Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ một số quốc gia


Đoàn cán bộ các cơ quan, bộ, ngành Việt Nam học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc cuối tháng 11-2018 (Ảnh: Tư liệu)

Một là, đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát hiện vấn đề. Phương pháp này được các nước Pháp, Mỹ, Nhật Bản áp dụng. Phương pháp không chỉ đòi hỏi giảng viên phải là người có chuyên môn sâu mà còn am hiểu thực tế, có óc phán đoán để cùng học viên gợi mở các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai tại cơ quan, tổ chức và cùng tìm hướng giải quyết. Phương pháp rèn luyện cho cán bộ, công chức có tư duy sáng tạo, tìm tòi, óc phán đoán trong việc vận dụng những kiến thức của mình vào việc xem xét, đánh giá vấn đề cần được giải quyết. Với phương pháp giảng dạy này, giảng viên cần phải có những chủ đề đưa ra phù hợp và trong giảng dạy cần có kết hợp với khoa học - công nghệ giúp cán bộ, công chức có năng lực dự đoán, phán đoán vấn đề. Đây là phương pháp quan trọng để cán bộ, công chức được lĩnh hội, trang bị những tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức nhằm phát huy tính tích cực khi lập kế hoạch dài hạn cho cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả nhất.

Hai là, đào tạo, bồi dưỡng theo hướng xử lý tình huống. Đây là phương pháp đã và đang được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Pháp. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo cán bộ, công chức của Pháp chủ yếu là những chuyên gia đang hoạt động thực tế thuộc các lĩnh vực khác nhau. Bản thân Học viện Hành chính Quốc gia Pháp (ENA) - đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho nền hành chính Pháp, cũng không có giảng viên cơ hữu chuyên giảng về các vấn đề nội dung nào đó. Các cán bộ của ENA chủ yếu chỉ đóng vai cầu nối giữa người học và người dạy trong khóa học. Chính vì thế mà các giờ học tập trung, giảng viên thường tái hiện lại các tình huống mà họ đã và đang xử lý trong thực tế, từ đó yêu cầu học viên làm việc nhóm để thảo luận về cách thức xử lý. Trong quá trình giảng dạy, sau khi đã cung cấp những kiến thức cơ bản về lý thuyết, người dạy và người học có thể đưa ra các tình huống thường gặp trong quá trình thực thi công vụ để tìm cách giải quyết, hoặc giả định các tình huống có thể xảy ra trong tương lai để có cách xử lý hiệu quả nhất. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng này vừa giúp người học nâng cao tính thực tiễn, tính chủ động, sáng tạo, vừa nâng cao khả năng tư duy, phán đoán khi vận dụng những lý thuyết được học vào thực tiễn trong quá trình học tập. Hiện tại trong công việc của các cơ quan, tổ chức thường xuyên nảy sinh các tình huống bất ngờ, xử lý các tình huống sao cho vừa hợp tình, hợp lý, dứt điểm, vừa hiệu quả là yêu cầu cấp thiết. Phương pháp này đòi hỏi sự làm việc nhiệt tình và hợp tác của cả giảng viên và học viên. Giảng viên phải không ngừng cập nhật kiến thức, thông tin để có thể đưa ra các tình huống sát thực tế, phù hợp với nội dung bài giảng. Học viên phải năng động, tư duy, tìm tòi, phát huy khả năng tư duy độc lập. Tuy nhiên, để phương pháp này thực sự đạt hiệu quả đòi hỏi quy mô lớp học hợp lý, điều kiện cơ sở vật chất tốt, tài liệu đầy đủ để học viên nghiên cứu.

Ba là, dạy học theo phương pháp đóng vai. Phương pháp này được các nước Mỹ, Hàn Quốc sử dụng. Đây là phương pháp cho cán bộ, công chức thực hành ứng xử khi vào vai trong các tình huống giả định nhằm rèn luyện kỹ năng ứng xử, bày tỏ thái độ của người tham gia đóng vai. Phương pháp này khuyến khích cán bộ, công chức thay đổi thái độ, hành vi theo các chuẩn mực đạo đức trong từng tình huống. Giảng dạy theo phương pháp này, giảng viên phải có nhiều cách tiếp cận kịp thời thông tin để có thể đưa ra các tình huống hợp lý và cho người học vào các vai diễn đó. Phương pháp này giúp giảng viên có thể đánh giá được cảm xúc, thái độ, năng lực, phẩm chất của mỗi cán bộ, công chức trong từng vai diễn. Đối với người học, khi tham gia đóng vai phải thực sự tập trung vào vai diễn, thể hiện được bản chất thật, thái độ cũng như cảm xúc của mình khi tham gia vai diễn. Thông qua phương pháp này, cán bộ, công chức thấy trong những trường hợp khác nhau phải có cách ứng xử khác nhau cho phù hợp. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này không nên thực hiện tình huống quá dài hoặc quá nhiều sự kiện liên tiếp sẽ khó cho người đóng vai và người theo dõi. Vì vậy chỉ cần thực hiện tình huống ngắn gọn và có nhiều cách giải quyết để người đóng vai chủ động với vai diễn của mình.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp chú trọng thực hành. Phương pháp này đã được nhiều quốc gia áp dụng bởi quan niệm học phải đi đôi với hành. Đặc biệt ở Pháp, đa phần cán bộ, công chức được tham gia học tập thực tế tại các cơ quan. Trong một khóa học 4 tuần thì có thể khoảng 2 tuần cán bộ, công chức được thực hành thực tế tại nơi làm việc. Việc chú trọng vào thực hành là quan trọng, nên dành khoảng ít nhất 50% thời gian khóa học để đi thực tế tại các cơ quan nhà nước chứ không chỉ là giảng giải, giới thiệu cách thực hành tại giảng đường. Phương pháp học tập này buộc người học và người dạy phải chủ động, không phụ thuộc vào sách vở mà phải độc lập suy nghĩ, sáng tạo để tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ và khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống cụ thể trong thực tiễn cuộc sống.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng theo gương những nhà lãnh đạo có uy tín. Phương pháp này mang tính tích cực rất cao và hiện đang được sử dụng rất tích cực, hiệu quả ở Xin-ga-po. Trong quá trình làm việc một số cán bộ, công chức thường lấy tấm gương của những nhà lãnh đạo có uy tín để định hướng cho con đường sự nghiệp của mình. Vì vậy, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp này sẽ rất hiệu quả trong việc nuôi dưỡng ý chí quyết tâm, phấn đấu và đặt mục tiêu phấn đấu của cán bộ, công chức. Bằng phương pháp này, các nhà lãnh đạo có uy tín sẽ có những buổi nói chuyện trực tiếp hoặc viết thư truyền đạt những kinh nghiệm cũng như những chia sẻ trong cách quản lý làm việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Phương pháp này gần đây cũng đang được các nước khác quan tâm.

Sáu là, đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp nhân tố biện luận thi đấu. Đây không phải là phương pháp mới, đó là sự kết hợp giữa phương pháp làm việc nhóm và tranh luận, được áp dụng tại nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Nhật Bản... Phương pháp này không chỉ nâng cao năng lực của mỗi cá nhân mà còn khích lệ tinh thần làm việc nhóm, hợp tác cùng nhau trong các hoạt động nên đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải nỗ lực cố gắng vì tập thể. Mục đích của phương pháp này không phải vì kết quả thắng thua giữa các tổ trong thi đấu với nhau mà là giúp đối tác hiểu rõ quan điểm, lập trường trong quá trình bảo vệ quan điểm của mình. Trong quá trình phân tổ thi đấu, cán bộ, công chức khi đưa ra quan điểm phải khẳng định, giữ vững và bảo vệ quan điểm của mình, tránh hiện tượng “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thi đấu, cán bộ, công chức phải tập trung suy nghĩ, phản ứng nhanh để bảo vệ quan điểm của tổ. Một ưu thế của phương pháp này là giúp cán bộ, công chức không e dè, mạnh dạn đưa ra quan điểm vì kết quả thi đấu của tổ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất