Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thế giới và Việt Nam).
Tại Hội thảo, đại diện của Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ… đã giới thiệu về Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam chấp thuận, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1974/QĐ-TTg ngày 31-12-2019. Hội thảo cũng tập trung chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hữu ích về vai trò các cơ quan Liên hiệp quốc trong hỗ trợ triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR; cam kết, nỗ lực của các cơ quan của Việt Nam về thực hiện các khuyến nghị UPR trong một số lĩnh vực then chốt; các giải pháp về tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam, nhất là đối với thanh niên…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Hoài Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ, nghiêm túc vào cơ chế UPR ngay từ chu kỳ I (2009). Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời nỗ lực thực hiện các khuyến nghị UPR, hệ thống pháp luật về nhân quyền cũng như các mặt đời sống của người dân Việt Nam có nhiều cải thiện. Những nỗ lực đó của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng lưu ý về những thách thức mới đối với việc bảo đảm quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam luôn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực trong việc thực hiện vấn đề này.
* Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) ra đời năm 2007 nhằm cải thiện tình hình nhân quyền trên thực tế của toàn bộ 193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc. Đây là cơ chế bắt buộc đòi hỏi không chỉ những quốc gia là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, mà là tất cả các quốc gia thành viên của LHQ phải có nghĩa vụ đệ trình báo cáo kiểm điểm định kỳ về việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người. Cơ chế này nhằm tăng cường giám sát việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở từng quốc gia thành viên LHQ. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó. |
PV