Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ) từ khi cơ quan này được thành lập. Theo đó, Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, ủng hộ vai trò và hoạt động của HĐNQ, cũng như các cơ chế nhân quyền của LHQ, trên nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác xây dựng.
Những nỗ lực không thể phủ nhận
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Điều này đã góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ ngoại giao đa phương, cán bộ công tác trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động và tích cực tham gia các hoạt động của HĐNQ, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại HĐNQ về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em...).
Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của HĐNQ trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xoá bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hoá đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.
|
Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu tại Khóa họp lần thứ 50 HĐNQ LHQ. Tại Khoá họp, HĐNQ LHQ đã thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam cùng Băng-la-đét và Phi-lí-pin soạn thảo và đề xuất. Ảnh: TTXVN.
|
Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của HĐNQ trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xoá bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục...
Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ HĐNQ giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm HĐNQ hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hoá, không can thiệp công việc nội bộ các nước.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu làm Điều phối viên ASEAN tại HĐNQ LHQ.
Thời gian qua, Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) - cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ; triển khai có hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, làm cơ sở để lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện để nộp HĐNQ LHQ.
Báo cáo này đã được công bố vào quý I-2022, cung cấp thông tin toàn diện và phản ánh chân thực những cam kết, nỗ lực của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch COVID đầy khó khăn.
Tiếp tục trách nhiệm trên mọi diễn đàn
Ngay tại các diễn đàn đa phương khác như Ủy ban các vấn đề nhân đạo, xã hội, văn hóa (Ủy ban 3) của Đại hội đồng LHQ, ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong năm 2020, với 112 nước đồng bảo trợ, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Cũng trong năm 2020, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với ưu tiên thúc đẩy quyền của nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt, triển khai Quỹ ASEAN để ứng phó dịch COVID-19; xây dựng Quy chế hoạt động của Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; hình thành Khung chiến lược ASEAN trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng... để bảo đảm quyền, sức khỏe cho hơn 650 triệu người dân trong khu vực.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26) tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó với BĐKH của Việt Nam, đưa chúng ta trở thành một trong những nước đi đầu về cam kết cắt giảm phát thải.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021, Việt Nam luôn thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường hành động nhân đạo, bảo vệ thường dân trong và hậu xung đột. Các sáng kiến của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, đánh giá cao bởi cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mang đến hòa bình bền vững, giải quyết và ngăn ngừa xung đột, đem lại cuộc sống an toàn, ổn định cho người dân ở các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng.
Tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, Việt Nam chú trọng tăng cường thông tin đến cộng đồng quốc tế về những chính sách, nỗ lực và thành tựu trong bảo đảm quyền con người, đồng thời cũng chủ động, linh hoạt tham gia cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế chống xu hướng chính trị hóa, “tiêu chuẩn kép”, can thiệp, thúc đẩy minh bạch tiến tới hiểu biết lẫn nhau, không để khác biệt cản trở hợp tác với các đối tác quan trọng.
Những nỗ lực trên một lần nữa khẳng định những cam kết có trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Minh chứng rõ nét nhất luôn thể hiện ở chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Đảng và Nhà nước đều hướng trọng tâm và mục tiêu của mọi chủ trương, chính sách phát triển là xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm.
Lưu Ly