Bước chắc chắn và liên tục đánh giá tình hình
Đại diện cho cách làm này có thể nhìn thấy được từ các tỉnh phía Bắc. Đây là cách duy trì các hoạt động điều tra truy vết, cô lập và khống chế từng ổ dịch. Tất nhiên, về mặt thực hành chống dịch hiện nay đã dễ hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi áp dụng Nghị quyết 128-NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 (Nghị quyết 128). Điển hình là việc người về từ các tỉnh có ca bệnh không cần phải cách ly tập trung mà tự theo dõi sức khỏe và thông báo cho y tế địa phương. Các ổ dịch khi được phát hiện vẫn sẽ được điều tra làm rõ nguồn lây và tiến hành cô lập nhưng trên phạm vi rất nhỏ như một tầng của tòa nhà thay vì phong tỏa toàn bộ và xét nghiệm toàn bộ.
Tại những tỉnh đang lưu hành dịch, hiện hình thức cách ly F1 tại nhà đã rất phổ biến, thậm chí cách ly F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà cũng đã dần phổ biến hơn. Bệnh nhân COVID-19 cũng không quá lo sợ khi chia sẻ tình trạng bệnh của mình cho người có khả năng đã tiếp xúc vì mọi người đều chia sẻ sự cảm thông với họ. Nỗi sợ hãi lớn nhất bây giờ khi các trường hợp nặng ngày càng ít đi bởi có sự bảo vệ từ vắc-xin, mà thay vào đó chính là nỗi lo lắng phải đi cách ly tập trung. Những trung tâm cách ly tạo ra sự sợ hãi về lây nhiễm chéo cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất. Đây chính là nguyên nhân của việc người dân che giấu thông tin nhiễm bệnh và phơi nhiễm, dẫn đến sự khó khăn trong công tác điều tra truy vết phòng, chống dịch.
Như một xu hướng tất yếu, việc mở cửa cho giao thương và đi lại đã làm khả năng kiểm soát dịch giảm đi rất nhiều. Trái với việc dịch chỉ xuất hiện ở khoảng 1/2 số tỉnh trong giai đoạn trước, ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 128, về cơ bản các tỉnh đều có trường hợp mắc mới và số mắc mới không chỉ tạo ra những ổ dịch nhỏ mà có lúc tạo ra những ổ dịch lớn trong cộng đồng. Việc một số trường học tại Hà Nam, Phú Thọ, Tuyên Quang bùng phát dịch với hàng trăm ca mắc và tiếp sau đó là các ổ lây nhiễm trong cộng đồng mà không điều tra được đường vào cho thấy ở bất cứ địa phương nào nếu còn những cá thể cảm nhiễm tập trung thì đều có nguy cơ trước dịch.
Gần đây, việc gia tăng số ca mắc một cách liên tục trong đó số lượng trẻ em nhiễm tăng dần tại nhiều tỉnh cho thấy dịch thực sự đã ngấm rất sâu trong cộng đồng và việc sống chung với dịch là bước đi không thể quay đầu. Tuy vậy, trước những kết quả khá khả quan về tỉ lệ mắc thể nặng và tử vong không tăng theo số nhiễm, việc kiên trì theo hướng đi mới vẫn sẽ là đòn bẩy cho sự hồi phục kinh tế trong thời gian tới.
Biến chủng mới đe dọa thành quả chống dịch
Theo thông báo từ cuộc họp khẩn cấp nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể B.1.1.529 (Omicron) được xác nhận đầu tiên từ một mẫu bệnh phẩm được thu thập vào ngày 09-11-2021 tại Nam Phi. Kết quả này được báo cáo lên WHO ngày 24-11-2021 nhưng trước đó một số các trường hợp được ghi nhận tại các địa điểm khác nhau trên toàn cầu như Botswana vào 11-11, tại Hồng Kông là một du khách đến từ Nam Phi. Cũng trong ngày 26-11, Chính phủ Bỉ cho biết một cá nhân gần đây đã đi du lịch từ Ai Cập và chưa được tiêm chủng, có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể này, đánh dấu trường hợp đầu tiên ở châu Âu. Liên tiếp sau đó các báo cáo từ Israel, Bỉ, Đức, Vương quốc Anh và Ý đã thấy xuất hiện biến chủng này và với khoảng 100 trường hợp được xác định với giải trình tự gen cho kết quả tượng tự và phần lớn đến từ Nam Phi hoặc liên quan đến các trường hợp đi về từ Nam Phi. Và gần đây nhất, ngày 28-12, Bộ Y tế thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
Biến thể này có nhiều các đột biến đáng lo ngại. Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên nhiều lần so với các biến thể khác trước đây. Số lượng các trường hợp mắc biến thể Omicron đang tăng lên ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi. Tại Nam Phi, biến thể Omicron chủ yếu được chẩn đoán ở tỉnh Gauteng; ước tính có tới 90% tổng số ca nhiễm COVID-19 mới ở Gauteng có thể liên quan đến Omicron.
Theo WHO, thông qua đánh giá so sánh, Omicron đã được chứng minh là có khả năng liên quan đến các thay đổi như: tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học COVID-19; tăng độc lực hoặc thay đổi biểu hiện bệnh lâm sàng; tăng mức độ nghiêm trọng (nhập viện hoặc tử vong); giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội, sức khỏe cộng đồng và các phương pháp chẩn đoán, điều trị và vắc-xin có sẵn.
Chi tiết hơn, biến thể Omicron có số lượng đột biến cao bất thường, với khoảng 32 đột biến về protein gai, loại protein quyết định khả năng bám dính và xâm nhập vào các tế bào mà chúng tấn công. Để dễ hình dung, biến thể Delta chỉ có 9 đột biến tại protein gai nên con số 32 đột biến là vô cùng lớn. Chính vì vậy, các nhà khoa học lo ngại rằng những đột biến đó có thể làm cho biến thể này dễ lây lan hơn và có thể dẫn đến việc né tránh miễn dịch. Thực tế đã chứng minh điều này là đúng, so sánh với biến thể Delta, Omicron dễ lây lan hơn nhiều. Thông thường, phải mất vài tháng để một chủng biến thể chiếm ưu thế, lây lan trong một khu vực, trường hợp Delta là như vậy, phát hiện lần đầu từ tháng 10-2020 nhưng phải đến tận tháng 3-2021 mới trở thành chủng lưu hành chính, trong khi biến thể Omicron lây lan rất nhanh chóng ở Nam Phi, chỉ trong vài ngày đến vài tuần chứ không phải vài tháng.
Liên quan đến vắc-xin, hiện đã có bằng chứng về việc nhiễm trên những người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin tuy nhiên liệu có tăng tỉ lệ nặng trên những người đã tiêm đủ mũi vắc-xin hay chưa thì còn cần phải theo dõi sát trong thời gian tới. Hiện tại các hãng vắc-xin đang ráo riết thực hiện những giám sát tác động cùng với chính phủ các nước. Moderna cho biết họ đang nhanh chóng làm việc để kiểm tra khả năng vô hiệu hóa biến thể của vắc-xin và dự kiến sẽ có dữ liệu trong những tuần tới. AstraZeneca cũng đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm nơi mà biến thể đã được xác định, cụ thể là ở Botswana và Eswatini. Pfizer cũng đang điều tra tác động của biến thể này đối với mũi tiêm của họ, với dữ liệu được dự kiến sẽ có trong vòng vài tuần tới. Johnson & Johnson tuyên bố rằng công ty cũng đang thử nghiệm hiệu quả của vắc-xin chống lại Omicron.
Bình thường mới - không buông chống dịch
Với số lượng liều vắc-xin được nhập về Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiệm cận được với việc bao phủ vắc-xin toàn bộ nhóm trên 18 tuổi. Với kết quả hết sức khả quan này, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có độ chấp thuận cao với vắc-xin, đặc biệt khi mà chưa có quốc gia nào phê duyệt khẩn cấp và cho lưu hành tới 8 loại vắc-xin COVID-19 khác nhau. Thực tế chống dịch cho thấy, mặc dù tỉ lệ bảo vệ của các vắc-xin không như nhau nhưng về cơ bản vẫn có thể bảo vệ chống thể nặng và nhập viện ở mức trên 90%, đây chính là tiền đề cho việc mở cửa và sống chung với dịch. Tuy nhiên, cũng vì khá nhiều vắc-xin có được thông qua ngoại giao vắc-xin, hạn dùng của vắc-xin có thể khá ngắn cũng như việc theo dõi đối tượng khi các tỉnh mở lại giao thương đã khiến cho công tác phân bổ vắc-xin rất khó khăn. Chẳng hạn, khi tiêm mũi 2, dù còn thiếu vắc-xin so với đối tượng mũi 1 nhưng đến khi vắc-xin về lại vẫn thừa do không tìm thấy đối tượng tại địa bàn.
Mặc dù vậy, với những nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành Y tế bao gồm cả công lập và tư lập cũng như sự vào cuộc của ban, ngành, đoàn thể và rất nhiều doanh nghiệp, công tác tiêm chủng đã căn bản phủ xong đối tượng nguy cơ và tiến tới tiêm phủ cho nhóm trẻ 12-17 tuổi. Trong thời gian tới, việc đảm bảo nguồn vắc-xin cũng như sớm nghiên cứu các biến chủng mới để đưa vào vắc-xin chính là chìa khóa cho công tác chống dịch.
Để có được an toàn thực sự trước đại dịch, Việt Nam phải tăng cường hoạt động hợp tác đặc biệt là hợp tác nghiên cứu các vấn đề về biến chủng và chủ động an ninh vắc-xin, như vậy cơ hội an toàn trước đại dịch mới được bảo đảm.
Trước động thái đóng cửa biên giới hàng loạt đối với người tới từ khu vực Nam Phi và quay trở lại thiết quân luật tại một số quốc gia châu Âu khi số trường hợp mắc lên tới trên 30 ngàn trường hợp mỗi ngày, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Úc, Nhật, Xin-ga-po, Phi-líp-pin cũng tiến hành các biện pháp tương tự. Hiện tại Việt Nam vẫn còn rất dè chừng với việc nhập cảnh nhưng nhiều khả năng trong thời gian tới cũng thăm dò mở cửa để đón đầu phát triển. Đây chính là lúc phải thận trọng khi mà nguy cơ về một chủng mới nguy hiểm xuất hiện và gây nguy cơ rất lớn đối với thành quả chống dịch.
Ngoài ra, việc chống dịch nếu thiếu sự vào cuộc của người dân là hoàn toàn không khả thi. Mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ mắc COVID-19, bao gồm các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng đã được chứng minh như đeo khẩu trang vừa vặn, vệ sinh tay, giữ khoảng cách với người khác, hạn chế tụ tập, cải thiện sự thông thoáng của không gian trong nhà, tránh không gian đông đúc, bí bức và tuân thủ tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Và để những điều này không bị quên đi, công tác truyền thông về phương châm “5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân” là việc cần thực hiện liên tục và theo nhiều kênh khác nhau để những thực hành an toàn phòng chống dịch sẽ là phản xạ có điều kiện của mỗi người dân. Hãy nhớ rằng, càng để vi-rút lan tràn, nguy cơ xuất hiện biến chủng nguy hiểm ngày càng lớn và đưa chúng ta trở lại những nỗ lực đầu tiên, vì vậy hãy tuân thủ 5K và vắc-xin để giữ vững mặt trận và tiếp tục phát triển kinh tế.
TS, BS. Phạm Quang Thái
Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương