Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 9-2020 có chủ đề trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; 75 năm Ngày Quốc khánh 2-9, 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, 51 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đại hội đảng bộ các cấp và một số nội dung quan trọng khác…
Mở đầu Tạp chí số 9-2020 là trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý: Cán bộ lãnh đạo phải nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân...
Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm số này giới thiệu với bạn đọc bài viết “Tầm cao trí tuệ của Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân” của tác giả Nguyễn Ngọc Ánh (Viện Xây dựng Đảng) nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trong bài viết, tác giả đã đi từ những cứ liệu của lịch sử giai đoạn trước và trong Cách mạng Tháng Tám để khẳng định: Lịch sử chống ngoại xâm và giữ gìn toàn vẹn, chủ quyền quốc gia của nước ta ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử cũng thể hiện ở hai nhân tố: Tầm cao trí tuệ của đội ngũ lãnh đạo và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, chuyên mục này cũng gửi tới bạn đọc bài viết “Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến: Âm vang đất Thành đồng” của hai tác giả Đỗ Xuân Trường (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đỗ Khánh Chi (Đại học Phenikaa). Bài viết một lần nữa khẳng định cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu…
Bài viết “Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ở Phú Yên” của tác giả Thanh Xuân cho người đọc thấy được 4 giải pháp mà Tỉnh ủy Phú Yên sử dụng để tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.
Bài viết “Bình Thuận đổi mới công tác đánh giá cán bộ” của tác giả Đinh Thành là cách làm của Bình Thuận trong đánh giá cán bộ với nhiều điểm mới, cụ thể qua các bước sau: Quy trình chặt chẽ; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ nội dung đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm.
Bài viết “Yên Bái tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số” của tác giả Mai Anh viết về Đề án số 11-ĐA/TU ban hành ngày 18-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Mặc dù mới đi vào triển khai thực hiện nhưng với nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, Đề án số 11 đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ của tỉnh.
Chuyên mục Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng số này giới thiệu với độc giả bài viết “Chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác nhân sự” - kỳ 4 của loạt bài viết dài 5 kỳ có nhan đề “Hướng tới Đại hội XIII của Đảng: Cách mạng muốn tiến lên cần một triết lý hành động, một lý luận chân chính chỉ đường” của PGS. Trần Đình Huỳnh. Trong bài viết, từ những dẫn luận, tác giả khẳng định quan liêu là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân – nguồn gốc của mọi thói hư tật xấu trong bộ máy công quyền; tính cấp bách của việc chống chủ nghĩa quan liêu và tác giả bàn đến việc chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác chuẩn bị nhân sự - vấn đề nóng hiện nay trước thềm Đại hội XIII của Đảng.
Chuyên mục này cũng gửi tới bạn đọc bài viết “Hà Tĩnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp” của tác giả Thanh Hải. Trong bài viết, tác giả đã cho độc giả thấy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chủ động nắm chắc tình hình các tổ chức đảng, kịp thời kiểm tra các tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, đây là một trong những điều kiện đảm bảo cho thành công của đại hội đảng bộ các cấp.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi số này gửi tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết “Cơ chế nào khuyến khích đội ngũ cán bộ đổi mới, sáng tạo?” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Mai (Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) nằm trong chùm bài viết bàn về nội dung “Về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” mà trong 2 số gần đây nhất, Tạp chí đều đặn gửi đến độc giả bài viết bàn về nội dung này.
Chuyên mục này số 9-2020 cũng gửi đến độc giải bài viết “4 giải pháp góp phần hoàn thiện quy chế chất vấn trong Đảng” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Đó là các giải pháp: Thể hiện rõ phương châm “trên phải làm trước, dưới mới làm sau”; bảo đảm chất vấn đúng địa chỉ; công khai trả lời chất vấn và nội dung chất vấn và khẳng định vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy các cấp.
Bài viết “Tăng cường tự kiểm tra, giám sát công tác cán bộ để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền” của tác giả Hoàng Trọng Hưng (Ban Tổ chức Trung ương) đưa ra một giải pháp quan trọng để góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đó là tăng cường tự kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trang TP. Hồ Chí Minh có bài “Phòng, chống “tham nhũng vặt” cách làm của TP. Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Thị Linh. Với cách làm cụ thể như chuyển đổi vị trí công tác của những cán bộ, công chức, viên chức ở những vị trí dễ có điều kiện nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, TP. Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực trên nhiều lĩnh vực.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này gửi đến độc giả bài viết “Sức mạnh “Ý Đảng – Lòng dân” trong xây dựng nông thôn mới Đồng Tháp” của tác giả Hải Âu. Xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp với mô hình “Hội quán”, “Làng thông minh” chính là điểm sáng, làn gió mới, tạo lòng tin và tiếp thêm động lực mới cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp, là kinh nghiệm để nhiều địa phương khác trong cả nước học hỏi, làm theo.
Bài viết “Bảo hiểm xã hội Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19” của tác giả Nhị Hà cho thấy quyết tâm của Ngành Bảo hiểm xã hội là vừa chống dịch hiệu quả, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu đến độc giả bài viết có nhan đề “Gặp gỡ những người luôn sẵn sàng làm F1” - bài cuối của loạt bài “Học Bác việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm…”. Trong bài viết, tác giả Diệp Chi đã cho người đọc thấy những khó khăn, nguy hiểm của những cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng như tinh thần đặt lợi ích của Nhân dân, Tổ quốc lên trên hết, trước hết của họ.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức số này là bài viết “Xử lý đơn thư trong ‘mùa đại hội” của tác giả Lê Xuân Lịch. Từ thực tế các đơn thư tố cáo sai phạm của cán bộ, đảng viên thường tập trung vào thời gian chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và các kỳ bầu cử HĐND các cấp, tác giả khẳng định cấp ủy các cấp và các cơ quan liên quan cần có cái nhìn đúng đắn, khách quan, toàn diện để giải quyết đúng người, đúng tội, xác định rõ và xử lý nghiêm khắc những kẻ lợi dụng nói xấu cán bộ lãnh đạo, chế độ, đồng thời minh oan cho người vô tội. Có như vậy mới không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thoái hóa, biến chất vào cấp ủy trong “mùa đại hội” đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên gửi đến độc giả bài viết “Cũng là lách luật” của tác giả Đăng Khoa bàn về vấn đề chỉ định đảng viên trong hoặc ngoài đảng bộ, chi bộ tham gia cấp ủy và làm bí thư nhân vụ việc chỉ định bí thư ngay tại đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở ở một số đảng bộ như TP. Bắc Ninh (Bắc Ninh), huyện Yên Lập (Phú Thọ), Càng Long (Trà Vinh) và một vài nơi khác.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt có bài viết “Về người thầy đam mê sáng tạo” của tác giả Thảo Nguyên viết về thầy giáo Nguyễn Văn Quyết, Tổng Phụ trách đội của Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội). Một thầy giáo cùng chiếc loa thùng rong ruổi trên nhiều ngõ ngách của một phường ở Thủ đô để tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch COVID-19. Một người thầy Tổng Phụ trách đội thông minh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã giúp cho Liên đội trường liên tiếp từ năm 2014 đến 2020 lọt vào Top liên đội mạnh cấp Trung ương…
Chuyên mục Sinh hoạt đảng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết “Cuộc sống và tiền bạc” của nhà văn Ma Văn Kháng - kỳ 3 trong loạt bài dài 4 kỳ “Nhận diện để sàng lọc dưới góc nhìn của nhà văn”. Tiền bạc dưới góc nhìn của một nhà văn vẫn là tiền, bạc, là mối bận tâm của mỗi người nhưng nhà văn Ma Văn Kháng đã đưa ra cách sống “biết đủ là đủ”, biết nêu gương trở thành lối sống thì sẽ không có nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí, trọng trách cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước phải bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý như trong thời gian vừa qua.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng Đảng gửi đến bạn đọc thông tin “Bộ Chính trị làm việc với các đảng bộ trực thuộc Trung ương về chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2020-2025” do PV tổng hợp.
Chuyên mục Quốc tế kỳ này đăng bài “Đánh giá cán bộ theo tiêu chí cụ thể ở một số quốc gia” của tác giả Ngọc Anh. Từ kinh nghiệm đánh giá công chức của một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, tác giả đã rút ra 3 kinh nghiệm cho công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam nhằm khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ - khâu yếu nhất trong công tác cán bộ vẫn tồn tại trong nhiều nhiệm kỳ qua ở Việt Nam.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về đại hội đảng, tổ chức bộ máy…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 9-2020, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng