Luận bàn về vấn đề dân chủ trong Nhà nước pháp quyền XHCN

ThS. Đỗ Quang Huy Học viện An ninh Nhân dân

Diễu binh

Mục tiêu quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng. Ảnh minh hoạ: tuoitre.vn.

Cơ sở lý luận và thực tiễn

Bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền mà Việt Nam xây dựng là dân chủ XHCN chứ không phải là dân chủ tư sản như ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa (TBCN).

Dân chủ XHCN ở Việt Nam là nền dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo - Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động. Dân chủ thuộc về đa số trong xã hội, thuộc về người lao động, không phải của thiểu số bóc lột, đặc quyền, đặc lợi.

Đây còn là chế độ dân chủ, mà ở đó, Nhân dân lao động làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm; được thực hiện bằng hệ thống tổ chức thể hiện quyền lực chính trị - xã hội của Nhân dân, tập trung và thông qua Nhà nước. Đồng thời, không ngừng mở rộng dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật là quy luật cơ bản của sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Việc lựa chọn xây dựng nhà nước pháp quyền - một hình thức nhà nước được ghi nhận là có khả năng thực thi dân chủ tốt nhất cho đến thời điểm hiện nay, xuất phát từ mục tiêu, ước vọng của cả dân tộc Việt Nam về một nhà nước dân chủ, một chế độ dân chủ, một xã hội dân chủ chứ không phải là sự bắt chước, học theo nhà nước tư sản.

Cần thừa nhận rằng, nhà nước tư sản dù cũng tồn tại dưới hình thức nhà nước pháp quyền, luôn được tuyên bố là nhà nước dân chủ, chế độ dân chủ, thậm chí còn luôn tự hào là chế độ dân chủ tốt nhất, ưu việt nhất nhưng thực chất là nhà nước của giai cấp tư sản, là công cụ quyền lực để giai cấp tư sản thực hiện sự thống trị của mình đối với nhân dân và toàn xã hội.

Các chính sách của nhà nước đó suy cho cùng luôn bảo vệ tối đa quyền và lợi ích cho giai cấp tư sản - những người giàu có, quyền thế trong xã hội chứ không phải cho đông đảo tầng lớp nhân dân. Mặc dù các nhà tư sản luôn khẳng định nhà nước tư sản là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Giáo sư Jefferey Sachs, Đại học Cô-lum-bi-a (Niu Óoc) chỉ ra rằng, chính quyền và cơ chế hiện nay của nước Mỹ và có thể nói của thế giới tư bản nói chung, là của 1%, do 1% và vì 1% dân số. Theo thống kê, năm 2020, lương của CEO Tập đoàn Amazon cao gấp 741 lần một nhân viên, CEO tập đoàn công nghệ Aptiv năm 2020 cao gấp 5.000 lần một lao động bình thường; ở một loạt các tập đoàn lớn thuộc S&P 500 như Coca-Cola, Hilton, Gap, Nike, Microsoft... chênh lệch giữa lương của lãnh đạo và lương của nhân viên trung bình cũng khoảng 300 lần. Tình trạng mất công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng các thành quả phát triển xã hội cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế; sự phân biệt đối xử bất công với người nghèo, người da màu, người nhập cư vẫn thường diễn ra trong xã hội TBCN vốn được các nhà tư sản tuyên bố là dân chủ, tự do, bình đẳng.

Nhà nước pháp quyền XHCN bảo đảm tính dân chủ thông qua việc xây dựng cơ sở kinh tế XHCN - yếu tố cốt lõi nhằm thực thi, hoàn thiện thể chế dân chủ. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dựa trên cơ sở chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất cơ bản, mọi của cải, tài nguyên... trong xã hội đều thuộc sở hữu của các tầng lớp Nhân dân, do đó, nhà nước có cơ sở khách quan để bảo đảm mọi quyền lực nhà nước cũng là của Nhân dân.

Nhân dân là chủ, Nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước để thực hiện và bảo vệ quyền dân chủ của mình. Mọi chính sách của Nhà nước đều hướng tới bảo đảm và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho mọi giai tầng trong xã hội chứ không chỉ bảo vệ lợi ích cho những người có quyền thế, giàu có, hay cho nhóm cán bộ, quan chức như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Mục tiêu quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng chứ không vì bất cứ một lý do nào khác hay vì lợi ích của bất kỳ cá nhân nào. Khi và chỉ khi có cơ sở kinh tế là chế độ công hữu thì nhà nước mới có thể thực hiện và bảo đảm được bản chất dân chủ thực sự của mình. Còn nếu nhà nước đó ngay từ cơ sở kinh tế đã là bất bình đẳng, mọi của cải chỉ thuộc sở hữu của số ít người (chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất) như nhà nước pháp quyền tư sản ở các quốc gia TBCN thì nhà nước đó sẽ luôn chỉ là công cụ thống trị chính trị và bảo vệ lợi ích cho thiểu số giai cấp, tầng lớp, mà thực chất là những người có của mà thôi.

Tất nhiên, dù Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có cơ sở bảo đảm bản chất dân chủ, song với điều kiện của một đất nước đã chịu nhiều tổn thất do những cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài. Một đất nước có xuất phát điểm đi sau, không có được những tiền đề vật chất vững vàng như ở nhiều quốc gia TBCN thì việc muốn có ngay mọi thành quả như mong đợi; nhanh chóng đưa đất nước phát triển thịnh vượng, người dân khá giả, sung túc là điều không thể đạt được một sớm một chiều. Nhưng chắc chắn, chỉ cần có sự điều hành của Nhà nước mang bản chất ưu việt, dân chủ XHCN, chỉ cần mọi hoạt động của Nhà nước đó luôn vì lợi ích của Nhân dân, luôn hướng đến mục tiêu tốt đẹp là mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân thì không có gì là không thể.

Bản chất dân chủ ưu việt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không chỉ được khẳng định, ghi nhận, tuyên bố mà còn được thể hiện, minh chứng trong thực tiễn. Đại hội XIII đưa ra những số liệu minh chứng thực tế trong hơn 25 năm qua, dưới sự điều hành, quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đất nước đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng mừng, được cộng đồng quốc tế coi trọng, đánh giá cao: Kinh tế phát triển tốt kể cả trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, suy thoái (tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt 6%/năm, riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91% - mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới); đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao (năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 đô-la Mỹ/người); tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng của thế giới; các quyền dân chủ của người dân ngày càng được bảo đảm và mở rộng...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều thiên tai lớn, dịch bệnh COVID-19 hoành hành gây tổn thất nặng nề về người và của, với bản chất dân chủ ưu việt tốt đẹp của chế độ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn luôn sát cánh cùng Nhân dân cả nước, nỗ lực khắc phục những khó khăn, tổn thất, duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân.

Xây dựng, hoàn thiện bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước theo hướng Nhà nước pháp quyền, nên phương thức lãnh đạo của Đảng cũng cần phải đổi mới cho tương thích, phù hợp với Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN. Quyền lực Nhà nước pháp quyền XHCN là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước phải lãnh đạo cả trên ba phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hai là, tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung hoạt động, trong đó coi trọng việc tham gia xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là phương thức để Mặt trận thực hiện vai trò đại diện, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật hướng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thực hiện quyền làm chủ của người dân. Tập trung nâng cao các hình thức tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam như góp ý kiến, phản biện xã hội các văn bản quy phạm pháp luật; giám sát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những văn bản còn bất cập, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phản ánh ý kiến của Nhân dân về các vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Ba là, kiên quyết, kiên trì thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước. Thực hiện tốt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí sẽ làm cho Nhân dân tin tưởng vào con đường, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện. Khi các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp được xác định rõ ràng thì việc phối hợp, kiểm soát quyền lực mới hiệu quả, tránh được tình trạng lạm quyền, lộng quyền, độc đoán hoặc buông lỏng quyền lực. Tuy nhiên, quyền lực của Nhà nước Việt Nam là quyền lực của Nhân dân, do vậy không thể dùng quyền lực của Nhân dân phân chia cho cơ quan, bộ phận nào của Nhà nước. Quyền lực nhà nước ta về bản chất luôn là thống nhất, phục vụ Nhân dân.

Bốn là, tăng cường công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bản chất dân chủ và tính ưu việt của nền dân chủ trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được khẳng định và làm sáng tỏ cả về lý luận cũng như thực tiễn. Tuy nhiên, với âm mưu, thủ đoạn nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tận dụng những thiếu sót của Nhà nước trong quá trình điều hành, xây dựng đất nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội hoặc tung hô, mị dân về những giá trị của phương Tây nhằm công kích, hạ thấp vị trí, vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Vì vậy, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để Nhân dân nhận diện rõ và tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh với thông tin, luận điệu sai trái, thù địch.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất