhấn mạnh về tầm quan trọng cá nhân, yêu cầu các cá nhân phải được đối xử một cách phù hợp, không thiên vị và bình đẳng”. Quan điểm của Liên hiệp quốc (LHQ), "công lý" là “sự bảo vệ xác đáng các quyền của con người và đồng thời chống lại những hành động ngược đãi đến các QCN một cách công bằng và có trách nhiệm. Công lý bảo vệ quyền của các bị cáo, lợi ích của các nạn nhân nói riêng và hơn hết là bảo vệ cho sự ổn định của xã hội nói chung”; quyền tiếp cận công lý là quyền cơ bản của con người và là phương tiện để thực hiện các QCN khác. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền tiếp cận công lý, song các định nghĩa đều tập trung vào hai cách hiểu chính:
Thứ nhất, quyền tiếp cận công lý được hiểu theo tính truyền thống, gắn liền với hoạt động TTHS, chính là quyền được xét xử công bằng. Theo đó, nội hàm của quyền này bao gồm các bảo đảm pháp lý về mặt tố tụng như: bình đẳng trước Tòa án, quyền được xét xử công khai bởi một tòa án không thiên vị, quyền được bào chữa, quyền được kháng cáo…
Thứ hai, quyền tiếp cận công lý được hiểu là quyền tìm kiếm sự đền bù hoặc khắc phục những bất công, thiệt hại của một cá nhân hay một nhóm người, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương. Những bất công hoặc thiệt hại đó có thể do cá nhân hoặc pháp nhân gây ra, đa dạng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ giới hạn trong TTHS. Sự tìm kiếm này được thực hiện thông qua việc tiếp cận với các thiết chế chính thức hoặc không chính thức (không chỉ phụ thuộc vào hệ thống cơ quan tư pháp mà liên quan đến các cơ quan, tổ chức khác; không chỉ sử dụng việc tranh tụng tòa án để giải quyết mà còn sử dụng nhiều biện pháp khác như: hòa giải, trọng tài….
Theo đó, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã đưa ra khái niệm “tiếp cận công lý” là “khả năng của con người trong việc tìm kiếm và yêu cầu một biện pháp để bảo vệ cho quyền lợi của mình thông qua cơ quan tư pháp chính quy hoặc không chính quy, trên tinh thần tuân thủ các tiêu chuẩn của QCN”. Các cơ quan không chính quy được nhà nước công nhận, hỗ trợ, bổ sung cho hệ thống toà án. UNDP cho rằng, việc bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân, đặc biệt là những nhóm xã hội yếu thế, là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà nước.
|
Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng ven biển Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu
|
Theo Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, các nội dung cốt lõi của quyền tiếp cận công lý bao gồm: quyền được xét xử công bằng bởi một thủ tục TTHS; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm; quyền được suy đoán vô tội; quyền được bào chữa và biện hộ, quyền không bị xét xử quá mức chậm trễ; quyền kháng cáo bản án để xét xử phúc thẩm, quyền được nhanh chóng minh oan, quyền không bị kết tội hai lần về cùng một hành vi. Trên cơ sở xác định tiếp cận công lý là một quyền cơ bản của con người, UNDP cho rằng ba yếu tố nền tảng bảo đảm cho quyền tiếp cận công lý gồm:
Thứ nhất, sự bảo vệ pháp lý. Đây là nền tảng đầu tiên để bảo đảm tiếp cận công lý, bởi vì chỉ khi có một khuôn khổ các quyền và nghĩa vụ pháp lý, mọi người mới có cơ sở bảo đảm quyền, tự do cơ bản và tìm kiếm sự đền bù cho những thiệt hại mà họ đang gặp phải một cách hợp pháp, công bằng.
Thứ hai, khuôn khổ thiết chế. Được tạo lập bởi hệ thống tư pháp như: Tòa án, cơ quan công tố, cơ quan điều tra… và hệ thống các cơ quan giám sát như: tổ chức xã hội, cơ quan dân cử… với nhiệm vụ là đưa ra những giải pháp giải quyết tranh chấp công bằng theo pháp luật theo vai trò, chức năng, quyền hạn của mình.
Thứ ba, khả năng đòi hỏi và theo đuổi vụ việc của người dân. Điều này cần gắn với hai yếu tố: sự hiểu biết pháp luật của quần chúng và hệ thống trợ giúp, tư vấn pháp lý. Người dân cần có kiến thức về các quyền và cơ chế bảo vệ quyền thì mới có đủ khả năng thực hiện tiếp cận công lý. Đồng thời, Nhà nước và các tổ chức xã hội phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm người dân được tiếp cận công lý hiệu quả và công bằng.
Ở Việt Nam, khái niệm “quyền tiếp cận công lý” không được Hiến pháp và pháp luật trực tiếp ghi nhận, nhưng các nội dung của quyền này đã được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau; nội hàm và cách tiếp cận có sự tương thích cao với hệ thống pháp luật quốc tế. Trong Hiến pháp năm 2013, quyền tiếp cận công lý được thể hiện qua bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); quyền được xét xử công bằng, công khai, nhanh chóng bởi tòa án (Điều 31). Trên cơ sở đó, các văn bản luật chuyên ngành đã cụ thể hóa các quy định trên vào các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trong bảo vệ QCN cho nhóm người dễ bị tổn thương như: Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017…
Quyền tiếp cận công lý trong pháp luật Việt Nam
Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện cải cách tất cả các lĩnh vực, trong đó có cải cách tư pháp, hướng tới xây dựng nền tư pháp “trong sạch, vững mạnh, dân chủ, công bằng, công lý”. Trong pháp luật TTHS, vấn đề này trước hết đã được định hình và ghi nhận trong các nguyên tắc cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất, lần đầu tiên “bảo vệ công lý”, “bảo vệ QCN” được quy định là một trong các nhiệm vụ của pháp luật TTHS Việt Nam (Điều 2 Bộ luật TTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021), với mục đích vừa đấu tranh, ngăn ngừa và xử lý tội phạm vừa bảo vệ QCN, quyền công dân khi tiến hành các hoạt động tố tụng.
Thứ hai, Bộ luật TTHS đã tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm và những điểm hợp lý của mô hình TTHS tranh tụng thể hiện qua một số nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13); nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 16); nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 20).
Thứ ba, bản chất của “công lý” đã được phản ánh khá đậm nét trong hoạt động TTHS. Nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong TTHS (Điều 7), là nguyên tắc hiến định, đặt nền tảng cho mọi hoạt động TTHS. Theo đó, mọi chủ thể TTHS, nhất là các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ qui định của pháp luật khi tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, các nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm con người và quyền được xét xử công bằng, công khai, dân chủ cũng thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ QCN thông qua nội luật hoá các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ tư, nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26) góp phần đưa tính chất tranh tụng của mô hình tố tụng của Việt Nam mang tính thực tiễn; bảo đảm tính công khai, dân chủ của TTHS cũng như các phán quyết của tòa án được công bằng, từ đó bảo vệ công lý, bảo vệ QCN trong hoạt động tố tụng. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, khách quan, toàn diện vụ án theo chức năng, nhiệm vụ được giao, mà còn có trách nhiệm bảo vệ QCN, quyền công dân, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Thứ năm, nguyên tắc “bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động TTHS” (Điều 31) khẳng định việc tôn trọng, bảo vệ QCN được thực hiện bằng cơ chế hữu hiệu của TTHS; đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thực hiện yêu cầu bồi thường khi gây ra thiệt hại cho người bị thiệt hại; góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và người có thẩm quyền. Việc giải quyết bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Thứ sáu, nguyên tắc “bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong TTHS” (Điều 32) là nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động TTHS của các chủ thể có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự, góp phần bảo đảm tính khách quan, hợp pháp, hợp lý trong hoạt động tố tụng.
Thứ bảy, nguyên tắc “kiểm tra, giám sát trong TTHS” (Điều 33). Tất cả các hoạt động TTHS ở mọi giai đoạn tố tụng đều phải được kiểm tra, giám sát, bao gồm: kiểm tra, kiểm soát từ bên trong (giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng), giám sát từ bên ngoài thông qua chức năng của cơ quan đại diện, tổ chức và người dân đối với mọi hoạt động tố tụng.
Thứ tám, Bộ Luật TTHS đã quđịnh thời hạn tương ứng với các giai đoạn, hoạt động, hành vi tố tụng của các chủ thể, từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho đến khi giải quyết xong vụ án để bảo đảm sự thật vụ án được tìm ra nhanh chóng. Khi thấy hồ sơ thiếu chứng cứ quan trọng mà chưa thể buộc tội, kết án được thì Toà án hoặc Viện kiểm sát có quyền trả hồ sơ để yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu, vừa “không để lọt tội phạm” nhưng cũng “không làm oan người vô tội”.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế pháp luật và thiết lập một hệ thống thiết chế bảo vệ quyền tiếp cận công lý qua các nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTHS Việt Nam, việc nâng cao năng lực, nhận thức của người dân cũng đóng vai trò quan trọng, bởi thiếu nhận thức về pháp luật là trở ngại lớn đối với việc tiếp cận với công lý. Do vậy, cần xây dựng các chính sách hướng dẫn và cơ chế đối thoại để phục vụ cho nhu cầu tiếp cận công lý của người dân; các thông tin pháp lý cần dễ hiểu, dễ tìm kiếm, tăng cường nhận thức, có tình cập nhật, chú trọng cho nhóm người yếu thế, dựa trên đặc điểm về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa để nâng cao hiệu quả tiếp nhận thông tin.