Mở đầu cuốn tạp chí là Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu.
Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm kỳ này là bài viết “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) và ThS. Lê Thị Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Bài viết phân tích những yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới, từ đó đưa ra 5 giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm “xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.
Tiếp theo chuyên mục là kỳ 1 ““Tam giác cân” trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” trong loạt bài 2 kỳ “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Góc nhìn đa chiều” của tác giả Minh Anh. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đạt được nhiều kết quả nhưng dường như chưa tương xứng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Để đánh giá đúng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần có góc nhìn đa chiều, thật sự cân xứng như một “tam giác cân” từ 3 phía là cơ quan đào tạo, bồi dưỡng; người quản lý, sử dụng cán bộ và người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
Cũng trong chuyên mục này có bài viết “Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế” của tác giả Đỗ Anh. Bài viết đã bàn đến nội dung đang được Đảng và Nhà nước quan tâm hiện nay: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần phải làm gì để xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế? Từ thực tiễn bước đầu của 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, tác giả đã đưa ra những giải pháp để làm tốt công tác này.
Tiếp theo là bài viết “Xây dựng đội ngũ bí thư chi bộ đủ năng lực từ thực tiễn Bắc Giang” của tác giả Nguyễn Đăng Liệu (Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang). Chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ là yếu tố quan trọng để nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Bài viết lý giải từ yêu cầu thực tiễn đến cách làm của Bắc Giang, qua đó rút ra kinh nghiệm và nêu những nhiệm vụ thời gian tới. Bài viết có thể là một căn cứ thực tiễn để tham khảo cho nhiều địa phương khác trong cả nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Chuyên mục này cũng đăng bài viết “Đắk Lắk chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” của tác giả Nguyễn Thượng Hải (Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk). Bài viết nêu những chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác cán bộ của tỉnh, từ đó nhận xét, đánh giá chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, đề ra 5 giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đắk Lắk trong thời gian tới.
Khép lại chuyên mục là bài viết “Cán bộ, đảng viên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị bằng Tạp chí Xây dựng Đảng” của tác giả Vũ Lân nhân kỷ niệm 57 năm Tạp chí Xây dựng Đảng ra số đầu. Bằng tình cảm, sự trân quý và giá trị thực tiễn của cuốn tạp chí nghiên cứu, hướng dẫn công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ban Tổ chức Trung ương, tác giả - một cộng tác viên thân thiết đã gắn bó nhiều năm với Tạp chí Xây dựng Đảng đã giúp cho người đọc thấy được giá trị, sức sống của Tạp chí. Từ khi Tạp chí được giao thêm nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực của Giải báo chí toàn quốc viết về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) thì vai trò tổ chức, định hướng của Tạp chí, sự lan tỏa của Giải Búa liềm vàng ngày càng giúp tạp chí Xây dựng Đảng trở thành cuốn Cẩm nang hướng dẫn công tác tổ chức xây dựng Đảng ở cơ sở, không thể thiếu đối với những người làm công tác tổ chức - cán bộ trong cả nước và những bạn đọc tin yêu Tạp chí 57 năm qua.
Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kỳ này gửi đến bạn đọc bài viết “Đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Vĩnh Phúc” của tác giả Trương Nguyệt. Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thời gian qua Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chú trọng triển khai các giải pháp đột phá về công tác cán bộ. Trong đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được tỉnh coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này đăng bài 4 “Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư pháp” trong loạt bài 4 kỳ “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh” của nhóm tác giả PGS. Trần Đình Huỳnh - TS. Nguyễn Thị Tố Uyên. Nhóm tác giả đi từ khái niệm tư pháp, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền tư pháp để khẳng định công lao của Người khi dày công xây dựng nền tư pháp nhân dân, người đặt nền móng xây dựng bộ máy thực hiện quyền tư pháp nhân dân. Cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về tư pháp nói riêng và về Nhà nước nói chung vẫn đang là cơ sở để Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân.
Tiếp theo chuyên mục là bài 2 “Con đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin” trong loạt bài 5 kỳ “Để hiện thực hóa con đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của PGS. Trần Đình Huỳnh nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. Tác giả đã chọn xuất phát điểm là quan niệm về xã hội XHCN của C.Mác và Ph.Ăng-ghen để phân tích những đóng góp của V.I.Lê-nin - nhà cách mạng trung thành và phát triển Chủ nghĩa Mác. V.I.Lê-nin đã phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về hình thái kinh tế - xã hội, về sự phát triển và thay thế khác nhau của các chế độ xã hội, khẳng định con đường phát triển của nhân loại là làm cuộc cách mạng XHCN.
Chuyên mục cũng đăng bài viết “Nét đẹp văn hóa từ chức - Nhìn từ quá khứ đến hiện tại” trong chùm bài 3 kỳ “Để từ chức trở thành văn hóa” của nhóm tác giả Minh Anh - Hoàng Yến - Tường Vy - Thanh Tùng (Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương). Văn hóa từ chức là phạm trù văn hóa chính trị gắn liền với việc thực thi và kiểm soát quyền lực. Trong điều kiện Đảng ra đặt ra yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa từ chức có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Để đưa ra các giải pháp phù hợp trong việc xây dựng văn hóa từ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam, cần có cái nhìn toàn cảnh - cái nhìn lịch sử biện chứng về văn hóa từ chức trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước, phát triển và hội nhập của dân tộc ta.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này gửi đến bạn đọc bài viết “Công tác đền ơn đáp nghĩa ở thành phố “Nghĩa tình”” của tác giả Phạm Bá Nhiễu. Những năm qua các cấp ủy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền Thành phố rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý nhằm đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X đề ra là “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình".
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này có bài viết “Chiến lược “Tăng trưởng xanh - Chuyển đổi số” của Hải Dương” của tác giả Ngọc Anh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định cơ cấu nền kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số”, coi thúc đẩy số là nhiệm vụ trọng tâm, là công cụ cốt lõi, phấn đấu đưa Hải Dương đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Hiện tại, Hải Dương đã đạt những con số ấn tượng, triển khai được 6 bước quan trọng trong hành trình thực hiện chuyển đổi số.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh số này đăng bài viết “Quảng Bình làm theo lời Bác” của TS. Nguyễn Viết Xuân (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình). Là tỉnh đã được đón Bác Hồ về thăm, khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này đăng bài viết “Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” của tác giả Bùi Văn Tiếng, (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Trong bài viết, từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đà Nẵng, tác giả đã suy ngẫm, trăn trở về trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là những hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu đối với lĩnh vực công tác này.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên số này đăng bài viết “Bước đột phá” của tác giả Thảo Nguyên bình luận nhân việc Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ có quyết định về công tác cán bộ Bộ Y tế: Điều động đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này có bài viết “Người lính trẻ say hình sự, thích khám phá, truy tìm” của tác giả Hồng Hạnh viết về Đại úy Nguyễn Văn Thành, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), một trong 10 gương mặt trẻ Công an tiêu biểu năm 2021.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng số này gửi đến bạn đọc bài viết “Vượt qua hoàn cảnh” của nhà văn Ma Văn Kháng. Dẫn dụ từ câu chuyện anh Nick Vujicic, người Úc gốc Séc-bi-a, một người khuyết tật từ khi sinh ra, không có cả hai tay lẫn hai chân, tác giả đã gợi nhớ đến các đồng chí thương binh, bệnh binh, những con người tàn nhưng không phế của đất nước ta, vượt ra khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo của lịch sử để viết lên những trang sử huyền thoại bi hùng, tráng lệ giữa đời thường.
Trang Thông tin công tác xây dựng Đảng kỳ này gửi tới bạn đọc 2 thông tin: “Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII)" (P.V) và “Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho phóng viên, biên tập viên năm 2022” (P.V).
Chuyên mục Quốc tế số này đăng bài viết “Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược của Xin-ga-po và Nhật Bản” của tác giả Đăng Khoa. Tác giả giới thiệu những ưu điểm, nét riêng về cách đào tạo, bồi dưỡng trong một quy trình khép kín của Nhật Bản; sự chú trọng đến tư duy của người lãnh đạo của Xin-ga-po để từ đó rút ra 5 bài học cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược của Việt Nam.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên…
Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 8-2022, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng