Quy định của pháp luật Việt Nam
Qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật quốc tế về người bị tạm giữ, tạm giam như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1984, Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích năm 2006, Các quy tác tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1995 có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, mặc dù pháp luật quốc tế không có chế định về người bị tạm giữ, tạm giam như pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nhưng các văn bản này đã đưa ra khái niệm tượng tự như: người bị mất tự do, người bị giam giữ, tù nhân chưa thành án. Hai là, chỉ được giam, giữ một người theo quy định của pháp luật, do cơ quan có thẩm quyền tiến hành. Ba là, phải đảm bảo quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, bảo đảm quyền tối thiểu của họ theo các quy chuẩn quốc tế. Bốn là, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được coi là người vô tội và phải đối xử với họ như vậy. Năm là, phải đối xử nhân đạo, tôn trọng nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam, nghiêm cấm hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo, bức cung, nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
Đối với pháp luật Việt Nam, quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định cụ thể trong các văn bản sau:
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Theo đó, một người chỉ bị coi là có tội khi: phải được chứng minh là có tội theo trình tự luật định; phải có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Bản án sơ thẩm của tòa án không phải có hiệu lực ngay sau khi được tuyên mà chỉ khi bản án sơ thẩm đó không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án đó sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Do vậy, người đang bị tạm giữ, tạm giam (trừ trường hợp người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án) chưa bị coi là có tội mà mới chỉ nghi phạm tội. Do họ chưa phải là người có tội nên các biện pháp áp dụng với họ chỉ mang tính “tạm” (tạm giữ, tạm giam). Theo đó, nếu không chứng minh được người bị tạm giữ, tạm giam có tội thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền phải trả tự do cho họ. Về cơ bản, người bị tạm giữ, tạm giam vẫn là công dân bình thường, chỉ khác công dân bên ngoài ở chỗ họ bị cưỡng chế tạm trú trong một nơi có sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn, được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm ngăn chặn việc họ tiếp tục phạm tội, hoặc trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án, hoặc để đảm bảo thi hành án.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015: Điều 2 quy định: “Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn giam giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” còn “Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án, người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ”. Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định tại Điều 9 bao gồm: được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; được thực hiện quyền bầu cử theo quy định tại Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định tại Điều 24 của Luật Trưng cầu ý dân. những điểm mới bổ sung này thể hiện sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn về địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Điều 22, 34, 37 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định chi tiết về chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam đặc biệt là một số đối tượng đặc biệt (như người dưới 18 tuổi và người đang chờ thi hành án tử hình)...
Những "điểm nghẽn" cần khắc phục
Tính đến hết năm 2020, toàn quốc có 83 trại tạm giam (trong Công an nhân dân có 70 trại tạm giam, trong Quân đội nhân dân có 13 trại tạm giam), 734 nhà tạm giữ (trong Công an nhân dân có 700 nhà tạm giữ, trong Quân đội nhân dân có 34 nhà tạm giữ) và 224 buồng tạm giữ thuộc các đồn Biên phòng ở các khu vực biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện; đang trực tiếp quản lý giam giữ 47.827 người bị tạm giam, 1.010 người bị tạm giữ. Từ năm 2000 đến năm 2020, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên toàn quốc đã tiếp nhận và quản lý giam giữ 2.039.012 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Về cơ bản, việc tạm giam, tạm giữ đã bảo đảm quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quyền của họ theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, mặc dù đã quy định rất rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, nhưng về mặt quy định của pháp luật vẫn có một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tạm giữ, tạm giam trong điều tra hình sự như: chưa có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ riêng rẽ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Về bản chất, người bị tạm giữ khác với người bị tạm giam. Khác biệt lớn nhất giữa hai đối tượng này là đã bị khởi tố hay chưa bị khởi tố. Do đó, việc quy định chung về quyền, nghĩa vụ của hai đối tượng này là chưa thật phù hợp. Chế định biện pháp tạm giữ, tạm giam trong Tố tụng hình sự Việt Nam nhìn chung đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn chưa triệt để; quy định của pháp luật về căn cứ, điều kiện áp dụng các biện pháp còn thiếu cụ thể. Trong đó, quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thay thế, hủy bỏ biện pháp tạm giam chưa chặt chẽ, như được áp dụng, thay thế, hủy bỏ “khi cần thiết”, hoặc là “có thể” tạm giam. Điều này tạo điều kiện cho việc lạm quyền trong tạm giam kéo dài, ảnh hưởng đến quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam.
Khoản 1, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng”. Quy định thiếu cụ thể này đã gây trở ngại về mặt tâm lý cho người có thẩm quyền, vì nếu như không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể để xảy ra bị can, bị cáo tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc bỏ trốn thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại có nguy cơ bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì vậy, thông thường cứ phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.
Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Sau khi thụ lý vụ án,… việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do chánh án, phó chánh án tòa án quyết định; đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam… thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Quy định này không xác định rõ căn cứ tạm giam trong giai đoạn xét xử, nhưng lại cho phép chánh án, phó chánh án tòa án và hội đồng xét xử quyết định một cách dễ dàng “nếu thấy cần tiếp tục tạm giam” là chưa bảo đảm quyền lợi của bị tạm giam.
Theo quy định của Điều 119 và Điều 278 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa án được áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử dựa trên các lý do: bảo đảm việc bị cáo không bỏ trốn, cản trở hoạt động xét xử, có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại. Tuy nhiên, căn cứ để hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam bằng biện khác lại tạo ra sự tùy nghi cho tòa án.
Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo; thời hạn tạm giam bị cáo là 45 ngày kể từ ngày tuyên án...”. Quy định về căn cứ tiếp tục tạm giam của điều luật “xét thấy cần tiếp tục” mang tính tuỳ nghi, theo nhận định chủ quan của hội đồng xét xử, dẫn đến thực tế: bị cáo đang bị tạm giam thì đương nhiên cứ tiếp tục bị tạm giam. Đây là nguyên nhân của thực trạng người bị tạm giam trong giai đoạn sau khi tuyên án, chờ thi hành án chiếm tỷ lệ cao.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành, Bộ Công an cần tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy chế pháp lý có liên quan trong công tác giam giữ theo quy định pháp luật; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ quy định về tạm giữ, tạm giam thật chặt chẽ, tránh tối đa “sự tùy nghi” trong áp dụng pháp luật, cần quy định cụ thể về các trường hợp có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thay thế cho biện pháp tạm giam. Ngoài ra, người bị tạm giữ và người bị tạm giam có bản chất khác nhau, do đó, cần quy định rạch ròi về quyền và nghĩa vụ đối với từng nhóm đối tượng. Hơn nữa, nên áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để đảm bảo, bảo lĩnh,… đối với diện đối tượng hợp lý. Các cơ sở giam giữ cần tiếp tục cải thiện điều kiện giam giữ cũng như các chế độ khác cho người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 được ban hành đã chế định rõ ràng, cụ thể quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thể hiện rõ tính khoan hồng, nhân đạo sâu sắc của Nhà nước. Thời gian tới, để Luật được áp dụng đầy đủ trên thực tế, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân cần có nhiều thay đổi trong công tác giam giữ để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: “Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân. Không ai bị bắt hoặc giam giữ vô cớ. Không một ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp có lý do và phải theo đúng thủ tục mà luật pháp đã quy định. Bất cứ người nào là nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có quyền yêu cầu được bồi thường” và “Những người bị tước đoạt tự do phải được đối xử nhân đạo và với sự tôn trọng nhân phẩm và tự do vốn có của con người”. |
Bùi Trung Bun (Học viện ANND), Phạm Thị Hồng Nhung (Học viện CSND)