Chính sách nhất quán
Trải qua nhiều năm tháng đấu tranh gian khổ để giành độc lập, bảo vệ quyền tự quyết, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, hơn ai hết đất nước ta thấu hiểu, đề cao và trân trọng quyền con người và luôn xác định bảo đảm quyền con người là mục tiêu xuyên suốt của mọi chủ trương, chính sách.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân. Dân là gốc chính là phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn quyền làm chủ của nhân dân”.
Trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam luôn nỗ lực nghiêm túc thực hiện cam kết, nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Trong đó, đặc biệt coi trọng Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ (HĐNQ LHQ).
Đây là một trong những cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ LHQ, được ra đời từ năm 2008 với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, không phân biệt, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết quốc tế về quyền con người.
Đồng hành với UPR kể từ khi cơ chế này được thành lập, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận trong cả ba chu kỳ.
Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cơ chế UPR vào tháng 5-2009, nhận được 123 khuyến nghị từ 60 nước, trong đó chấp thuận 96 khuyến nghị (hơn 78%). Tại UPR chu kỳ II diễn ra vào tháng 2-2014, Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị từ 106 nước, trong đó chấp thuận 182 khuyến nghị (hơn 80%). Tại UPR chu kỳ III vào tháng 1-2019, Việt Nam nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước, trong đó chấp thuận 241 khuyến nghị (hơn 83%). Đây là tỷ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung của các quốc gia (tỷ lệ trung bình 2009-2018 của các nước đạt 73,33%).
Các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận trong khuôn khổ UPR luôn được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quan tâm và tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương, cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, bên cạnh sự phối hợp, hợp tác hiệu quả từ các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị UPR đã mang lại nhiều tác động tích cực trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm việc thụ hưởng các quyền con người, chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân ở Việt Nam.
Thuận lợi và thách thức
Nhằm tiếp tục cụ thể hóa chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.
Việc triển khai hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III đặt trong bối cảnh hiện nay có những thuận lợi và thách thức đan xen.
Thuận lợi thứ nhất là việc Đại hội XIII của Đảng vừa tổ chức thành công đã khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, là nền tảng cam kết chính trị cao nhất để bảo đảm, thúc đẩy quyền con người.
Đặc biệt, những quyết sách đưa ra tại Đại hội XIII đều nhấn mạnh việc “dân thụ hưởng”, đặt quyền lợi của người dân làm trung tâm, bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ thành quả của công cuộc Đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.
Những quyết sách này cũng trùng khớp với cách tiếp cận phổ quát về quyền con người mà LHQ cùng nhiều nước sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển.
Đây cũng là kim chỉ nam cho Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận nói riêng và các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người nói chung.
Thuận lợi thứ hai là những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tham gia hiệu quả hai chu kỳ UPR trước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.
Ngoài ra, việc tham khảo những bài học kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng sẽ thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.
Thuận lợi thứ ba là quyết tâm và nỗ lực nhất quán của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận, với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đương đầu với không ít khó khăn. Trước hết, đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra những thách thức lớn chưa từng có với LHQ và các quốc gia thành viên.
Trong bối cảnh nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa ứng phó với đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong bảo đảm an toàn tính mạng và an sinh xã hội, đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo và cận nghèo. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với việc bảo đảm quyền con người nói chung và thực hiện các khuyến nghị UPR nói riêng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Bên cạnh đó, thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như chiến tranh, xung đột, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Cộng hưởng với những tác động của dịch bệnh, những thách thức này đang đặt ra áp lực lớn lên hệ thống y tế, lao động, giáo dục, môi trường trên thế giới nói chung và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Nhu cầu tập trung ứng phó và phục hồi sau đại dịch sẽ khiến nguồn lực hợp tác phát triển toàn cầu bị căng trải, thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đây đều là những nhân tố đang và sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến Việt Nam.
Từ cam kết đến hành động
241 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trong chu kỳ III tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính.
Một là, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, nhất là liên quan đến thể chế hóa các điều khoản trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cải thiện khuôn khổ pháp lý về tư pháp hình sự, tiếp cận pháp lý, quyền của người lao động (40 khuyến nghị).
Hai là, thúc đẩy hơn nữa chính sách bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như tăng cường tiếp cận y tế, nước sạch, giáo dục, dịch vụ công, xóa bỏ bất bình đẳng (45 khuyến nghị).
Ba là, chính sách bảo đảm các quyền dân sự, chính trị (43 khuyến nghị).
Bốn là, chính sách bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là trong bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật và quyền của người dân tộc thiểu số (60 khuyến nghị).
Năm là, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người (16 khuyến nghị).
Sáu là, thực hiện các cam kết quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người (38 khuyến nghị).
Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhóm khuyến nghị trên, Việt Nam đang triển khai xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.
Tại Hội thảo “Giới thiệu phương pháp và thực tiễn tốt xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III” ngày 14-7 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện cho thấy Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm xuyên suốt đến tiến trình UPR, cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền. Báo cáo giữa kỳ tự nguyện sẽ cung cấp những thông tin chân thực, toàn diện và phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Do là văn bản mang tính tự nguyện và không có yêu cầu cụ thể về thể thức nên Báo cáo giữa kỳ của các quốc gia sẽ mang tính đa dạng và khái quát cao, được xây dựng theo chính sách, cách tiếp cận, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước.
Đặc biệt, việc xây dựng Báo cáo này càng thêm ý nghĩa khi Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Bản thân tên Báo cáo “tự nguyện” đã thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam khi thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III của HĐNQ LHQ. Qua đó, tiếp tục triển khai đường lối nhất quán của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người nói riêng và sự ủng hộ mạnh mẽ với LHQ và chủ nghĩa đa phương nói chung.
Quyết định thực hiện Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của đại diện LHQ cũng như nhiều bạn bè quốc tế. Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra đánh giá, đây là một bước đi chủ động đương đầu với các thách thức của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, sẵn sàng chấp thuận và có hành động triển khai các khuyến nghị trong những lĩnh vực còn khó khăn.
Trong khi đó, ông Arnauld Chaltin, Chương trình nâng cao năng lực, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR), cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam đánh giá những khuyến nghị nào đã làm tốt và khuyến nghị nào cần nỗ lực hơn nữa, đồng thời là cơ hội để các bên phối hợp, tìm ra những trở ngại và có cái nhìn tổng quan về vấn đề cũng như đóng góp của các bên liên quan trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR.
Có thể nói, việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các công ước quốc tế về quyền con người chính là nỗ lực nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách “lấy dân là gốc”, “lấy nhân dân làm trung tâm” như Đại hội XIII đã xác định.
Rõ ràng, để chủ trương này đi vào thực tiễn cuộc sống thì lợi ích của nhân dân phải là trước hết, đặt lên trên hết trong chu trình hoạch định và triển khai chính sách. Với những thành tựu trong nước cũng như đóng góp quốc tế trong thúc đẩy tiến bộ quyền con người, Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong việc triển khai những cam kết thành hành động, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người tại Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại nhằm bảo đảm cho mọi người dân trên thế giới được thụ hưởng hạnh phúc một cách đầy đủ và đích thực.
Hoàng Diễm Hạnh