Phát huy tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương


Hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn trong COVID-19 là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam với sự giúp đỡ, đồng hành của bạn bè quốc tế.

Nguy cơ “vết sẹo” COVID-19 lâu dài

Chỉ trong quý I-2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. Có 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh đến doanh nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp và đời sống của người dân. Dịch đang ngày càng lan rộng và số ca nhiễm có thể tiếp tục tăng thêm thời gian tới, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Cuộc sống mưu sinh của những người lao động tự do vốn đã khó khăn nay lại có nguy cơ trở nên cùng cực sau 4 đợt dịch COVID-19. Mỗi đợt dịch COVID-19 lại là một lần đánh gục họ sau những nỗ lực vươn lên để phục hồi. Sự hỗ trợ kịp thời cho những người dễ bị tổn thương chính là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua đại dịch COVID-19 và không bị nhấn chìm trong nghèo đói cùng cực.

Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch COVID-19 tạo ra còn lâu nữa mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023.

Những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng thu nhập vẫn quá thấp đã trở lại điểm xuất phát, đồng thời việc đạt được "Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (LHQ) về xóa nghèo trước năm 2030" càng khó khả thi hơn. Khủng hoảng COVID-19 khiến cho những bất bình đẳng vốn đã có từ trước trở nên tồi tệ hơn do tác động nặng nề hơn tới những người lao động dễ bị tổn thương. Có khoảng 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới thiếu các chế độ an sinh xã hội, điều này đồng nghĩa với sự gián đoạn về việc làm do đại dịch đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với thu nhập và sinh kế của gia đình người lao động. Cuộc khủng hoảng cũng tác động đặc biệt nghiêm trọng tới phụ nữ.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với xu hướng dịch bệnh hiện nay, một số ngành, lĩnh vực như vận tải, hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa thể thao... sẽ mất đi đà phục hồi của năm ngoái và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn; các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến cũng sẽ bị ngưng trệ; các đô thị lớn, dịch có nguy cơ bùng phát sẽ phải ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vui chơi giải trí và nhiều hoạt động khác. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng dự báo, trong thời gian tới số lượng lao động bị ảnh hưởng (phải cách ly, bị ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh) mức cao nhất có thể lên tới 2-2,5 triệu người.

Đặc biệt, đợt dịch này đã và đang tác động mạnh vào khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Do vậy, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là việc cần thiết và cấp bách.

Hỗ trợ ưu tiên cho lao động dễ bị tổn thương

Ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, có 5 chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và lao động tự do.

Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Mức hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, lao động đặc thù không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc xây dựng Nghị quyết số 68/NQ-CP về “hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19” đã đặc biệt lưu ý đến việc chăm lo cho nhóm lao động tự do bởi đây là những người bị ảnh hưởng sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất.

Từ thực tế việc triển khai gói hỗ trợ lần đầu theo Nghị quyết 42 năm 2020 rất khó khăn trong xác định đối tượng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, khi xây dựng Nghị quyết 68, Chính phủ xác định sử dụng ngân sách trung ương để hỗ trợ với trường hợp này sẽ khó triển khai. Do đó, Chính phủ sau đó quyết định vẫn hỗ trợ đối tượng này nhưng giao địa phương xây dựng danh sách người cần hỗ trợ.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ giao cho các địa phương chủ động trong hỗ trợ lao động tự do tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương. Trong thực tế, trong năm 2020, một số tỉnh, thành phố đã có chính sách hỗ trợ dành riêng cho những nhóm lao động dễ bị tổn thương nhưng chưa nằm trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ hơn 13.000 giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương và hơn 20.200 người bán xổ số lưu động với tổng kinh phí 33,5 tỷ đồng. TP. Đà Nẵng cũng có chính sách riêng hỗ trợ hơn 10.000 người dễ bị tổn thương như: người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tự làm việc bị mất việc làm thuộc các nhóm công việc: cắt tóc, giúp việc gia đình, dọn dẹp vệ sinh; người cao tuổi không có điều kiện sống tại gia đình, hiện đang nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, trẻ em con hộ nghèo, trẻ em khuyết tật nhẹ…

Các tỉnh Đồng Tháp, Đắk Nông, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Bạc Liêu… cũng đã chủ động mở rộng các đối tượng hỗ trợ là lao động tự do, dễ bị tổn thương bị mất việc trong thời gian giãn cách phòng chống dịch như: người bán vé số lưu động, bốc vác, giáo viên tại các cơ sở mầm non tư thục, lao động làm dịch vụ cắt tóc, gội đầu; giúp việc, làm thuê tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ…        

Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam cùng nhau triển khai một dự án hợp tác nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ hơn 2,8 triệu USD (khoảng 65 tỷ đồng) để thực hiện dự án này. Dự án đang được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các nhóm dân số yếu thế cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tại Việt Nam. Dự án dự kiến can thiệp trên 4 lĩnh vực: bạo lực giới; nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; sức khỏe tình dục và sinh sản; hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về địa phương. Dự án sẽ được đồng triển khai bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, các cơ quan LHQ cùng các bên liên quan khác.

Tuy Việt Nam là một trong những quốc gia ứng phó hiệu quả nhất với COVID-19 trên thế giới nhưng những hậu quả về kinh tế -xã hội mà đại dịch gây ra vẫn là mối lo ngại lớn. Nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó các nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, người cao tuổi và thanh thiếu niên chịu tác động lớn hơn cả. Bởi vậy, để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 cần có những giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực của COVID-19. Điểm mấu chốt nằm ở việc bảo đảm tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất