Tạp chí Xây dựng Đảng in số 12-2018 có chủ đề trọng tâm về cơ chế, chính sách…
Mở đầu, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chính sách xã hội”, giới thiệu với bạn đọc những quan điểm của Người về chính sách cho không chỉ cán bộ, công nhân, viên chức mà là tất cả nhân dân, người lao động. Người căn dặn: Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng…
Nhân kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (12-1958 - 12-2018), chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm số này có bài “Tăng cường gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Phạm Giang. Tác giả phân tích những nội dung cơ bản nhất của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Đó là: 1- Cán bộ, đảng viên gắn bó với nhân dân vừa là một nội dung của đạo đức cách mạng, vừa là cách thức để cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức cách mạng; 2- Nhân dân là chủ thể sáng tạo của lịch sử, cán bộ, đảng viên từ trong nhân dân mà ra. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng; 3- Đảng lãnh đạo cách mạng qua đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, cán bộ, đảng viên phải hòa mình vào phong trào quần chúng, hiểu dân, học dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân; 4- Gắn bó mật thiết với nhân dân là nguyên tắc hoạt động giúp cán bộ, đảng viên không vi phạm đạo đức cách mạng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Với chủ đề về cơ chế, chính sách, số này có nhiều bài về chính sách cán bộ. Bài “Nhìn lại 5 năm thực hiện xét, công nhận người hoạt động cách mạng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP” của Trương Quốc Bảo (Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, BTCTƯ). Bài viết cho thấy việc xét, công nhận người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là vấn đề khó, còn tồn đọng nhiều, được nhân dân quan tâm, sau 5 năm thực hiện, tuy còn những khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả.
Bài “Ba kinh nghiệm của Quảng Trị trong giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng” của Minh Anh phản ánh kinh nghiệm của Quảng Trị trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi theo đúng quy định của Nhà nước. Với cách làm khoa học, dứt điểm, Quảng Trị là nơi còn ít nhất hồ sơ chưa giải quyết (8/573 hồ sơ).
Bài “Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở một số địa phương” của Phan Nam, qua khảo sát thực tiễn một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Gia Lai, Đăk Lăk, tác giả đã phản ánh cách làm của các địa phương để tăng số lượng, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.
Với bài “Nhiều địa phương thực hiện chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở”, tác giả Thanh Xuân chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Đồng Nai, Cần Thơ trong thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bảo đảm lợi ích vật chất và động viên tinh thần nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Bài “Khắp nơi sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Diệp Chi nêu bật kinh nghiệm của Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh đã và đang hành động quyết liệt, nghiêm túc để giảm số lượng đầu mối, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và tăng hiệu quả hoạt động.
Bài “Xây dựng cốt cán trong tôn giáo – nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận ở Điện Biên” của Phan Thị Trang Đoan viết về kết quả, hạn chế, định hướng và giải pháp trong công tác dân vận, xây dựng cốt cán trong tôn giáo ở Điện Biên.
Bài “Chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực ở TP. Cần Thơ” của Nguyễn Hoàng Ba (Giám đốc Sở Nội vụ) phản ánh kinh nghiệm của Cần Thơ trong thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực. Đó là: Năng động hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch thực hiện; Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách; Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Về thực hiện cơ chế, chính sách cán bộ ở cơ sở” của Hồng Văn. Tác giả chỉ rõ những hạn chế trong việc thực hiện cơ chế, chính sách cán bộ ở cơ sở, từ đó đề xuất một số giải pháp để khắc phục những hạn chế đó.
Bài “Xây dựng tiêu chí về lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên” của PGS, TS. Nguyễn Trung Kiên (Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và CQNN, Học viện An ninh nhân dân). Tác giả nhấn mạnh để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ thì trước hết cần phải lựa chọn và rèn giũa cho được những người cán bộ có lòng tự trọng. Tác giả đề xuất xây dựng các tiêu chí cụ thể, bao gồm: về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống; về năng lực, trình độ.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Nâng cao chất lượng học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng”. ThS. Lê Đức Chín (Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh) viết về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng học tập và triển khai các nghị quyết. Trong đó bao gồm nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết; nhóm giải pháp về xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết.
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2018), chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống có bài viết “Điểm nhấn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ Quân đội” của TS. Đỗ Văn Dạo (Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Tác giả đưa ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Đó là: Chủ động phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Triển khai kiểm điểm, tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân nghiêm túc, thực chất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân.
Bài “Lâm Đồng tạo chuyển biến tích cực qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)” của Đinh Thành viết về Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng với quyết tâm chính trị cao, lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đạt nhiều kết quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Số này, Tạp chí cũng cung cấp cho bạn đọc thông tin “Chính sách bảo hiểm xã hội - Trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội” của tác giả Nhị Hà.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Sẵn sằn sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc” của Hồng Linh, viết về các sỹ quan, đảng viên Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thiết thực góp phần trợ giúp nhân đạo và hạn chế những tàn phá từ xung đột vũ trang ở các quốc gia có nội chiến, để lại dấu ấn tốt đẹp về Bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè quốc tế.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Thực hiện chính sách cán bộ - nhìn từ góc độ làm nghề tổ chức xây dựng đảng” của Bùi Văn Tiếng (nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Từ những câu chuyện có thật, từ những trải nghiệm cuộc đời và nhiều năm công tác trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, tác giả đưa ra những kinh nghiệm trong thực hiện chính sách cán bộ. Đây là một trong những nội dung công vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy các cấp phải đảm đương.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Cam kết chính trị” của Tuấn Minh, bình luận qua sự kiện ngày 25-10-2018, thay mặt BCH Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TW “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương”. Đây là cam kết chính trị của Trung ương đối với chính mình và toàn Đảng, toàn dân, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt số này có bài viết “Ấn tượng về một bí thư chi bộ vùng cao”. Tác giả Nguyễn Thúy Mai (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái) viết về đồng chí Vũ Trung Sẩu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Quyết Tâm 2, Đảng bộ xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên, Yên Bái. Hơn 10 năm làm bí thư chi bộ, đồng chí Vũ Trung Sầu luôn nêu gương tiên phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, cùng chi bộ thôn đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đưa thôn bản vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên từng ngày đổi mới.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Lý tình phân minh” tác giả Ma Văn Kháng chia sẻ những câu chuyện cụ thể về cách xử sự lý tình phân minh. Tác giả chiêm nghiệm bên cạnh lý là tình. Giữa lý và tình xử sự sao cho đúng xem ra cũng không đơn giản. Tác giả khẳng định trong sự nghiêm khắc, xét cho cùng đã bao hàm cái tình lớn, cái tình trị bệnh cứu người, cái tình vì đại nghĩa, rộng lớn và sâu xa.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo 2 đề án của Ban Tổ chức Trung ương” (Thu Huyền).
Nhân kỷ niệm 43 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2-12-1975 - 2-12-2018), chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết “Ba điểm nhấn trên đường đổi mới và phát triển của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” của Bun-mi Chat-tha-vông. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sau 43 năm ngày giải phóng, hơn 30 năm đổi mới, đất nước Lào đang thay da, đổi thịt từng ngày. Cuộc sống của nhân dân các bộ tộc Lào ngày càng tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Đất nước Lào đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới phồn vinh và phát triển với 3 điểm nhấn: kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đa phương.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này tập trung giải đáp nhiều câu hỏi về công tác cán bộ, công tác đảng viên.
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 12-2018, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng