Mở đầu cuốn tạp chí là trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ: Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác...
Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm số này gửi đến bạn đọc bài viết “Một nghi thức nhà nước mẫu mực” của tác giả Trần Xuân Đỉnh nhân Quốc hội khóa XV chuẩn bị khai mạc Kỳ họp thứ nhất, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó có việc bầu các chức danh lãnh đạo của cơ quan Nhà nước.
Tiếp theo chuyên mục này là bài viết “Một quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương). Bài viết là sự đánh giá, sơ kết sau 3 năm thí điểm giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đào tạo. Kết quả cho thấy, đây là một chủ trương mới, đúng đắn nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa tiêu chuẩn chính trị cho cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an.
Từ những cách làm mới, những mô hình mới, qua bài viết “Công việc gốc của Đảng từ cơ sở” của tác giả Lưu Ly, tác giả khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được các cấp ủy địa phương xác định là quan trọng, nhưng việc thực hiện vẫn còn chưa tốt. Điều này đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy các cấp cần phối hợp chặt chẽ, siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài viết “Công tác cán bộ nữ, trẻ: Nhìn từ thực tiễn” của tác giả Phan Nam là cái nhìn tổng hợp về công tác cán bộ nữ, trẻ nhiệm kỳ 2015-2020. Từ thực trạng tỷ lệ nữ, trẻ tuy đã tăng nhưng chưa đạt theo yêu cầu, từ đó tác giả đưa ra nhiều giải pháp để nhiệm kỳ 2020-2025 các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước làm tốt hơn, nâng tỷ lệ nữ, trẻ lên so với nhiệm kỳ trước.
Bài viết “Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số” của Diệp Chi đã cho người đọc thấy Đảng và Nhà nước luôn xác định việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số là một yêu cầu cấp thiết trong điều kiện một quốc gia có nhiều dân tộc nhằm góp phần tạo sự bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, ổn định chính trị và giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc.
Bài viết “Đổi mới, nâng cao chất lượng cán bộ chủ chốt ở cơ sở” của Hồng Văn là cái nhìn từ thực tiễn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở Thái Bình. Qua việc phân tích thực trạng tác giả đã đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, góp phần tạo được lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bài viết “Điện Biên: Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” của tác giả Giang Phú cho người đọc thấy được cách làm bài bản trong công tác cán bộ của Điện Biên, trong đó có những kết quả đáng khích lệ trong công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ của Điện Biên ngày càng trưởng thành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài viết “Giải “bài toán khó” trong đánh giá cán bộ”, kỳ 3: “Những “tín hiệu” đổi mới” của tác giả trẻ Đỗ Anh trong loạt bài dài 4 kỳ tiếp tục cho độc giả thấy được đánh giá cán bộ luôn được nhận định là khâu khó nhưng không phải là không thực hiện được. Thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động trong việc đổi mới cách đánh giá cán bộ với nhiều cách làm hay, hiệu quả.
Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng số này gửi tới độc giả bài viết “Hiệu quả từ việc khoán chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở Long An” của tác giả Đinh Thành. Tỉnh Long An đã có một quyết sách mang tính đột phá là triển khai đồng loạt việc khoán chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Quyết sách này đã đem lại hiệu quả thiết thực, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, thu nhập của người hoạt động không chuyên trách đã được cải thiện đáng kể, giúp họ yên tâm công tác…
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này gửi đến độc giả bài cuối “Quán triệt và thực hành nghiêm túc nguyên tắc hoạt động của Đảng là tự phê bình và phê bình” trong loạt bài dài 5 kỳ “Học và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống” của PGS. Trần Đình Huỳnh, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. Tác giả đã bàn tới nguyên tắc hoạt động của Đảng là tự phê bình và phê bình, cần phải xác định nguyên tắc này là một “vũ khí” để mọi cán bộ, đảng viên tự giác sử dụng nhằm tiêu diệt “kẻ thù bên trong” mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân, là sự si mê quyền lực và lòng ham muốn bất chính… để cho cái ác lụi tàn và cái thiện nảy nở như hoa mùa xuân như Bác Hồ kính yêu đã từng khuyên nhủ.
Chuyên mục này cũng gửi tới độc giả bài viết “Tại sao có nhiều tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ?” của tác giả Vũ Lân. Tác giả đã phân tích, chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc đề ra giải pháp khắc phục tình trạng này chính là góp phần làm cho nguyên tắc của Đảng được giữ vững, thực sự nghiêm minh, dân chủ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này gửi đến độc giả bài viết “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở TP. Hồ Chí Minh” của TS. Bùi Hồng Quân (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh). Trong bài viết, tác giả đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của TP. Hồ Chí Minh, đó là dùng “khung năng lực” làm “công cụ” để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị để khắc phục những gì còn tồn tại, hạn chế của đội ngũ cán bộ này.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này gửi đến bạn đọc loạt bài dài 4 kỳ “Cờ Đảng soi sáng biên cương”, kỳ 1: “Điểm tựa của bản làng” của nhóm tác giả Vân Anh – Ngô Khiêm. Trong kỳ 1, nhóm tác giả đã phác họa chân dung một số già làng, trưởng bản, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng mỗi thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc. Họ thực sự là sợi dây kết nối quan trọng giữa ý Đảng với lòng Dân, góp phần cùng lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới.
Chuyên mục này cũng gửi tới bạn đọc bài viết “BHXH Việt Nam kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Dấu mốc quan trọng” của tác giả Nhị Hà. Từ ngày 1-7-2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được vận hành. BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên ngoài Ngành Công an được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là 2 trong 6 Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của quốc gia.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kỳ này gửi tới độc giả bài viết “Điểm tựa vững chắc của nhân dân” của tác giả Thảo Nguyên viết về cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình học và làm theo Bác Hồ bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, góp phần vun đắp tình đoàn kết quân - dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này gửi tới độc giả kỳ cuối “Về chính sách tôn vinh, khen thưởng cán bộ” trong loạt bài dài 3 kỳ “Chính sách cán bộ sau đại hội đảng bộ các cấp: Nhiều vấn đề cần giải quyết”của tác giả Bùi Văn Tiếng, nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng. Với những chiêm nghiệm về nghề, người viết cho độc giả thấy rằng tôn vinh, khen thưởng là một nội dung quan trọng trong hệ thống chính sách cán bộ. Người làm nghề tổ chức cần phải biết kiểm soát quyền lực nhằm xóa bỏ hiện tượng đáng buồn như “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”, kể cả danh hiệu Anh hùng vô cùng cao quý.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này gửi tới bạn đọc bài viết “Bỏ là đúng” của tác giả Đinh Dương bàn về việc Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, công chức văn thư. Theo đó, Thông tư này đã bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức đối với tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, được dư luận đồng tình.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này đăng bài viết “Giữ vững lời tuyên thệ” của tác giả Ngọc Anh viết về cựu chiến binh Đinh Minh Giới, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa, Hà Nội. Người chiến sỹ năm xưa từng vào sinh ra tử trên chiến trường, nay lại hết mình cống hiến xây dựng phố phường, luôn để ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất trong phòng làm việc.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng số này gửi tới độc giả bài viết “Bàn về văn hóa kỷ luật của cán bộ, đảng viên” của tác giả Minh Anh. Nhân chuyện vợ chồng bệnh nhân Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã không gương mẫu, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Từ đó, người viết bàn về văn hóa kỷ luật của cán bộ, đảng viên, làm thế nào để chuyển từ siết chặt kỷ luật sang hình thành văn hóa kỷ luật không chỉ trong cán bộ, đảng viên mà phải trong cả cộng đồng xã hội.
Thông tin công tác xây dựng Đảng kỳ này gửi tới bạn đọc 2 thông tin: “Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021” (Bá Thắng tổng hợp); “Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” (Ngô Khiêm).
Chuyên mục Quốc tế số này có bài viết “Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Liên bang Nga, Trung Quốc và Xin-ga-po” của tác giả Giang Phú. Từ những cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Liên bang Nga, Trung Quốc và Xin-ga-po, người viết đã tổng kết, rút ra 6 kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng để đạt kết quả tốt hơn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về công tác cán bộ, chính sách cán bộ…
Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 7-2021, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng