Vận dụng luật pháp quốc tế về bình đẳng giới ở Việt Nam


Việt Nam cần nghiên cứu sớm gia nhập Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ nhằm thực hiện tốt hơn quyền chính trị của phụ nữ.

Bình đẳng giới trong luật pháp quốc tế

Quyền bình đẳng của phụ nữ được chính thức thừa nhận trong luật quốc tế kể từ khi Liên hiệp quốc (LHQ) ra đời. Hiến chương LHQ năm 1945 lần đầu tiên khẳng định sự bình đẳng về các quyền giữa phụ nữ và nam giới. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 xác lập nguyên tắc nền tảng là tất cả mọi người đều được hưởng các quyền và tự do một cách bình đẳng, không có bất cứ sự phân biệt nào về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm chính trị và các yếu tố khác (Điều 1 và Điều 2). Tiếp theo Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, nhiều điều ước quốc tế riêng đã được LHQ thông qua nhằm bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em gái như: Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962... Nguyên tắc bình đẳng nam nữ cũng được khẳng định trong cả hai điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người năm 1966 là Công ước về các quyền chính trị, dân sự (ICCPR) và Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội (ICESCR)…

Các văn bản nêu trên bước đầu đã xác lập vị thế bình đẳng của phụ nữ với nam giới trên vị trí chủ thể của các quyền con người, tuy nhiên lại chưa đưa ra giải pháp để bảo đảm cho phụ nữ được hưởng thụ đầy đủ các quyền đó trên thực tế. Do đó, năm 1967, LHQ thông qua Tuyên bố về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Văn bản này là tiền đề cho sự ra đời của Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) vào ngày 18-12-1979. CEDAW có hiệu lực từ ngày 3-9-1981, là 1 trong hai điều ước quốc tế về quyền con người có số lượng quốc gia thành viên cao nhất (chỉ đứng sau Công ước về quyền trẻ em). Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ II tổ chức ở Viên (Áo) năm 1993 đã tái khẳng định trong văn kiện chính thức cuối cùng (Tuyên bố Viên và Chương  trình hành động) rằng: “Quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái là một bộ phận cấu thành, gắn liền và không thể tách rời của các quyền con người phổ biến” (Đoạn 18 Phần I). Với sự khẳng định này, cuộc đấu tranh vì các quyền bình đẳng của phụ nữ bước sang một trang mới, theo đó, tất cả những mối quan tâm của phụ nữ sẽ được lồng ghép vào các chương trình, hoạt động về quyền con người.

Vận dụng ở Việt Nam
Tính từ những năm 1980 đến hết năm 2017, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó quyền con người ngày càng được cụ thể hóa. Các điều ước quốc tế về quyền con người Việt Nam tham gia đã được nội luật hóa mạnh mẽ trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, trong đó có các văn bản pháp luật về bình đẳng giới.


                          Nhà nước bảo đảm bình đẳng trong việc làm đối với lao động nữ.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch.... 
Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định: “Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Bộ luật Lao động năm 2012 dành hẳn một chương quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động… Pháp luật hôn nhân và gia đình khẳng định nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự hiện hành còn thể hiện sự khoan hồng và tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý tội phạm là nữ: người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi…

Với khung pháp lý về bình đẳng giới nói trên cộng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới năm 2016. Tuy nhiên, chênh lệch giữa nam và nữ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, gia đình theo xu hướng nữ giới là nhóm yếu thế vẫn tồn tại khá phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần đến từ những quy định pháp luật về bình đẳng giới chưa phù hợp, chưa đầy đủ và cơ chế bảo đảm thực hiện pháp luật về bình đẳng giới chưa thực sự hiệu quả. 

Việt Nam chưa gia nhập Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952. Đây là một trong những điểm hạn chế quan trọng khiến cho pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam chưa theo kịp với pháp luật quốc tế. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tại Khoản 1, Điều 71 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên”. Nhưng Khoản 4 Điều 2 về nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện chế độ hôn nhân gia đình vẫn tiếp tục duy trì khuôn mẫu giới bởi quy định: “Giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Quy định này vô hình chung khẳng định trách nhiệm nuôi dạy con cái vẫn thuộc về người mẹ, kế hoạch hoá gia đình chủ yếu vẫn là trách nhiệm của người vợ. 

Vấn đề chênh lệch tuổi nghỉ hưu nam, nữ, danh mục các nghề, công việc không được sử dụng lao động nữ... đều là những vấn đề cần quan tâm giải quyết nhằm bảo đảm bình đẳng giới. Chế định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc chưa được quy định rõ nét trong luật. Cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc để thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn, đảm bảo môi trường lao động an toàn, lành mạnh, tính khả thi cao.

Luật Bình đẳng giới ra đời là cơ sở quan trọng nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các quy định về quyền bình đẳng giới còn tản mạn, được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau, với nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều quy định còn chung chung, nặng tính định hướng, tuyên ngôn, thiếu cụ thể, không mang tính quy phạm. Đặc biệt, nhiều quy định biện pháp chế tài thực hiện có tính cưỡng chế không cao, do đó nhiều hành vi vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ không bị xử lý, hoặc xử lý nhẹ, không có tính răn đe. Cùng với đó, cơ chế phối hợp bảo đảm thực hiện các quyền bình đẳng giới, cơ chế tài chính hỗ trợ các quyền bình đẳng giới còn hạn chế. 

Giải pháp trong thời gian tới
Để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giữa nam và nữ, chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong mọi lĩnh vực, cần khắc phục những bất cập, hạn chế trong pháp luật về bình đẳng giới, tập trung vào một số giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách bù đắp dành riêng thích hợp cho phụ nữ theo từng nhóm như nhóm nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhóm phụ nữ nông thôn, nhóm  lao động nữ (nhất là lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài nhà nước)…  Luật Lao động sửa đổi phải bảo đảm nam và nữ nghỉ hưu ở tuổi tối đa và tối thiểu như nhau. Để Bộ luật Lao động sửa đổi phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội cần tổ chức cuộc khảo sát xã hội học trên phạm vi toàn quốc lấy ý kiến rộng rãi của người lao động về tuổi nghỉ hưu. 

Thứ hai, cần nghiên cứu để sớm gia nhập Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952 nhằm tạo cơ sở nội luật hóa và bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam.

Thứ ba, thực hiện tốt các quy định pháp luật về bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo cơ hội nâng cao vị thế, vai trò cho phụ nữ. Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Có biện pháp xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm luật bình đẳng giới. Chú trọng  công tác phổ biến rộng rãi các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin nhằm tạo hiệu ứng lan toả và cảnh báo, răn đe.

Thứ tư, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt trong xu thế hiện nay khi Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình nội luật hóa cần bảo đảm nguyên tắc có tính khả thi, phù hợp với văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế tại Việt Nam.

Bình đẳng giới thực chất chỉ đạt được khi có khung pháp luật hoàn thiện và thực thi nghiêm túc trong thực tiễn. Nhưng, để thực hiện được điều này thì vấn đề cốt lõi, then chốt là sự chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị thế phụ nữ trong gia đình và xã hội. Ngành giáo dục phải xây dựng chương trình hành động nhằm định hướng, thay đổi hành vi của nam và nữ từ giáo dục mầm non, tiểu học, theo đó nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực, thụ hưởng như nhau những thành quả của sự phát triển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất