Vừa qua, Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a đã tổ chức Vòng 19 Đối thoại nhân quyền Việt Nam - Ốt-xtrây-li-a tại Canberra, Ốt-xtrây-li-a.
|
Ảnh minh hoạ
|
Đối thoại do Đại sứ nhân quyền Ốt-xtrây-li-a, bà Bronte Moules và Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Hải Anh đồng chủ trì.
Đoàn hai bên tham gia Đối thoại gồm nhiều thành phần, trong đó có Ủy ban Nhân quyền Ốt-xtrây-li-a.
Đối thoại diễn ra một cách chân thành, thẳng thắn và xây dựng, thảo luận về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Nội dung trao đổi đề cập tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp, cách tiếp cận của mỗi nước đối với quyền con người, thông tin cập nhật về pháp quyền và cải cách pháp luật, chính sách bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, người Ốt-xtrây-li-a bản địa và các dân tộc thiểu số Việt Nam, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) và người khuyết tật. Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a cũng thảo luận về cách tiếp cận của mỗi nước đối với án tử hình.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác hiện nay giữa hai nước trong hệ thống đa phương, kể cả các diễn đàn nhân quyền của Liên hợp quốc. Hai bên cũng thảo luận về các cơ hội hợp tác và hỗ trợ của Ốt-xtrây-li-a trong việc tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam, kể cả thông qua các chương trình hỗ trợ của Ủy ban Nhân quyền Ốt-xtrây-li-a.
Đối thoại là một phần quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a. Đối thoại năm nay đặc biệt có ý nghĩa, là lần đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ tướng Anthony Albanese và Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Đối tác chiến lược toàn diện đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người phù hợp với luật pháp quốc tế, tăng cường và đóng góp vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền.
Đối thoại ghi nhận vai trò quan trọng của phương tiện truyền thông đại chúng, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác trong việc đóng góp tích cực cho mỗi xã hội.
Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a cũng cam kết tiếp tục hợp tác để thúc đẩy các xã hội bao trùm, có sự tôn trọng và bảo đảm cơ hội bình đẳng và tôn trọng quyền con người cho tất cả mọi người mà không có bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào. Trong thảo luận về cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 5-2024,
Ốt-xtrây-li-a khuyến khích Việt Nam chấp thuận và thực hiện các khuyến nghị do Ốt-xtrây-li-a đưa ra, kể cả ban hành luật để bảo đảm quyền tự do hội họp ôn hòa phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Việt Nam nhấn mạnh đang trong quá trình rà soát tất cả các khuyến nghị nhận được để xem xét chấp thuận các khuyến nghị phù hợp, trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Việt Nam, trong đó có Điều 25 của Hiến pháp về quyền hội họp.
Trong thời gian ở Ốt-xtrây-li-a, Đoàn Việt Nam gặp các Ủy viên và quan chức cấp cao của Ủy ban Nhân quyền Ốt-xtrây-li-a và thăm Trại cải tạo Silverwater ở Sydney.
Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a cùng hướng tới tham gia Vòng 20 Đối thoại Nhân quyền sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2025.
PV