Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nêu gương của cán bộ, đảng viên”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Người về cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới. Người nhắc nhở: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, kỷ niệm 201 năm Ngày sinh của C.Mác (5-5-1818 - 5-5-2019), Tạp chí đăng bài “Tư tưởng C.Mác về tính tiên phong của đảng viên và yêu cầu nêu gương của đội ngũ đảng viên hiện nay” của PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tác giả nhấn mạnh tiên phong về lý luận và tiên phong trong hoạt động thực tiễn là những tính chất cơ bản của đảng cộng sản, là điểm khác biệt căn bản và là sự nổi trội của những đảng viên cộng sản so với bộ phận đông đảo còn lại của giai cấp công nhân. Những luận điểm của C.Mác về tính tiên phong của đội ngũ đảng viên cho thấy, mỗi đảng cầm quyền không thể thỏa mãn với những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế - xã hội mà phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng hiện nay.
Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, số này có bài “Thực hiện dân chủ theo Di chúc của Bác Hồ - Yếu tố quyết định thắng lợi của Đảng” của TS. Trần Thị Phúc An (Trường Đại học Mỏ - Địa chất). 50 năm đã trôi qua, những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vẫn tiếp tục soi sáng cho Đảng và nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, tiến bộ và văn minh.
Nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019), Tạp chí có bài “Phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” của PGS, TS. Lý Việt Quang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Từ việc tìm hiểu phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh tác giả bài viết đưa ra 4 giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay.
Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019), bài “Công tác chính trị chuẩn bị cho Chiến thắng Điện Biên Phủ” của ThS. Đỗ Xuân Trường (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và ThS. Đỗ Khánh Chi (Đại học Phenikaa) một lần nữa tái hiện lại trang sử hào hùng của dân tộc. Lần đầu tiên một đội quân giải phóng đã chiến thắng một đội quân viễn chinh với khí tài và hỏa lực vượt trội của phương Tây, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, tạo niềm tin về sức mạnh chiến tranh nhân dân của một dân tộc thuộc địa nhỏ bé có thể chiến thắng kẻ thù mạnh hơn gấp bội.
Bài viết “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Minh Anh viết về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Bộ Công an. Sau 2 năm thực hiện, trong lực lượng Công an nhân dân đã xuất hiện nhiều cách làm mới, nhiều tấm gương điển hình, mô hình tiêu biểu, kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Bài viết “Tự soi”, “tự sửa” ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Kết quả nhiều mặt”, tác giả Phương Anh viết về kết quả Đảng ủy Bộ nghiêm túc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; ban hành quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; tập trung cải cách hành chính; quan tâm xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo; kiên trì, quyết liệt khắc phục những tồn tại về an sinh xã hội.
Bài “Không chỉ nêu mà hãy làm gương” của Diệp Chi nêu bật kinh nghiệm của Đồng Nai, chính sự thay đổi trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp về nêu gương là một trong những động lực quan trọng để tỉnh vươn lên mạnh mẽ, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống.
Bài viết “Ngành Y tế nỗ lực tinh giản bộ máy, biên chế” của Mai Anh đã nêu rõ cách làm của Ngành qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), toàn Ngành đã nỗ lực sắp xếp, tổ chức lại bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng ủy và lãnh đạo Bộ tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài “5 bài học kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy của Học viện Hành chính quốc gia” của TS. Đặng Xuân Hoan (Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia) đã phản ánh 5 bài học kinh nghiệm của Học viện được rút ra từ quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhằm trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực, đặc biệt trong việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp nhân sự.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Nêu gương - Trách nhiệm và đạo lý người cán bộ của Đảng” của PGS, TS. Hồ Tấn Sáng (Học viện Chính trị khu vực III). Bài viết nhấn mạnh đề cao trách nhiệm nêu gương là một yêu cầu vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Bài “Bàn về các quy định nêu gương” của Trần Nguyên Hậu, tác giả khẳng định hai yếu tố tự giác và thường xuyên trong nêu gương rất quan trọng. Yếu tố tự giác rất quan trọng vì chỉ khi tự giác người học tập mới có thể tự giám sát bản thân để “tự soi” các hành vi của mình, nhất là các hành vi không bộc lộ ra ngoài. Yếu tố thường xuyên càng quan trọng hơn. Thường xuyên, không ngừng là đòi hỏi chung cho mọi nỗ lực rèn luyện về đạo đức.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “TP. Hồ Chí Minh: Sức lan tỏa từ những hội thi”. Tác giả Phạm Ngọc Hợi (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) đề cập đến việc học tập và làm theo gương Bác ở TP. Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, diễn ra dưới nhiều hình thức; cách thức tổ chức phong phú, linh hoạt, hướng đến nhiều đối tượng tiếp nhận. Trong đó, các hội thi là những “điểm nhấn”, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ở TP. Cần Thơ: Kết quả và kinh nghiệm” của Đinh Thành. Tác giả phản ánh kinh nghiệm của Cần Thơ sau 2 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái , “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Số này tạp chí đăng thông tin “Báo chí góp phần đưa các chính sách BHXH đến với người dân” (Thu Huyền)
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Hiệu quả từ những mô hình học và làm theo Bác ở Yên Bái” của Thúy Mai. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chìa khóa để Yên Bái xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng khối đoàn kết toàn dân đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía bắc như Bác Hồ từng căn dặn.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Cán bộ tổ chức với việc tham mưu chỉ đạo thực hiện hai nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Bài viết tiếp cận góc độ những người làm nghề tổ chức nhận thức rằng mình cần phải tích cực tham mưu cho cấp ủy các cấp đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát quyền lực đúng với phương châm không có vùng cấm, tránh tình trạng quyết tâm làm rất triệt để nhưng lại theo kiểu đáng buồn là chỗ “triệt”, chỗ “để’.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Cần công khai sớm, xử lý nghiêm” của Đình Anh bình luận nhân việc Công an qua tiến hành điều tra đã xác định được 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La có kết quả thi không đúng thực chất. Dư luận đang đòi hỏi các cơ quan chức năng, Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai sớm, xử lý nghiêm.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Từ đam mê đến cống hiến”, tác giả Thanh Hằng giới thiệu về GS, TS. Tạ Thành Văn, Ủy viên BCH Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Với những công trình nghiên cứu đột phá, GS. Văn mang thêm hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư và gia đình họ.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết “Khoảng trống nơi cơ sở” của Ma Văn Kháng. Khoảng trống ở cơ sở bao hàm những vấn đề: tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, năng lực quản lý… Tác giả bài báo chiêm nghiệm một điều: Bảo đảm cho cơ sở hoạt động có hiệu quả vẫn là thách thức của chính cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương tiếp, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cu-ba” (Mai Anh), “Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Y tế về công tác tổ chức xây dựng đảng” (Thảo Nguyên).
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết: “Phương pháp đánh giá công chức ở một số quốc gia” của Đình Tùng giới thiệu về những phương thức, cách thức đánh giá công chức, viên chức ở Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản .
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức bộ máy…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 5-2019, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng