Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đang tiếp tục được củng cố vững chắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường và phát triển sâu rộng, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo được đẩy mạnh (số lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam là 14.000 người)(1); kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 tăng khoảng 30,3% so với năm 2020; trong 5 năm gần đây doanh nghiệp Việt Nam đóng góp cho ngân sách Lào hơn 1 tỷ USD cũng như tài trợ cho công tác an sinh xã hội tại Lào đạt khoảng 80 triệu USD; cơ chế mới trong điều phối, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước tiếp tục phát huy hiệu quả (2).
Chuyến thăm của Thủ tướng Lào đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của hai nước Việt Nam và Lào. Năm 2021, trước tác động của đại dịch làm nền kinh tế Lào phát triển chậm lại, ước đạt 3%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua là 4% (3); nguồn thu ngân sách bị giảm sút đã hạn chế đáng kể các khoản đầu tư, trợ cấp xã hội của Chính phủ Lào. Trong thời gian qua Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế tương đối thấp, chỉ đạt 2,58% (4). Trong bối cảnh đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có những hỗ trợ thiết thực cho Chính phủ và nhân dân Lào, bao gồm, trao tặng thiết bị y tế và bộ dụng cụ chẩn đoán trị giá 2,2 triệu USD, đồng thời cử một số nhân viên y tế sang hỗ trợ bệnh nhân Lào và công dân Việt kiều tại Lào. Ở chiều ngược lại, vào thời điểm dịch bệnh bùng phát nhanh và nguy hiểm ở Việt Nam, Lào cũng đã viện trợ cho Việt Nam gần 300.000 USD để ứng phó với đại dịch (5).
Chuyến thăm của Thủ tướng Lào đến Việt Nam trong bối cảnh hai Nhà nước Lào - Trung Quốc có nhiều sự kiện quan trọng, Trung Quốc tham gia ngày càng sâu trong các dự án kết nối ở Lào. Ngày 1-12-2021, lễ ra mắt cuốn sách “60 năm quan hệ ngoại giao Lào - Trung Quốc” được tổ chức, là một trong những hoạt động góp phần chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Trung Quốc (25-4-1961 - 25-4-2021); Tháng 12-2021, sau sáu năm xây dựng, dự án đường sắt Lào-Trung (gồm 61km cầu và 198km đường hầm) cuối cùng đã đi vào hoạt động; phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận Lào - Trung Quốc lần thứ IX do Đảng NDCM Lào đăng cai tổ chức vào 29-12-2021… Thực tế, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của thủ tướng Lào Phăn-khăm Vị-phả-văn đến Việt Nam tái khẳng định quan hệ, đặc biệt bền vững Lào - Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Mục đích
Thứ nhất, trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế, khu vực mà Lào và Việt Nam cùng quan tâm, tìm kiếm giải pháp cho các thách thức trong tình hình mới, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, hai bên có những trao đổi quan điểm về cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ở trong khu vực tác động trực tiếp và gián tiếp đến mỗi nước, đến quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào.
Thứ hai, chuyến thăm góp phần củng cố vững chắc quan hệ hai nước, tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện, trước mắt là hướng đến “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 2022”- sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (5-9-1962) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18-7-1977) (6).
Thứ ba, thúc đẩy chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hợp tác 5 năm giai đoạn 2021-2025; với trọng tâm là tăng cường gắn kết, hợp tác song phương Lào - Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo (7). Chuyến thăm là cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi, hiểu rõ hơn tình hình kinh tế - xã hội, định hướng phát triển, chủ trương đối ngoại của mỗi nước. Từ đó, hai bên thảo luận về các định hướng lớn, biện pháp đột phá nhằm tiếp tục đưa hợp tác Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất (8).
Nội dung chuyến thăm
Về mặt chính trị - ngoại giao: Hai Thủ tướng tái khẳng định chính sách nhất quán của cả hai nước luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Quan hệ song phương giữa Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp, tin cậy chính trị không ngừng được củng cố. Mặc dù đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hai bên đã và đang tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác; tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thoả thuận cấp cao góp phần đưa quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Lào ngày càng đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả; triển khai nghiêm túc và hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai bên.
Về hợp tác đa phương, hai bên tiếp tục phối hợp chia sẻ thông tin và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác Mê Kông để chia sẻ kinh nghiệm, vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với những vấn đề quan trọng. Đặc biệt, Lào và Việt Nam tiếp tục cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, chung tay đóng góp cho nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC) đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN và tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi với các đối tác; cùng các nước ASEAN ủng hộ Căm-pu-chia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp duy trì lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược có liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông (9).
Về kinh tế: Việt Nam và Lào tập trung trao đổi về các biện pháp nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế cho tương xứng với quan hệ đặc biệt của hai nước. Đối với phương hướng Kế hoạch hợp tác 2022, nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế; trong đó có kết nối hạ tầng cơ sở cứng và mềm, đặc biệt là các dự án giao thông đường bộ (nhất là cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn), đường sắt và đường không, cảng biển (nhất là cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh); giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương. Có thể nói, đây là một chương trình trọng tâm quan trọng trong các chương trình hợp tác Việt - Lào trong năm 2022. Việc giúp Lào kết nối ra biển được đánh giá là cú hích rất lớn giúp Lào hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới trong tương lai.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, hai bên tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại, tập trung thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại, phấn đấu đạt mức tăng ổn định từ 10% hằng năm. Hai bên thống nhất tăng cường thu hút các tập đoàn, công ty có tiềm năng về tài chính, chuyên môn, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến chế tạo, khu vực có tiềm năng dọc theo biên giới Việt Nam - Lào. Ngoài ra, Việt Nam và Lào sẽ cùng nhau đánh giá, phân tích và tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn như thủy điện Xekaman 3, thủy điện Luông Pra-băng, khai thác và chế biến quặng bô xít và xây dựng nhà máy Alumina tại huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, tổ hợp chăn nuôi bò và chế biến sữa tại tỉnh Xiêng-khoảng. Về phía Việt Nam, sẽ tiếp tục hỗ trợ những dự án mới được phía Lào cấp phép như dự án khai thác mỏ của Cavico tại tỉnh Bô-ly-khăm-xay, dự án khai thác khoáng sản sắt của Tổng Công ty Hợp tác kinh tế (COECCO)… để sớm triển khai, đóng góp vào việc phát triển kinh tế Lào (10).
Trong lĩnh vực năng lượng, theo thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác hai nước năm 2022, về phía Lào, đồng ý nguyên tắc điều chỉnh thời hạn BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) là 25 năm kể từ ngày Nhà máy Thủy điện Xekaman 3 phát điện trở lại. Hai bên cũng xem xét điều chỉnh giá bán điện phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, liên quan đến dự án mỏ sắt Phu Nhuon tại bản Na To, huyện Khuon, tỉnh Xieng Khouang, phía Lào cam kết có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của Công ty Vinacomin - doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, là đơn vị đã thực hiện khảo sát và thăm dò (11).
Về quốc phòng - an ninh: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng giai đoạn 2020-2024, nỗ lực thực hiện Nghị định thư hợp tác về cứu hộ - cứu nạn và Kế hoạch hợp tác năm 2022, trong đó tập trung vào các nội dung hợp tác quản lý bảo vệ biên giới, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, phối hợp giải quyết vấn đề di cư tự do của đồng bào dân tộc, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và các vấn đề an ninh phi truyền thống, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình ổn định, hữu nghị và phát triển toàn diện; tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Việt Nam hi sinh tại Lào… (12).
Về giáo dục: Tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó hai bên ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp; tăng cường giao lưu về văn hóa, thể thao và du lịch; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, thương mại điện tử, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Nỗ lực giải quyết một số vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước: Tại Kỳ họp lần thứ 44 Uỷ ban Liên chính phủ Việt Nam - Lào hai bên đã thống nhất một số tồn tại cần được tháo gỡ, xử lý trong Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2021. Bao gồm: (i) Một số nội dung Thỏa thuận cấp cao triển khai chậm, hiệu quả chưa cao; (ii) An ninh trên tuyến biên giới, hoạt động tội phạm xuyên quốc gia và tình trạng buôn lậu, vận chuyển ma túy qua biên giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; chủ trương xây dựng các cụm bản mới tại Lào chậm được triển khai; (iii) Kế hoạch kết nối hai nền kinh tế triển khai chậm; đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào chững lại, một số dự án chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng, một số khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời; kim ngạch thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai Bên; (iv) Chất lượng về giáo dục, đào tạo cán bộ tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu (đặc biệt là đối với diện học sinh ngoài Hiệp định giữa hai Chính phủ); công tác tuyển dụng, quản lý học sinh còn nhiều bất cập (13).
Qua các văn kiện đã được ký kết giữa hai Chính phủ trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Lào vừa qua, có thể nhận thấy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào tiếp tục được quản lý vững chắc. Trên mối quan hệ đặc biệt toàn diện từ trước đến nay, tinh thần giúp đỡ tương thân, tương ái, Việt Nam và Lào đã dành cho nhau hỗ trợ thiết thức về phương tiện thiết bị y tế và cả con người trong đại dịch COVID-19 vừa qua, hai bên đã dành cho nhau những hỗ trợ thiết thực về phương tiện thiết bị y tế và con người để đối phó với đại dịch. Đặc biệt, việc tỷ lệ sở hữu của Chính phủ Lào tăng lên từ 20% lên 60% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt (14) sẽ khiến kinh tế Lào có những thay đổi ngoạn mục, thẳng tiến ra biển thông qua cảng biển của Việt Nam.
Định hướng quan hệ
Thành công trong Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Lào giai đoạn 2011-2020 đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới lãnh đạo cũng như quần chúng nhân dân hai nước. Với những thành công trong chuyến thăm của Thủ tướng Lào vừa qua, quan hệ Việt - Lào trong thời gian tới hứa hẹn tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.
Về mặt chính trị - ngoại giao: Hai nước sẽ tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, thỏa thuận đặc biệt, tiếp tục giữ gìn và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quán triệt và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào cho mọi người dân. Trong thời gian tới, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định hai bên đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030. Thời gian tới, chắc chắn Lào vẫn tiếp tục coi trọng mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam và coi Việt Nam là ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của mình, trong khi đó Việt Nam vẫn tiếp tục coi Lào là ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của mình. Trong hợp tác đa phương, Việt Nam sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Lào trong quản lý nguồn nước, phát triển thủy điện trên khu vực sông Mê Kông; phát huy vai trò điều phối trong các cơ chế, diễn đàn hợp tác chính trị quốc phòng, an ninh, kinh tế có sự tham gia của Lào; phối hợp với Lào và các quốc gia ASEAN khác hình thành cách tiếp cận chủ động của Hiệp hội đối với các vấn đề đang nổi lên ở khu vực GMS.
Về mặt kinh tế: Với việc Chính phủ Lào đang tích cực củng cố hành lang pháp lý, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hàng hóa Lào có thể tiếp cận thuận lợi hơn vào thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào cam kết nâng cấp kết nối giao thông, đặc biệt kết nối Đông - Tây; thiết lập cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách đặc biệt nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước đầu tư, kinh doanh; giải quyết vướng mắc bằng các giải pháp đột phá; phát huy các mô hình hợp tác mới (ví dụ như hợp tác Việt Nam - Lào +1) để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào đã và đang tham gia vào các dự án kết nối lớn song phương và đa phương. Cùng với mối quan hệ chính trị đặc biệt những yếu tố trên hứa hẹn sẽ hợp tác kinh tế hai nước đi vào chiều sâu, phát huy được tiềm năng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Về an ninh - quốc phòng: Hai bên tập trung hợp tác đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt chú trọng an ninh khu vực biên giới, cả trong khuôn khổ song phương Việt Nam - Lào và khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế; hợp tác trong đào tạo quốc phòng; hợp tác trong lĩnh vực hậu cần - kỹ thuật quân sự theo hướng tăng cường chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nhân lực trình độ chất lượng cao cho Lào; tăng cường hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị dưới nhiều hình thức, cấp độ từ quốc gia, Bộ Quốc phòng, địa phương giữa hai nước.
Hai bên tập trung vào chất lượng, hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các nhu cầu về phát triển của mỗi nước, đồng thời, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Sự kiện chuyến thăm của Thủ tướng Lào đến Việt Nam vào ngày từ ngày 8 đến 10-1-2022 cho thấy thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào vẫn tiếp tục được tăng cường, phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện là mối quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới. Việt Nam và Lào luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em, luôn ủng hộ mạnh mẽ công cuộc đổi mới và phát triển của nhau, đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào đối với sự ổn định và phát triển của mỗi nước cũng như đối với hòa bình, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hai bên cần tiếp tục phát huy quan hệ chính trị tốt đẹp, bền chặt và chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế đó vào từng kế hoạch, dự án, công trình hợp tác cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thành công chuyến thăm của Thủ tướng Lào tại Việt Nam lần này sẽ tạo ra động lực mới, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
-------------------------
1. Trần Tuấn - Đặng Thùy, VOV-VN, https://vov.vn/chinh-tri/truyen-thong-lao-tiep-tuc-dua-tin-dam-net-ve-chuyen-tham-viet-nam-cua-thu-tuong-lao-post917632.vov.
2. Phạm Tiếp, Tạo động lực phát triển mới trong quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam, TTXVN, 10-1-2022, https://baotintuc.vn/chinh-tri/tao-dong-luc-phat-trien-moi-trong-quan-he-hop-tac-dac-biet-viet-nam-lao-20220110174837770.htm.
3. B. Ngọc, Tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,58%, 29-12-2021, https://tuoitre.vn/tang-truong-gdp-nam-2021-uoc-dat-258-20211229102107766.htm.
4. Báo cáo Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội quốc gia Lào, 10-2021. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư CHDCND Lào. https://vnembassy-vientiane.mofa.gov.vn.
5, 6, 8. Laos Prime Minister visit to Vietnam, https://moderndiplomacy.eu/2022/01/09/laos-prime-minister-visit-to-vietnam.
7. Infrastructure-development-is-high-priority-for-vietnam-lao-pdr-relations https://www.thepeninsula.org.in/2022/01/09/infrastructure-development-is-high-priority-for-vietnam-lao-pdr-relations/?fbclid=IwAR2-iUJFGb7asgy6KncnDUT2RfN_Fs_m1A0EUr4TyAiQgJbO35mr1z7NQ_E.
9. Hoàng Yến, Thủ tướng chính phủ Lào kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam, news.vnanet.vn, https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-chinh-phu-lao-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-chinh-thuc-viet-nam-20220111100324460.htm, ngày 11-1-2022.
10, 11. Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Lào về cả thể chế và hạ tầng https://www.vietnamplus.vn/ket-noi-hai-nen-kinh-te-viet-namlao-ve-ca-the-che-va-ha-tang/767548.vnp.
12. “Kết quả Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Hợp tác song phương giữa Chính phủ nước CHDCND Lào và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2021”, http://www.laogov.gov.la/activities/pages/news.aspx?ItemID=1567&CateID=5.
13. Biên bản kỳ họp lần thứ 44 Uỷ ban Ủy ban hợp tác song phương giữa Chính phủ nước CHDCND Lào và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022. Nguồn: Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào. Vụ Kinh tế đối ngoại. Bộ Kế hoạch đầu và đầu tư Việt Nam. Biên bản lưu văn phòng phân ban.
14. Đài Truyền hình quốc gia Lào, Bản tin tối ngày 10-1-2022, https://www.youtube.com/watch?v=f9mvJS80-CY&t=903s.
Trần Thị Minh Giang, Phạm Thị Mùi, Nguyễn Thị Lý, Lê Thị Hòa
(Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)