Giới thiệu tạp chí Xây dựng Đảng in số 5-2022

Mở đầu cuốn tạp chí là trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về điều động, bố trí cán bộ, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ về điều động, bố trí cán bộ: Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; vì sao cần phải điều động.

Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm là bài viết “Tính tiên phong của đảng cộng sản” của tác giả Trần Xuân Đỉnh nhân kỷ niệm 152 năm Ngày sinh C.Mác (5-5-1818 - 5-5-2022).

Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Công tác luân chuyển cán bộ - Kết quả và kinh nghiệm” của tác giả Trần Lê Việt. Tác giả đã tổng hợp, nêu rõ những kết quả, hạn chế, bất cập và rút ra kinh nghiệm sau gần 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ trên phạm vi cả nước. Đây là cơ sở để Trung ương tổng kết, đánh giá đúng tình hình, từ đó đưa ra những giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn các quy định, kết luận của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Bài viết “Luân chuyển cán bộ - Những “mặt được” ” của tác giả Diệp Chi là sự phản ánh cách làm và kết quả bước đầu của nhiều tỉnh, thành trong cả nước khi triển khai, thực hiện quy định về luân chuyển cán bộ, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần rèn luyện, đào tạo cán bộ có hiệu quả.

Trong chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm số này cũng đăng bài viết “Để luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt chất lượng và hiệu quả” của tác giả Hồng Văn. Từ thực tiễn luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở Thái Bình, tác giả đã đề xuất 5 giải pháp để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ.

Tiếp theo là bài viết “Luân chuyển, điều động cán bộ góp phần xây dựng Đoàn vững mạnh” của TS. Nguyễn Ngọc Lương (Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam). Từ thực trạng luân chuyển, điều động cán bộ đoàn kể từ khi thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, tác giả đã đưa ra 5 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác luân chuyển, điều động cán bộ đoàn thời gian tới.

Tiếp theo là bài viết “Luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ cấp huyện và cơ sở không là người địa phương” của tác giả Vũ Lân. Bài viết cho thấy: Hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được mục tiêu đề ra, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Từ đó, tác giả đưa ra 5 đề xuất để các địa phương làm tốt hơn công tác luân chuyển, bố trí cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở không là người địa phương.

Cũng trong chuyên mục này đăng bài viết “Chuyển biến tích cực trong công tác luân chuyển cán bộ ở Quảng Bình” của tác giả Nguyễn Viết Xuân (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình). Bài viết nêu rõ kết quả công tác luân chuyển cán bộ của Quảng Bình đã tạo động lực cho công tác cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng của tỉnh nói chung, góp phần tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Hiệu quả từ thực hiện luân chuyển cán bộ ở Khánh Hòa” của tác giả Nguyễn Khắc Hà (Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa). Với cách làm khoa học, phù hợp, thận trọng, công tác luân chuyển cán bộ ở Khánh Hòa đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Đội ngũ cán bộ luân chuyển đã được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn từng bước trưởng thành, thể hiện được năng lực, phát huy được sở trường, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kỳ này đăng bài viết “Công tác cán bộ ở Vĩnh Phúc - Khâu đột phá “then chốt” của tác giả Huy Nam. Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, đào tạo cán bộ qua thực tiễn luân chuyển đã giúp công tác cán bộ của Vĩnh Phúc tạo được sự đột phá, là “chìa khóa” để Vĩnh Phúc mở nhiều “cánh cửa”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi số này mở đầu là bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập pháp” trong chùm bài “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh” của nhóm tác giả PGS. Trần Đình Huỳnh và TS. Nguyễn Thị Tố Uyên. Trong bài thứ hai của chùm bài này, nhóm tác giả đã khẳng định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của Nhà nước ta; làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về pháp luật, mối quan hệ giữa pháp luật với chính trị, pháp luật và đạo đức. Từ đó nhóm tác giả khẳng định bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban soạn thảo đã thể hiện rõ tư tưởng hiến chính của Người. Bản Hiến pháp hiện hành của nước ta đã kế thừa được tinh hoa của các bản Hiến pháp do Hồ Chủ tịch soạn thảo.

Cũng trong chuyên mục này gửi tới độc giả bài đầu tiên “Phát huy vai trò và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và thế hệ trẻ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trong loạt bài “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của ThS. Nguyễn Thị Yến (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội). Trong bài viết, tác giả cung cấp cho bạn đọc hiểu rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vì đó là bảo vệ sự tồn vong của xã hội, chế độ và sự an bình của nhân dân ta.

Trang TP. Hồ Chí Minh kỳ này đăng bài viết “Công tác dân vận chính quyền cấp huyện ở TP. Hồ Chí Minh” của TS. Phạm Ngọc Lợi (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh). TP. Hồ Chí Minh tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,3% dân số cả nước nhưng đã đón góp 22,2% tổng sản phẩm quốc gia… Đạt được những thành tựu trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận. Tác giả đi từ thực trạng công tác dân vận của Đảng bộ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh với sự chuyển biến rõ nét, từ đó rút ra 5 giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này gửi đến bạn đọc bài viết “Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận” của nhóm tác giả Thu Hà - Bảo Yến. Bình Thuận khởi điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn. Các cấp ủy, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở của Bình Thuận đã cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp để huy động được sức dân, tổng hợp mọi nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân nông thôn Bình Thuận đạt khoảng 46,6 triệu đồng/năm, gấp hơn 3 lần so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, số hộ có mức sống khá giả tăng lên nhanh chóng…

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kỳ này đăng bài viết “Gia Lai lan tỏa mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong học và làm theo Bác” của tác giả Nguyễn Văn Hân (Trường Chính trị tỉnh Bình Dương). Học và làm theo Bác, Tỉnh ủy Gia Lai luôn chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, triển khai thực hiện, từ đó những mô hình, điển hình xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của Nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này có bài viết “Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy cấp tỉnh trong việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Trong bài viết, tác giả đã lý giải ngọn ngành cái “khó” của người làm nghề tổ chức - cán bộ, nhất là sự căng thẳng trong việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở từng địa phương.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này đăng bài viết “Môn học tự chọn?” của tác giả Ngọc Anh bàn về sự việc chỉ còn vài tháng nữa chương trình giáo dục phổ phông chính thức được triển khai cho năm học 2022-2023, trong đó Lịch sử trở thành môn học tự chọn đối với học sinh THPT. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự “tồn vong” của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, thích thì học, không thích thì thôi. Thiết nghĩ, việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc, bởi Bác Hồ đã căn dặn “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này có bài viết “Vượt sóng giữ bình yên biển đảo quê hương” của tác giả Thảo Nguyên viết về tấm gương Thượng úy Nguyễn Tiến Duy, Trưởng ngành Hàng hải Tàu 016 - Quang Trung, Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 lĩnh vực quốc phòng và Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2021.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng số này gửi đến bạn đọc bài viết “Sách - “Thuốc” trị bệnh ngu dốt” của nhà văn Ma Văn Kháng. Dẫn dụ vào câu chuyện từ tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn U-crai-na Ni-cô-lai A.Ô-xtrốp-xki - cuốn sách “gối đầu giường” đối với thế hệ thanh niên Xô-viết trong cuộc nội chiến cách mạng Tháng Mười Nga và trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, nhà văn bàn đến vấn đề văn hóa đọc, tình trạng lười đọc sách của người Việt Nam hiện nay. Từ đó, nhà văn khẳng định rằng cần phải sống chậm lại, hài hòa giữa các nhu cầu cuộc sống. Tự học, đọc sách là con đường lớn nhất thiết mỗi người phải qua nếu muốn tiến kịp cuộc sống. 

Thông tin công tác xây dựng Đảng kỳ này cung cấp cho bạn đọc 2 thông tin: “Các hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng”; “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới” (P.V).

Chuyên mục Quốc tế số này gửi tới bạn đọc bài viết “Chế độ giao lưu nhân sự ở Nhật Bản” của tác giả Đăng Khoa. Công chức Nhật Bản thường xuyên được luân chuyển vị trí công tác trong bộ máy hành chính nhà nước cũng như cử sang làm việc ở môi trường tư nhân và ngược lại. Chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân của Nhật Bản là kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam trong công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về công tác cán bộ, công tác đảng viên…   

Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 5-2022, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…   

Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất