Việt Nam nỗ lực loại bỏ hành vi tra tấn
Đoàn Việt Nam tại phiên trình bày Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc. Nguồn: cand.vn.

Đoàn Việt Nam tại phiên trình bày Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc năm 2018. Nguồn: cand.vn.

Những thành tựu nổi bật

So với kỳ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực hiện Công ước CAT (Báo cáo CAT 1), Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật nhằm loại bỏ hành vi tra tấn, bảo đảm quyền con người.

Thứ nhất, công tác hoàn thiện chính sách pháp luật được chú trọng hàng đầu. Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hàng loạt quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn cũng như đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cao hơn cho lực lượng thực thi pháp luật.

Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật. Chỉ tính từ ngày 1-11-2018 đến 31-12-2022, nhiều văn bản luật đã được hoàn thiện, ban hành như: Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020...

Kèm với đó là hàng trăm văn bản hướng dẫn nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại; nhiều quy định trong các văn bản này đã trả lời các quan tâm, thắc mắc của Ủy ban Chống tra tấn, các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài.

Thứ hai, công tác hành pháp được quán triệt thực hiện nhằm bảo vệ quyền con người. Các bộ, ngành đồng loạt triển khai, cụ thể hóa các chủ chương, chính sách, quy định của pháp luật vào đời sống.

Công tác cải cách hành chính đã mang lại tiện ích cho nhân dân, giảm thiểu, ngăn ngừa các hành vi liên quan đến tra tấn như: đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là trong cơ sở giam giữ phạm nhân, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; dân chủ trong hoạt động điều tra, trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng CAND...

Thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, đặc biệt là đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của Bộ Công an thông qua số điện thoại 113 hoặc 069.2326555; đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đường dây nóng về bảo vệ trẻ em qua số điện thoại 111 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, bảo vệ người dân khỏi các hành vi nhục hình, tra tấn.

Tăng cường đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, chuyên môn của cơ quan nhà nước, cơ quan trực tiếp thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, góp phần ngăn ngừa các hành vi tra tấn. Tại thời điểm Báo cáo CAT 1, Việt Nam mới thí điểm lắp đặt tại một số Công an đơn vị, địa phương; đến nay, đã triển khai trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các cơ sở nhà tạm giam, tạm giữ trực thuộc Bộ Công an và các đơn vị địa phương cũng được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp.

Thứ ba, Việt Nam đã xây dựng mô hình "Phòng điều tra thân thiện" để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi; được thiết kế, bố trí như phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ. Điều tra viên được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập 33 "Phòng điều tra thân thiện" tại Cục Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an 30 địa phương.

Bảo đảm hơn nữa việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tháng 11-2021, Việt Nam đã thông qua Nghị quyết cho phép Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tạo điều kiện cho công tác xét xử đúng tiến độ trong bối cảnh dịch COVID-19.

Công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, khảo sát, đánh giá chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo, thi hành tạm giữ, tạm giam và công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự được tăng cường, kịp thời phát hiện những sai sót để chấn chỉnh.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chống tra tấn được đẩy mạnh. Từ ngày 1-11-2018 đến 31-12-2022, Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước bạn tổ chức hàng chục lớp học, tập huấn, nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực thi Công ước CAT. Cùng với đó, các Bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức: phát hành các ấn phẩm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng...

Thứ năm, tích cực, trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ thành viên và các khuyến nghị của Ủy ban Chống tra tấn của LHQ.

Sau khi Ủy ban Chống tra tấn ban hành Báo cáo đánh giá lần thứ nhất về việc triển khai thực hiện Công ước CAT tại Việt Nam, Việt Nam xây dựng Báo cáo trả lời vào tháng 10-2020; Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban Chống tra tấn (tại Quyết định số 87/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-2-2023). Để thực hiện các khuyến nghị đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương: (i) Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện khuyến nghị 7 về định nghĩa và hình sự hóa hành vi tra tấn trong pháp luật quốc gia; (ii) Bộ Tư pháp và Bộ Công an chủ trì thực hiện các khuyến nghị 17, 21, 31 về các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản; (iii) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện các khuyến nghị 17 và 42 về khiếu nại; (iv) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì thực hiện các khuyến nghị 15, 21, 23, 29 về điều tra, truy tố, xét xử.

Thách thức và phương hướng thực hiện

Những kết quả nêu trên đã khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong phòng, chống tra tấn thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: công tác tuyên truyền chưa thật sự có hiệu quả, chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung tuyên truyền chưa sâu sắc; chưa có quy định pháp luật riêng về khái niệm tra tấn nên quá trình triển khai còn gặp lúng túng nhất định, nhất là trong công tác thống kê số liệu; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, người dân còn hạn chế, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc vùng nhiều người dân tộc thiểu số; việc lắp đặt các trang thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh, cơ sở vật chất của các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng còn chưa đồng bộ; hợp tác quốc tế trong phòng chống tra tấn còn chưa đa dạng về nội dung.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Công ước CAT trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những công tác sau:

Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước CAT và Kế hoạch tăng cường thực hiện có hiệu quả Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban Chống tra tấn; Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

Tổ chức và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tập huấn về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cũng như các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban Chống tra tấn đặc biệt là đối với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, hải đảo.

Tăng cường tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là đội ngũ điều tra viên; hướng tới xây dựng cán bộ điều tra có năng lực, phẩm chất và có kiến thức sâu sắc về phòng, chống tra tấn trong thực hiện các hoạt động tư pháp.

Tiến hành rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam so với các quy định của Công ước CAT và yêu cầu của Ủy ban Chống tra tấn để tìm ra các khó khăn, bất cập, vướng mắc để đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật.

Đẩy mạnh việc thực hiện công khai, minh bạch các quy định pháp luật về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo; tăng cường điều tra, truy tố, xét xử; thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; bồi thường thiệt hại, nhất là các vụ việc liên quan đến tra tấn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi, khảo sát, đánh giá thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất về việc chấp hành pháp luật của đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống tra tấn.

Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ chuyên môn của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trụ sở tiếp công dân; các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; trang, thiết bị phục vụ lưu trữ hồ sơ nhân thân, bệnh án và công tác khám, chữa bệnh cho người bị giam giữ; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ quyền con người tốt hơn, phòng, chống tra tấn.

Chủ động đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình thức và nội dung hợp tác, đặc biệt tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống tra tấn.

Là một thành viên tham gia có trách nhiệm và tích cực của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng thực hiện có hiệu quả Công ước CAT với những thành tựu nổi bật so với kỳ bảo vệ Báo cáo CAT 1, không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền con người mà còn nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất