Mở đầu, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về sắp xếp cán bộ gắn với tổ chức bộ máy”, giới thiệu với bạn đọc những quan điểm của Người về phương châm, nguyên tắc sắp xếp cán bộ gắn với tổ chức bộ máy. Người căn dặn: Về tổ chức: cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân…
Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14-10-1930 - 14-10-2018), chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm số này có bài “Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả Ngành Tổ chức xây dựng Đảng” của Ngọc Thảo (Ban Tổ chức Trung ương). Tác giả khái quát những kết quả mà Ngành đã đạt được: Củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động một cách tinh gọn, phù hợp; Thực hiện Đề án xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách, phương pháp làm việc; đồng thời chỉ ra 4 kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2021 toàn Ngành giảm 15% đến 20% biên chế.
Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2018), bài “Tổ chức bộ máy và cán bộ Thủ đô Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính” của Thu Huyền. Tác giả viết về những đổi thay mạnh mẽ về tổ chức bộ máy và cán bộ của Hà Nội sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Đó là: Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy được tiến hành dân chủ, công tâm, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả; Đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bài “Tinh gọn, tinh giản để hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Lan Phương đưa ra kinh nghiệm của một số địa phương để minh chứng tinh gọn được bộ máy đã khó, nhưng việc tinh giản được biên chế, sàng lọc, loại bỏ được cán bộ yếu kém, bảo đảm hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả khó hơn nhiều. Nếu chúng ta quyết tâm, kiên quyết, dân chủ, khách quan, minh bạch, giải quyết hài hòa lợi ích chung, riêng thì khó mấy cũng làm được.
Bài “Mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Quảng Ninh: 3 năm nhìn lại” của Trần Xuân phản ánh kết quả bước đầu của Quảng Ninh sau 3 năm thực hiện mô hình này được mở rộng ở cả 3 cấp, tạo sự đồng bộ, liên thông từ tỉnh xuống cơ sở, cho thấy phù hợp với thực tiễn, bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Với bài “Thanh Hóa tinh gọn bộ máy từ cơ sở”, tác giả Xuân Vinh phản ánh kinh nghiệm của Thanh Hóa qua thực hiện nhất thể hóa chức danh 1.833 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, sáp nhập làm giảm 1.578 thôn, bản, tổ dân phố; Thực hiện đồng bộ việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Những kết quả đó đạt được là do các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở Thanh Hóa tích cực vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển động trong toàn hệ thống chính trị.
Bài “Nghệ An thống nhất xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế” của Võ Thị Minh Sinh (TUV, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) viết về kết quả đạt được sau khi thực hiện Quyết định 5571-QĐ/TU ngày 22-4-2014 của Tỉnh ủy Nghệ An thành lập Ban Chỉ đạo thống nhất quản lý biên chế của tỉnh. Đồng thời, tác giả cũng chỉ rõ vấn đề đặt ra cần được giải quyết căn bản để việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần của Trung ương Đảng được thực hiện có hiệu quả.
Bài “Đồng Tháp sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập” của Sơn Tra phản ánh kết quả của Đồng Tháp chủ động, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bài “Nhất thể hóa Đại sứ đồng thời là Bí thư Đảng ủy - từ thực tiễn ở Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản” của Phạm Huy Phương (Phó Bí thư Đảng ủy tại Nhật Bản). Bài viết khai thác kinh nghiệm của Đảng bộ tại Nhật Bản ngay từ ngày đầu thành lập đã thực hiện mô hình Đại sứ đồng thời là Bí thư Đảng ủy. Qua thực tế, mô hình đó đến nay đã có những kết quả tích cực trong quản lý, điều hành công việc tại địa bàn.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng (16-10-1948 - 16-10-2018), tác giả Cao Văn Thống (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương) viết bài “Công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với cán bộ cao cấp”, nêu bật kết quả quan trọng trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên là cán bộ cao cấp, đối tượng kiểm tra, giám sát trực tiếp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tính từ nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng đến nay) bao gồm: Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giám sát chuyên đề, giải quyết tố cáo và thi hành kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ cao cấp.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Quy định số 04-QĐi/TW của Ban Bí thư nhìn từ công tác tổ chức - cán bộ” của Bùi Văn Tiếng. Bài viết là trao đổi của tác giả về một quy định cơ bản liên quan đến công tác tổ chức - cán bộ của khối ban đảng cấp tỉnh, thể hiện nhiều quan điểm mới về thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, đặc biệt là về mối quan hệ công tác giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “TP. Hồ Chí Minh: Hoàn thiện chính sách thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ”. Tác giả Đinh Thành đã nêu cách làm, kết quả và kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh ban hành và thực hiện đề án về thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giai đoạn 2018-2022.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống có bài viết “Đổi thay trên miền đất khó Khánh Vĩnh” của Bảo Yến. Tác giả phản ánh sự đoàn kết, gắn bó của các dân tộc anh em ở Khánh Vĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cùng nhau vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Số này, Tạp chí cũng cung cấp cho bạn đọc thông tin “BHXH Việt Nam: Những dấu ấn trong hợp tác và hội nhập quốc tế” của Huyền Anh; “BHXH Việt Nam nhận giải thưởng về CNTT tại Hội nghị ASSA 35” của Hà Linh.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Phụ nữ “xứ Trà” làm theo Bác” của Lê Minh Hường, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, viết về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng, triển khai có hiệu quả các chương trình trọng tâm công tác hội; động viên cán bộ, hội viên tích cực học và làm theo Bác Hồ từ những việc làm cụ thể, thiết thực.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Chuyện ở một đảng bộ xã” của Hồng Văn. Từ câu chuyện có thật, từ những trải nghiệm cuộc đời và nhiều năm công tác trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, tác giả chia sẻ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ và vai trò tham mưu của cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ rất quan trọng.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Thách thức và cơ hội” của Minh Anh, bình luận qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 đề xuất 5 ưu tiên, trong đó có 2 ưu tiên liên quan tới việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Tìm kiếm phát huy tài năng, xây dựng chiến lược ươm mầm tài năng của các nước ASEAN; hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt số này có bài viết “Chuyện về ông Lộc “da cam”. Tác giả Diệp Chi viết về người lính già, Đại tá Nguyễn Đình Lộc, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cẩm Xuyên, một con người anh dũng trong chiến đấu, nghĩa tình khi hòa bình.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Người đứng đầu - phác thảo một chân dung” tác giả Ma Văn Kháng khẳng định người đứng đầu ngoài ảnh hưởng chi phối về tư tưởng, quan điểm, một cách thật tự nhiên, anh ta còn thiết lập nên một mối liên hệ bền chặt giữa mình trong tư cách người đứng đầu với từng thành viên cụ thể, không trừ một ai trong cộng đồng, giống như mối quan hệ tinh thần trực tiếp giữa cả triệu binh lính với một vị tướng đứng đầu, vô cùng bền chặt, nhất hô bá ứng.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Ban tại Việt Nam (JICA) chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực” (Trần Phương).
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Luông Pha Băng” của Khăm-phủi CHĂN-THA-VA-ĐI (Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Luông Pha Băng). Bài viết nêu kinh nghiệm hữu ích của Luông Pha Băng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên, chính sách cán bộ, .
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 10-2018, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng