Giới thiệu Tạp chí Xây dựng Đảng in số 4-2023

Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm là Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về dân chủ trong công tác xây dựng Đảng, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ về mục đích, ý nghĩa của việc dân chủ trong công tác xây dựng Đảng: Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật.

Nhân kỷ niệm 153 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin (22-4-1818 - 22-4-2023), chuyên mục cũng gửi đến bạn đọc bài viết “Ba biện pháp quan trọng để Đảng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ mới” của tác giả Trần Xuân Đỉnh.

Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Mở rộng dân chủ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” của tác giả Vũ Lân. Đi từ những giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam, người viết khẳng định nền dân chủ của chúng ta chỉ thực sự phát triển đồng thời với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó đưa ra 3 nhiệm vụ, giải pháp để mở rộng dân chủ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Chuyên mục cũng đăng bài viết “Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thôn, khu dân cư” của tác giả Chu Thị Hải Lâm - học viên Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chi bộ thôn, khu dân cư là tổ chức đảng gần dân nhất, trực tiếp tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Bởi vậy, phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thôn, khu dân cư là nhiệm vụ quan trọng. Vậy làm thế nào để phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ ở các chi bộ thôn, khu dân cư? Bài viết đã đưa ra những giải pháp để trả lời câu hỏi này.

“Để phát huy vai trò của nhân dân trong bầu cử trưởng thôn, bản, tổ dân phố” của tác giả Đỗ Thị Tâm (Khoa Lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn, Học viện Cảnh sát nhân dân) là bài viết tiếp theo trong chuyên mục này. Thôn, bản, tổ dân phố là địa bàn quan trọng để phát huy dân chủ, thực hiện dân chủ ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Với ý nghĩa đó, cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, tổ dân phố là cuộc vận động chính trị sâu rộng trong cán bộ và nhân dân ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân để lựa chọn người nhân dân tín nhiệm cùng lãnh đạo xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, phát triển.

“Quảng Bình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện” của tác giả Lê Công Hữu (tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình) trong chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm là cái nhìn tổng hợp về công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, tạo nên những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác cán bộ của Quảng Bình thời gian qua.

Khép lại chuyên mục là bài viết “Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng: Cách làm của Bến Tre” của tác giả Đinh Thành. Để làm tốt cải cách thủ tục hành chính  trong Đảng, Bến Tre đã triển khai Đề tài khoa học cấp tỉnh, từ đó nhận rõ những tồn tại, hạn chế của công tác này, góp phần giúp BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án về cải cách hành chính, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện công tác cải cách hành chính trong Đảng ở địa phương.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này tiếp tục gửi đến bạn đọc bài cuối “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội” trong chùm bài 2 kỳ “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị” của PGS. Trần Đình Huỳnh. Để đổi mới hệ thống chính trị một cách cơ bản, thiết thực, hiệu quả thì cần phải chỉnh đốn công tác cán bộ để chọn đúng người, đặt người tương xứng với chức quyền, đồng thời phải thực hiện kiểm soát quyền lực một cách nghiêm ngặt. Việc kiểm soát quyền lực không chỉ do cơ quan thanh tra, kiểm tra tiến hành mà phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Chỉ có như vậy thì việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng mới không chỉ dừng lại ở nghị quyết, khẩu hiệu, nói nhưng không làm hoặc làm nhưng không hiệu quả.

Chuyên mục còn đăng bài viết “Giải pháp phát triển đảng viên là sinh viên và hoàn thiện mô hình chi bộ sinh viên hiện nay” của ThS. Nguyễn Thị Yến (Học viện Hành chính quốc gia). Phát triển đảng viên là sinh viên trong các trường đại học, cao đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức đảng. Việc kết nạp đảng viên là sinh viên sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực trẻ có vị trí, mục tiêu, lý tưởng, hoài bão và khát vọng cống hiến cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, đặc điểm các mô hình chi bộ sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, bài viết đã đề xuất một số giải pháp để phát triển đảng viên là sinh viên và hoàn thiện mô hình chi bộ sinh viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bài viết “Biện pháp ngăn chặn vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền” của tác giả Hồng Văn đã khép lại chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi số này. Từ câu chuyện diễn ra ở Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình thời gian qua, tác giả đưa ra 5 giải pháp để thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhất là để thực hiện tốt quy định về chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Chuyên mục Thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kỳ này đăng bài viết “Ba đột phá chiến lược về chuyển đổi số ở Thanh Hóa” của tác giả Trần Lê Việt. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Từ đó góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, làm tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trang TP. Hồ Chí Minh số này có bài viết “Cơ hội bứt phá của thành phố đầu tàu” của tác giả Đinh Thành. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã phát huy tốt truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này gửi đến độc giả bài viết “Lai Châu khởi sắc nhờ xây dựng nông thôn mới” của tác giả Ngô Khiêm. Qua 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, diện mạo nông thôn miền núi Lai Châu đã khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư. Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã chọn Lai Châu là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh số này có bài viết “Phổ Yên chuyển mình từ học và làm theo Bác” của tác giả Nguyễn Hồng Chinh (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng). Từ một huyện thuần nông, chỉ sau 7 năm được công nhận là thị xã, Phổ Yên liên tục bứt phá trở thành thành phố công nghiệp năng động, hiện đại, đóng vai trò là “cực tăng trưởng kinh tế phía Nam” của tỉnh Thái Nguyên. Bước chuyển mình quan trọng này bắt nguồn từ những cách làm phù hợp, sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo Bác Hồ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Phổ Yên thời gian qua.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này có bài viết “Dân chủ trong công tác cán bộ dưới góc nhìn của người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Vẫn là cách viết, suy nghĩ, trăn trở của người nhiều năm gắn bó với nghề tổ chức xây dựng Đảng, dưới góc nhìn của người làm nghề, qua nghiên cứu Kết luận số 21-KL/TW, người viết càng thấy rõ muốn phát huy dân chủ trong công tác cán bộ trước hết đòi hỏi phải công khai và minh bạch.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này đăng bài viết “Tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phát huy quyền làm chủ của nhân dân” của tác giả Tuấn Minh. Ngày 11-2-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 32/CĐ-TTg về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bài viết đã bàn luận về vấn đề này - một vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, không chỉ với nhân dân trong nước mà còn cả kiều bào ở nước ngoài.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt số này gửi đến bạn đọc bài viết “Người cựu chiến binh 37 năm “bám đội, lội đồng” ” của tác giả Nguyễn Ngọc Diễm kể về cựu chiến binh Nguyễn Văn Huấn, Bí thư Chi bộ, Trạm trưởng Trạm Quản lý thủy nông huyện Đắk Hà (Kon Tum).

Chuyên mục Sinh hoạt đảng kỳ này đăng bài viết “Nhân cách ngay thẳng” của nhà văn Ma Văn Kháng. Vẫn cách viết nhẹ nhàng, sâu sắc, nhiều hàm ý, nhà văn đi từ sự việc Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế AIC và 35 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng để bàn tới một vấn đề sâu sắc hơn trong nhân cách làm người. Đó là thái độ cương trực của mỗi người trước cái xấu xa, sai trái, bất kể những áp lực nặng nề của thượng cấp. Trong cuộc sống, thực hiện nguyên tắc này không dễ nhưng đây cũng là một cách thể hiện nhân cách ngay thẳng của mỗi cá nhân, cán bộ, đảng viên.

Thông tin công tác xây dựng Đảng số này gửi đến bạn đọc các thông tin sau: “Đồng chí Trương Thị Mai chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 39-KL/TW” (P.V); “Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Bộ Nội vụ về tổng kết “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (P.V); “Tọa đàm về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong giai đoạn mới” (P.V); “Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai: Cần chính sách phù hợp cho cán bộ trẻ có năng lực nổi trội” (P.V).

Chuyên mục Quốc tế kỳ này đăng bài viết “Kinh nghiệm cải cách hành chính ở một số nước” của tác giả Đăng Khoa. Thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đều coi cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp nền hành chính thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của công dân, doanh nghiệp, thích ứng với sự thay đổi của xã hội và hội nhập quốc tế. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu với bạn đọc kinh nghiệm cải cách hành chính ở Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Đức, và Ô-xtrây-li-a.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ…

Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 4-2023, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất