Vị linh mục giàu lòng nhân ái


Linh mục Nguyễn Văn Uy.
Hết lòng vì xứ đạo phồn vinh

Năm 1980, Giuse Nguyễn Văn Uy được Giám mục giáo phận Xuân Lộc bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Tiên Chu (phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Khi ấy, giáo xứ còn nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên công ăn, việc làm cho giáo dân là điều linh mục 32 tuổi này trăn trở. Chịu khó tìm tòi, ông đem nghề đan cót về hướng dẫn bà con làm, từ vài lao động ban đầu đã phát triển ra hàng chục hộ. Ông vận động bà con trồng rau sạch đem bán ở các chợ trong TP. Hồ Chí Minh. Rồi ông vận động bà con đóng góp làm đường bê tông xóm, ấp. Sau khi hoàn thành tuyến đường đầu tiên, thấy kinh tế, văn hóa phát triển, được cán bộ xã đánh giá cao, ông vận động bà con thực hiện “bê tông hóa” giao thông trong xứ đạo. Chỉ sau một thời gian ngắn, Linh mục đã vận động bà con giáo dân, các nhà hảo tâm chung tay làm mới 100% các tuyến đường trong giáo xứ. Cùng với làm đường, Linh mục hướng dẫn giáo dân hưởng ứng các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông cũng chăm lo khuyến học, khuyến tài, vận động cha mẹ cho con đi học đúng độ tuổi và động viên, khích lệ các em học giỏi, học lên cao. Ông còn động viên bà con thực hiện giãn dân, đi xây dựng vùng kinh tế mới…

Năm 2013, Linh mục Nguyễn Văn Uy chuyển về làm Chính xứ Giáo xứ Lai Ổn (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), cách Trường Trung cấp nghề Hòa Bình do ông làm Hiệu trưởng khoảng 1km, để tiện đi lại. Lai Ổn là một giáo xứ nghèo, thuần nông, đường sá còn là đường đất. Với kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết, ông lại sát cánh cùng bà con giáo dân thực hiện “bê tông hóa” đường giao thông. Sau 3 năm, hàng loạt tuyến đường đất trong giáo xứ đã được trải bê tông bằng phẳng và kéo điện thắp sáng. Thấy bà con sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn trong sinh hoạt, Linh mục tiếp tục vận động bà con đầu tư lắp đặt hệ thống nước sạch, năm 2018 đã hoàn thành. Có đường, có điện, có nước sạch, các hộ mạnh dạn kinh doanh nhiều ngành nghề, dịch vụ, phá thế thuần nông. Kinh tế phát triển, Linh mục lại động viên bà con giáo dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chuyển trường tiểu học ra khỏi khu vực nhà thờ, thành lập các quỹ giúp đưa trẻ đến trường. Cùng với thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các hội đoàn trong giáo xứ phát triển nhanh, hoạt động sôi nổi…

Ngay từ khi làm Chính xứ Giáo xứ Tiên Chu, Linh mục Nguyễn Văn Uy đã ấp ủ ý tưởng thành lập trường trung cấp nghề thuộc giáo phận, nhằm tạo điều kiện cho con em giáo dân học hết THCS không thi đậu THPT có thể vào học. Được Giám mục giáo phận Xuân Lộc chấp thuận, được sự đồng ý của các cấp, ngành địa phương, Linh mục Nguyễn Văn Uy chuẩn bị các bước để thành lập Trường Trung cấp nghề Hòa Bình (ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, Trảng Bom, Đồng Nai) trực thuộc Tòa Giám mục Xuân Lộc. Trường chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2012. Khóa đầu tiên trường tuyển được 300 học sinh, chủ yếu là con em giáo dân. Những ngày đầu khó khăn, Linh mục cùng học trò ăn ngủ ngay tại khu nhà học, được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Tòa Giám mục và đóng góp của bà con giáo dân. Sau 5 năm, Trường Trung cấp nghề Hòa Bình nâng cấp thành Trường Cao đẳng Hòa Bình. Trường được mở rộng lên 5ha, do 1 hộ giáo dân tình nguyện hiến 2,5ha đất cho trường. Cơ sở vật chất của trường được hoàn thiện với nhiều dãy nhà học cao tầng khang trang, 2 khu ký túc xá cho học sinh, sinh viên nam và nữ; kinh phí hoàn toàn từ nguồn ủng hộ của bà con giáo dân.

Với phương châm đào tạo “Thăng tiến con người toàn diện”, nhắm đến 3 giá trị cốt lõi: Đạo đức - Kiến thức - Công nghệ, Linh mục Nguyễn Văn Uy cùng các thế hệ thầy trò nhà trường nỗ lực xây dựng môi trường sống tại trường như một gia đình lớn. Về chương trình đào tạo, ngoài chương trình quy định dành cho đào tạo nghề của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Nhà trường còn tổ chức những buổi hội thảo khoa học và nghề nghiệp, những buổi giao lưu kiến tập tại các công ty, doanh nghiệp để các em được trau dồi kiến thức và tiếp cận với thực tế, đồng thời không ngừng nâng cấp, cải tiến trang thiết bị thực tập ngay tại trường. Trong hợp tác quốc tế, Trường đã đưa hơn 200 học sinh, sinh viên sang học tập, lao động tại Nhật Bản; sắp tới sẽ là Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc.

Linh mục Nguyễn Văn Uy cho biết: “Trường còn đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Chúng tôi trau dồi cho các em một kỹ năng sống và làm việc với tinh thần trách nhiệm, lương tâm ngay thẳng, tôn trọng công bằng, giàu lòng nhân ái với mọi người. Bản thân tôi luôn đồng hành, tư vấn cho các em trước những trăn trở của cuộc sống, phân định được những điều hay, sự đúng - sai, để các em quyết định hướng đi đời mình. Hôm nay tiễn chân 500 học sinh Ngành Du lịch đi kiến tập thực tế tại Phan Thiết, tôi dặn các em phải nhớ tới sứ mệnh giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa của dân tộc, quảng bá phẩm chất đạo đức, lối sống con người Việt Nam. Khách du lịch nhìn cách các em ứng xử với những người các em gặp, dù người sang, người hèn thì người ta thấm thía cái tình nghĩa, nét văn hóa của người Việt Nam thôi”.

Hiện Trường Cao đẳng Hòa Bình có 4.000 học sinh, sinh viên đang theo học, đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có khoảng 70% là người Công giáo. Tuy mức học phí thuộc diện thấp nhất trong các trường nghề nhưng trường đã quy tụ được 252 nhà giáo có trình độ đạt chuẩn quốc gia. Các ngành đào tạo của trường đều gắn với thị trường lao động, gồm 10 nghề thuộc hệ đào tạo cao đẳng và 20 nghề thuộc hệ đào tạo trung cấp. 100% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Nhiều em sau khi tốt nghiệp đã mở xưởng, làm ăn phát đạt, góp phần xây dựng quê hương, giáo xứ ngày càng phồn vinh. 

Đồng chí Đặng Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Hố Nai 3 cho biết: “Linh mục Nguyễn Văn Uy là người kính Chúa, yêu nước. Ông luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, ủng hộ mọi hoạt động của địa phương. Ông luôn vận động, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cho giáo xứ và Trường Cao đẳng Hòa Bình. Giáo xứ Lai Ổn nhanh chóng vươn lên giàu mạnh, ổn định đã giúp cho xã Hố Nai 3 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, trong đó có đóng góp rất lớn của Linh mục Nguyễn Văn Uy”.

Thao thức vì người nghèo

Linh mục Nguyễn Văn Uy sinh ra trong một gia đình nghèo ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Thời thơ ấu của ông nghèo khó nên ông thấu hiểu và luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để giúp người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già cô đơn bớt khó khăn. Vì vậy, ngay từ khi làm Chính xứ Giáo xứ Tiên Chu, thấy đời sống của bà con giáo dân còn nhiều khó khăn, ông đã tổ chức nuôi dưỡng hàng chục người già cô đơn tại giáo xứ. Khi chuyển đến Giáo xứ Lai Ổn, ông đưa họ đi theo. Hiện còn hơn 10 cụ được nuôi dưỡng chu đáo trong sự đùm bọc của bà con giáo dân Lai Ổn.

Là Trưởng Ban Bác ái xã hội của Giáo xứ Xuân Lộc từ năm 1987 đến nay, Linh mục Nguyễn Văn Uy đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ người nghèo trong và ngoài giáo phận. Hằng năm, Ban Bác ái xã hội tổ chức trao hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, người có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với chăm lo và phát triển cơ sở Cô nhi viện Thiên Bình - Tam Phước - TP. Biên Hòa (nuôi dưỡng hơn 200 trẻ mồ côi và 40 người già cô đơn), Linh mục còn vận động mở thêm 20 cơ sở nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già cô đơn trên toàn giáo phận. Hằng năm, Linh mục đều tổ chức ngày hội gặp mặt các cô nhi toàn giáo phận ngay tại giáo xứ mình quản nhiệm.

Năm 1992, Linh mục Nguyễn Văn Uy cùng các cộng sự lập nên Phòng khám nhân đạo Xuân Hòa và mượn 1 khu nhà ở Giáo xứ Thánh Tâm (TP. Biên Hòa) để hoạt động. Được bà con giáo dân và nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ, phòng khám dần dần mua sắm các trang thiết bị và xây dựng phòng khám ở địa điểm mới. Hiện Phòng khám nhân đạo Xuân Hòa (phường Tân Hòa, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có chức năng gần như một bệnh viện đa khoa, mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân đến khám và chữa trị miễn phí. Ngoài ra, Linh mục đã vận động thành lập nhiều phòng khám nhân đạo có quy mô nhỏ nằm rải rác tại các xứ đạo trong giáo phận. Linh mục cũng thường xuyên tổ chức các chương trình giúp người nghèo mổ tim, người già mổ mắt, người khuyết tật mổ hàm ếch, lắp chân tay giả, tặng xe lăn…

Trường Cao đẳng Hòa Bình có quy định miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số. Riêng học sinh đến từ các trung tâm mồ côi thuộc tất cả các tôn giáo trên cả nước được miễn 100% học phí. Trong quá trình đào tạo, vào những dịp lễ, Tết, nhà trường tổ chức những chương trình sinh hoạt ngoại khóa, các thầy cô hướng dẫn từng nhóm sinh viên, học sinh đi làm từ thiện tại những cơ sở bác ái; giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng di dân, các khu công nghiệp.

Công việc nhiều, bận rộn suốt nhưng Linh mục Nguyễn Văn Uy luôn vui vẻ, cởi mở và gần gũi với mọi người. Là giáo dân hay học sinh, sinh viên, khách lạ hay người quen, thậm chí cả người già khó khăn đến gặp, ông đều đón tiếp nhiệt thành. Bà con giáo dân ở Lai Ổn kể, sau khi vận động giáo dân đưa con em đến học trường nghề, để có nghề, có bằng THPT và có thể học tiếp lên cao đẳng, ông nói vui: “Bà con có khó khăn gì cứ đến gặp thầy Hiệu trưởng…”.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất