Mở đầu cuốn tạp chí là Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công tác tổ chức xây dựng Đảng: Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng.
Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm kỳ này mở đầu là bài viết “Lạng Sơn xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở thôn, tổ dân phố” của TS. Nguyễn Quốc Đoàn (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn). Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Lạng Sơn nói chung, hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố nói riêng đã có những chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những thôn, tổ dân phố phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở, Lạng Sơn còn không ít thôn, tổ dân phố hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bài viết đã đưa ra 3 giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.
Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Một số giải pháp tăng cường công tác đảng ngoài nước” của ThS. Nguyễn Đắc Thành (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao). Công tác đảng ngoài nước là một bộ phận không tách rời của công tác đảng nói chung. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, công tác đảng ngoài nước có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong các thời kỳ cách mạng, góp phần quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài viết “Xây dựng đội ngũ bí thư cấp ủy cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn” của tác giả Đỗ Khánh Chi trong chuyên mục này đưa ra hai giải pháp để xây dựng đội ngũ bí thư cấp ủy trong đó có đội ngũ bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, đó là: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển, rèn luyện từ thực tiễn.
Chuyên mục cũng gửi đến bạn đọc bài viết “5 giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ở Thanh Hóa có năng lực và khát vọng cống hiến” của tác giả Vũ Văn Quế (Trường Đại học Tài chính - Marketing). Trong lần đầu tiên về thăm tỉnh Thanh Hóa ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt… sự điều khiển sắp đặt này phụ thuộc vào yếu tố nhân lực, vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Khắc ghi lời dạy của Người, tròn 75 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đồng sức, đồng lòng, từng bước phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu trên cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…
Bài viết “Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số ở Bình Thuận” của tác giả Thành Sáng trong chuyên mục này cung cấp cho độc giả thấy, với 34 dân tộc thiểu số, chiếm 8% dân số toàn tỉnh, xác định rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã đưa ra 4 giải pháp cụ thể nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chuyên mục này tiếp tục gửi đến bạn đọc kỳ 2 ““Bắt bệnh” tìm thuốc” trong loạt bài 3 kỳ “Bàn về “dụng nhân” trong Đảng” của tác giả Đỗ Anh. Trong kỳ 2 này, tác giả đi lý giải vì sao một số cán bộ, đảng viên đánh giá công tác cán bộ thật sự có vấn đề bởi thực trạng nhiều cán bộ, trong đó không ít cán bộ cấp cao “nhúng chàm”, bị xử lý kỷ luật mặc dù nhiệm kỳ Đại hội XIII mới đi được một phần ba chặng đường.
Khép lại chuyên mục là kỳ 2 “Để lấp “khoảng trống” trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” trong chùm bài 2 kỳ “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Góc nhìn đa chiều” của tác giả Minh Anh. Trong kỳ 2, tác giả đi từ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ đó đưa ra 9 giải pháp để thực hiện việc đổi mới, giảm dần những tồn tại trong công tác này.
Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kỳ này gửi đến độc giả bài viết “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị” của tác giả Yến Thủy. Trước những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý biên chế, Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026 và những năm tiếp theo, đẩy mạnh tinh giản biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi số này tiếp tục đăng bài 4 “Giá trị minh triết của dân tộc trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” trong loạt bài 5 kỳ “Để hiện thực hóa con đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của PGS. Trần Đình Huỳnh, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. Đi từ khái niệm minh triết và giá trị minh triết kinh tế trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tác giả khẳng định CNXH ở Việt Nam với “tư cách” là một chế độ nên việc xây dựng nền kinh tế thị trường của ta tất yếu phải mang tính định hướng XHCN. Định hướng này phù hợp với tinh thần dân tộc vốn có giá trị minh triết giúp nước, cứu đời, cứu dân. Và mỗi thời đại, nước ta đều sản sinh ra đội ngũ doanh nhân với những phẩm chất và tài năng phù hợp.
Chuyên mục này tiếp tục gửi đến bạn đọc bài cuối “Văn hóa từ chức: Làm thế nào để trở thành phổ biến” trong chùm bài 3 kỳ “Để từ chức trở thành văn hóa” của nhóm tác giả Minh Anh - Hoàng Yến - Tường Vy - Thanh Tùng (Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương). Văn hóa từ chức thể hiện trách nhiệm chính trị cao của những người giữ chức vụ, nhưng làm thế nào để văn hóa từ chức trở thành phổ biến trong hệ thống chính trị? Bài cuối này, nhóm tác giả đã đưa ra những giải pháp đồng bộ cùng với đầy đủ các cơ sở về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và pháp lý để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để văn hóa từ chức trở thành phổ biến.
Trang TP. Hồ Chí Minh kỳ này đăng bài viết “Những “điểm nghẽn” trong cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh” của tác giả Đinh Dương. Tác giả nêu lên thực trạng qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh” nhưng Thành phố mới chỉ thụ hưởng khoảng 50% lợi thế mà Nghị quyết số 54 mang lại, vẫn còn quá nhiều rào cản về pháp lý, cơ chế vận hành, quy trình thực hiện, từ đó tác giả đề xuất những điều chỉnh, bổ sung để Nghị quyết số 54 thực sự là “luồng gió mới” thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số ở Thái Bình” của tác giả Hồng Văn. Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện bài bản, khoa học, đạt được kết quả bước đầu quan trọng, rút ra 5 bài học kinh nghiệm, từ đó khắc phục những khó khăn, hạn chế và phát huy những kết quả đạt được để triển khai các bước tiếp theo thành công hơn.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kỳ này đăng bài viết “Phụ nữ Vĩnh Tường vươn lên từ học và làm theo Bác” của tác giả Mai Anh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ. Người từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Khắc ghi lời dạy của Người, các cấp hội phụ nữ huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã học và làm theo Bác bằng nhiều cách làm sáng tạo, ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động hội giúp nhau khởi nghiệp, khơi dậy và thúc đẩy chị em phụ nữ phấn đấu, rèn luyện, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này gửi đến bạn đọc bài viết “Nhân Ngày truyền thống Ngành Tổ chức chức xây dựng Đảng - Nghĩ về trọng trách của người làm nghề” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Bài viết là sự chiêm nghiệm, là tình cảm của tác giả khi nhớ lại thời điểm mình mới về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng với những khó khăn cả về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc lẫn nghiệp vụ chuyên môn. Từ những câu chuyện xưa, tác giả nghĩ đến trọng trách và áp lực nghề nghiệp của người “gác cổng” cho Đảng về công tác tổ chức - cán bộ.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên số này có bài “Có vào, có ra, có lên, có xuống” của tác giả Thu Huyền bình luận việc Bộ Chính trị vừa ban hành Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này đăng bài viết “Nữ Bí thư tâm huyết, gieo niềm tin, truyền cảm hứng” của tác giả Nguyễn Văn Chiến viết về đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Bình Phước. Chuyên mục Sinh hoạt đảng số này có bài “Miếng ăn quá khẩu thành tàn” của nhà văn Ma Văn Kháng. Vẫn là cách viết đầy ẩn dụ, được dẫn dụ từ những câu chuyện xưa và nay bàn về miếng ăn - một thú vui, nét văn đặc trưng của người Việt ta vốn coi trọng nghĩa tình, hiếu khách, từ đó tác giả bàn đến một tệ nạn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là sự ăn tiêu lãng phí tiền của nhà nước, ăn tàn phá hại, từ đó dẫn tới tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Trang Thông tin công tác xây dựng Đảng kỳ này gửi đến bạn đọc 3 thông tin: Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 80-QĐ/TW và Thông báo kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị (P.V); Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 39-KL/TW (P.V); Gặp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bảo vệ chính trị nội bộ Đảng (P.V).
Chuyên mục Quốc tế kỳ này đăng bài viết “Kinh nghiệm của Trung Quốc về xây dựng Đảng” của tác giả Đăng Khoa. Trong suốt chặng đường 101 năm kể từ khi thành lập tới nay (1921-2022), Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt nhân dân Trung Quốc không ngừng phấn đấu, xóa bỏ xã hội thuộc địa nửa phong kiến, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, xác lập chế độ XHCN tại Trung Quốc, tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, thúc đẩy CNXH đặc sắc Trung Quốc bước vào giai đoạn mới. Để đạt được những thành tựu đó, Trung Quốc đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, trong đó kiên định tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; thực hiện nghiêm kỷ luật, tăng cường phòng, chống tham nhũng.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về công tác cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên, chính sách cán bộ…
Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 10-2022, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng